Mùa đông năm Bính Tý, tôi tới kinh đô, bạn tôi là ông Giám Sinh họ Trần, hẹn tôi đến tối đi chơi thuyền Hồ Tây, uống rượu làm thơ cho vui. Đúng hẹn tôi mang đàn đến nhà ông Giám Sinh thì thấy trong nhà có ý bối rối, một lát thấy ông Giám Sinh về bảo tôi rằng: “Trời chẳng chiều người, làm cụt hứng của chúng ta!” Tôi ngạc nhiên hỏi: “Tại sao”? Ông Giám Sinh nói: “Tôi có đứa cháu nhỏ (cháu gọi là cậu) mắc bệnh nặng, tình thế nguy cấp, thầy nhà chữa không khỏi, các thầy thuốc ở Kinh đô này cũng đều bó tay, nghe ông học rộng nghề thuốc, xin giúp một tay”. Tôi nói: “Hiền sinh có ông Bác ông Cậu hiện nay cũng là Lương y trong nghị viện Vương phủ, còn chưa chữa nổi; tôi là người lang xoàng ở nơi sơn dã, mong gì chữa được, chẳng hay hiền sinh mắc bệnh gì?” Ông Giám Sinh nói: “Cháu mắc bệnh thương hàn mới khỏi, nhân ăn phải vài miếng thịt bò nướng với cơm nếp, đến tối đầy bụng phát sốt, cho uống hai thang Bổ trung gia những vị thuốc tiêu đạo, chứng đầy bớt mà càng nóng thêm, ngờ là ngoại cảm nhiều lại gia thuốc phát biểu, mồ hôi ra chút ít thì khỏi sốt. Đến hôm sau, thấy ở ngực nổi lên một đám như cái đấu tựa như hòn không phải là hòn, tựa như trướng mà không phải là trướng, mà nóng như đốt, ấn tay vào không chịu được, phiền khát quá chừng, như thế đã một ngày một đêm, dùng thuốc tiêu đạo, khí cũng không hàng; dùng thuốc thanh hỏa nhiệt cũng không lui. Đến nay sinh chứng uống nước một phần thì đi đái hai phần, dùng bài Sinh mạch cho uống thay nước chè, bài Lục vị bổ thủy, bài Bát vị dẫn hỏa, cho uống luôn đại tễ mà nóng khát vẫn không bớt chút nào, tinh thần ngày càng mê mệt, dần dần suyễn thở, mồ hôi trán muốn thoát. Hai ông Bác và Cậu cùng các thầy thuốc đều khoanh tay cả chỉ còn đợi chết thôi! Xin ông nghĩ tình bạn bè mau lại cứu cho”. Tôi tự nghĩ rằng: Bổ thủy cứu hỏa, đều là chữa căn bản, cách chữa khát như vậy thật là chu đáo, hai ông thực đáng danh nổi là quốc thế, chỗ đáng ngờ là trong bụng tựa như hòn, như trướng, Nội kinh nói: “Tổn thương vì nhọc mệt là bất túc, tổn thương về ăn uống là hữu dư đó là đem cái vết hữu hình và cái khí vô hình để phân biệt hư thực. Vả lại thịt bò tính ôn hay phát nhiệt độc, cơm nếp ăn nhiều hay bế khí, lại sau khi ốm, Tỳ Vị không kiện vận được, ăn vào làm thương tổn thêm, các thày thuốc trước đều cho là mới ốm dậy, rụt rè không dám dùng thuốc công phạt. Nội kinh có câu: “Cốc khí không lưu hành tắc ở nơi cuống dạ dầy, làm cho vị khí nóng, nóng đốt lên lồng ngực, cho nên thành nóng ở trong”, lại trong sách Thương hàn luận có nói: “Hạ mau để cứu thận thủy là cái cớ bảo tồn tân dịch hãy còn mảy may, nếu vậy thì tựa hồ còn có lẽ sống được”; Tôi nói: “Tình sâu bạn bè, những muốn cùng nhau chia lo, dám đâu không hết lòng hết sức, chỉ e múa rìu qua mắt thợ, tổ thêm trò cười”. Ông Giám Sinh nói: “Không nên quá e dè như vậy” rồi kéo tôi cùng tới nhà người cháu ông để chẩn trị.
Tôi xem tình hình bệnh, mười phần bối rối,, nhưng mạch hai bộ Xích hữu thần, mạch Xung dương còn đập, tay chân ôn hòa, vả lại chứng tiêu khát thực căn ở Thận, tại sao các thầy thuốc trước bổ thủy hỏa lại không công hiệu? tất căn bản chưa tẩy rửa hết được, bây giờ ta phải theo cách chữa chính, ông Cậu muốn tôi biện rõ lý luận, ông Bác nói: “Việc đã nguy cấp thế này, may ra còn chút hồng phúc, cũng là nhờ ở tay ông can gì phải yêu cầu biện luận nhiều chuyện. Tôi nghe thầm quyết phải công hạ mới sống được, nếu ta nói rõ, thì bệnh đã gần chết mà lại dùng công phạt khác chi ném đá xuống giếng, tất sinh dị nghị ngăn cản, tôi dùng một kế để khỏi hỏi quanh, liền nói dối nhà tôi có phương thuốc gia truyền, rồi lấy thuốc của nhà bệnh, ngầm chế một thang Điều vị thừa khí, đun sôi vài dạo cho uống, một lát bụng sôi chứng suyễn khỏi dần, tôi biết là sức thuốc chưa tới, cho nên mới có cái thế bệnh tà xông ngược lên, lại bảo đun nước thứ hai cho uống, một lát đau bụng, đi tả hai lần, tả ra toàn thịt bò cơm nếp, quả nhiên chứng trướng, chứng khát khỏi. Tôi nghĩ rằng lúc này nguồn sinh hóa cạn hết cần phải bổ Tỳ bổ thổ để giữ gìn cái cơ sinh phát, liền dùng một lạng Bạch truật, hai đồng cân Hắc khương, 3 đồng cân Chích thảo, 5 phân Ngũ vị sắc kỹ, pha nước Sâm vào cho uống, uống xong tả khỏi ngủ say được đến nửa đêm, không cho làm kinh động, khi tỉnh dậy, biết đói đòi ăn, người nhà mừng, muốn cho ăn cơm dẻo, tôi ngăn lại bảo: “Phàm Tỳ Vị trống rỗng nên cho ăn dần, chỉ cho ăn cháo loãng dần dần mới tốt”, lại chế phương thuốc trước, pha Sâm cho uống. Uống xong ba thang thì tinh thần tươi tỉnh, khỏi hết mọi bệnh. Tôi tiếp dùng bài Bát vị hoàn, giảm Đan bì, bỏ Trạch tả, gia Ngưu tất, Ngũ vị, để bổ thêm mạnh môn hỏa, lại thêm Thỏ ty tử để bổ dương khí cho Tỳ Thận, sắc lên cho uống hai thang khỏi hẳn. Lúc đó ông Cậu ông Bác đều tấm tắc khen ngợi bài thuốc gia truyền của tôi là hiệu nghiệm, muốn bao nhiêu tiền cũng mua, tôi nói: “Tôi chỉ nhân bệnh mà biết thuốc, chớ không có học thầy nào cả; và cũng không có phương thuốc bí truyền của người lạ hay tổ tiên chi cả. Vả lại tin vào phương mà bỏ lý là đấng tiền triết vẫn ngăn ngừa.
Nếu phương thuốc gia truyền quả chữa đâu khỏi đấy, thì ngày xưa ông Hiên, ông Kỳ, ông Thương, ông Biển có trí óc cao siêu, tấm lòng từ thiện, há lại không nghĩ tới đó, mà sao mỗi một bệnh không lập ra một phương? Vì phương chỉ để mô phỏng, tôi cũng phỏng theo bệnh mà lập ra phương, tùy người mà linh động, đâu có thể đem những phương thuốc sẵn không linh nghiệm gì mà gượng chữa cho tất cả mọi chứng bệnh ngàn hình muôn trạng, rồi tự cho là lạ là bí đâu? Tôi liền bảo lấy bã thuốc trước cho hai ông xem, không phải là phương thuốc kỳ bí gì, chỉ là bài Điều vị thừa khí, ai cũng kinh ngạc, liền hỏi tôi về ý dùng phương thuốc này. Tôi nói: “Tổn thương về ăn uống là bệnh thực thuộc hữu hình; hiện nay hiền sinh vừa ốm dậy, Vị âm chưa trở lại, Tỳ dương chưa được mạnh, lại thịt bò cơm nếp tính nóng và trệ, cho nên không tiêu, trung tiêu nóng uất, tân dịch khô cạn, không tản tới Tỳ, không đưa tới Phế, cho nên sinh chứng tiêu khát, chính như trong Thương hàn luận nói: “Hạ mau để cứu Thận thủy là cái cơ bảo tồn tân dịch còn mảy may”, cũng là ý đó. Lại như Vương Thúc Hòa nói: “Bệnh hư tý thành chứng tiêu trung thì chữa bằng thang Điều vị thừa khí”, Nội kinh nói: “Tà khí thịnh thì là chứng thực, bệnh cấp phải chữa ngọn trước, cũng giống như dẹp giặc rồi sau mới yên ủi lương dân”, đó cũng là nghĩa dùng công làm bổ. Vì tà khí mạnh không trừ đi, chính khí còn ít thì khó trở lại, cho nên đấng hiền triết đã nói rõ về đuổi tà để khôi phục chính khí, tôi đâu dám lấy ý kiến không bằng cứ, mà coi nhẹ mạng người, để làm cách thử thách cầu may? Hai ông đều khâm phục, nhún mình khen ngợi và than rằng: “Thuốc không kể gì quý tiện, dùng đúng thì hay, những vị thuốc nóng nhiều lạnh nhiều cũng đều có ích cho người ta cả”, rồi bảo người cháu sửa lễ vật ra lạy tạ tôi và nói: “Ơn tái sinh này trọn đời không quên được”.