Ông Ty buôn thuốc Bắc có vợ đẻ được vài hôm, vì cảm phải phong hàn, bỗng phát ra nóng rét, các đốt xương đau ê, không cựa cạy được, trong bụng có hòn to bằng cái đấu, rắn như sắt đá, đau như dao đâm, hòn trễ xuống dưới rốn thì tiểu tiện bí sít, nhỏ giọt ra huyết; hòn xốc lên lồng ngực thì mỏ ác tức nôn ngược, mời một thầy thuốc chữa thì thầy này chủ về tiêu hòn, cho uống Nga truật, với các thứ hành khí phá huyết. Uống 13 tễ to rồi mà hòn càng ngày càng to, trướng đau nóng rét càng tăng, thường thường há miệng như nôn mửa thì khí từ dưới rốn đưa lên như phát suyễn. Người chồng thấy bệnh nguy cấp, chở chiếc thuyền nhỏ đến mời tôi chữa. Nguyên trước tôi thường mua thuốc của người này, qua lại tình nghĩa mật thiết, được tin nguy cấp, không ngại đêm mưa cũng cố lại giúp.
Khi tới nơi thấy cả nhà rất bối rối, tôi xem 6 bộ mạch phù hoãn vô lực, tôi nghĩ rằng: Trầm vi là mạch chính của người mới đẻ, bây giờ lại phù hoãn là vì chân âm khuy quá, tinh huyết suy yếu, vả lại người đàn bà này vốn là âm hư, hình thể đen gầy, hỏi ra lúc đẻ thầy thuốc cho uống thuốc hành huyết, ra huyết nhiều quá. Tôi nói: “Thầy thuốc phần nhiều chấp nệ ở câu “Sau đẻ phải trục ứ, ứ huyết tiêu hết rồi mới nên bổ” cho là cách chữa ổn đáng, huống chi thấy trong bụng có hòn đau như thế, cho nên chỉ để ý vào trục ứ mà không nghĩ tới căn bản hư thực thế nào? Phàm sinh đẻ là chứng huyết khí đều hư tổn cả hai mà còn hành khí tiêu huyết, không mau tìm từ gốc, đợi đến lúc muốn bổ thì không bổ vào đâu được nữa. Cứ ý kiến tôi, khí hư thì trệ, khí trệ thì huyết không hành được, nếu có hòn tích cũng chẳng qua là vì hư mà thành giả tượng đó thôi, Nội kinh có câu: “Người mạnh không bao giờ có tích, chỉ người hư là có thôi”. Vả người này thân thể yếu đuối, huyết thường vẫn ít, khi đẻ đã ra nhiều huyết, thầy thuốc lại công trục như thế, thì còn đâu là ứ huyết nữa, cách chữa hiện giờ chỉ nên bổ nguy căn bản khí huyết, cốt chú trọng ở chân Âm chân Dương. Phàm hỏa đã thêm thì nguyên khí vững; thủy đã mạnh thì tinh huyết sinh, nếu chỉ chuyên bổ khí huyết của hậu thiên thì khác gì trồng cây chỉ biết trau dồi cành lá mà không vun tưới gốc rễ, mà mong được cây tươi tốt, thì chưa có lẽ đó bao giờ.
Nhưng sau khi đẻ, chỉ có chứng phát suyễn là chứng rất nguy, nay khí không về được chỗ cũ, dần dần xốc ngược lên, cần phải giữ vững khí để đưa về chỗ cũ, nếu chậm thì khó lòng mà chữa được. Tôi liền dùng bài Bát vị hoàn gia Ngưu tất (sao), Mạch môn (lùi), Ngũ vị, làm một tễ to sắc đặc cho uống hết, quả nhiên uống một tễ thì chứng đau trướng suyễn nôn đều bớt được một nửa, tinh thần hơi thanh sảng, lại đổi dùng Tố nguyên cứu thận gia Sài hồ, Ích mẫu mà nóng rét đau mình khỏi cả lại theo bài Bát vị trước, giảm Đan bì, Trạch tả, gia Đương quy, Bạch thược, Ngưu tất, Đỗ trọng, mỗi tễ sắc xong ba nước, đúc lại làm một bỏ bã, cô thành cao lỏng cho uống hết, cứ thế điều bổ trong 3 ngày đêm thì cái hòn rắn như sắt đá trước, không biết tiêu tán lúc nào, ăn uống khỏe dần, hình thân dần mạnh. Tôi mới dùng những phương Bát trân, Quy tỳ và phương thuốc trước uống xen lẫn trong một tháng thì khỏe mạnh như trước. Xét cách chữa bệnh này, tôi chỉ bổ chính khí mà tà không còn nơi lẩn lút, còn như bảo là “Hòn tiêu rồi mới nói đến chuyện bổ” hoặc “Có tích mà bổ nhầm” thì lại giúp thêm tai vạ, đó là cách chữa bệnh thực của người xưa. Nếu sau đẻ khí hư thấy chứng đã hư, mà thuốc lại làm hư thêm thì mắc cái vạ “Làm hư thêm cái đã hư”.
Vả như hòn đương rất to và rất rắn ai không cho là huyết tụ khí tích, là chứng hà chứng trưng, riêng tôi cho là giả tượng giả hình, theo đó mà chữa, không phải công mà tự vỡ, công hiệu mau như vậy, so với những vị phá khí hại huyết, có tính chất tại hại dữ dôi như Tiêu, Hoàng, Nga, Lăng với những vị Đào nhân, Hồng hoa, Can tất, Bồ hoàng, Linh chi, Huyền Hồ, Chỉ thực, Ba sương… thực khác nhau một vực một trời! ý nghĩa thay lời Vương Thái Lộc: “Chữa chứng thực, mượn công làm bổ, chữa chứng hư mượn bổ làm công”. Chỉ cốt ở chỗ không bỏ chính khí, chớ không phải Sâm, Truật mới là bổ, Tiêu, Hoàng mới là hại. Giữa khoảng hư với thực là chỗ khéo léo của các thầy thuốc.