- BÁT VỊ HOÀN PHƯƠNG
Bát vị hoàn trị mệnh môn hỏa suy, bất năng sinh thổ, cho đến tỳ vị hư hàn, ít muốn ăn uống, đại tiện nát hoặc hạ nguyên suy cấp, quanh rốn, ruột lạnh, đau, đêm đi ỉa, đi đái nhiều lần.
Thục địa 8 lạng Phục linh 3 lạng
Sơn dược 4 lạng Trạch tả 3 lạng
Sơn thù 4 lạng Nhục quế 1 lạng
Đơn bì 3 lạng Phụ tử 1 lạng
Thục địa dùng loại sinh đúng ở Hoài Khánh, tẩy rửa bằng rượu 1 đêm. Dùng gỗ liễu, nồi đất chưng nửa ngày, rồi sấy khô. Chưng lại, sấy lại cho đủ 9 lần cho lúc cần dùng.
Phương pháp chế Phụ tử: Lấy Phụ tử 1 lạng 3, 4 tiền cho vào nồi đất trên tròn, dưới bằng càng đẹp. Lọc lấy đồng tiện 5, 6 chén, tẩm thuốc 5, 7 ngày. Đến lúc đã thấu nhuận, gọt vỏ, chẻ làm tư, ngâm tẩm đồng tiện thêm 3, 4 ngày nữa. Dùng giấy khô bọc nhiều lớp, tẩm thấp. Đốt bằng cách ủ trong tro nóng. Lấy ra sắt thành phiến. Kiểm tra thấy có các điểm trắng như sao, thì dùng nồi mới nướng nóng đến hết sao trắng là được. Nếu cần dùng gấp thì sắt thành phiến lớn, nấu sôi trong đồng tiện ba bốn dạo, Đảo nóng qua trên đồ gốm nóng là xong.
Bát vị hoàn là phương do Trương Trọng Cảnh chế ra. Kiên Huệ nói: có thể phát thận tà, đều là thuốc quân chủ, nên gia giảm mà dùng. Gia giảm nếu không có căn cứ Dịch Lão thì sẽ không hiệu quả. Người nay có gia Nhân Sâm là thuốc của kinh tỳ, không đến được kinh thận. Có gia hoàng bá, tri mẫu, có muốn giảm trạch tả, đều là không biết bản ý lập phương của Tiên thánh.
Lục vị gia Ngũ vị tử gọi là Đô khí hoàn là ý thuật tương hình.
Họ Tiền giảm quế, phụ gọi là lục vị địa hoàng hoàn, để trị cho trẻ em, là lấy rẳng, trẻ em thuần dương mà giảm quế phụ
Dương Thị nói: thường uống bỏ Phụ tử gia Ngũ vị gọi là gia giảm bát vị hoàn.
Đan Khê có Tam nhất thận khí hoàn, độc phương này không thể không dùng!
Trọng cảnh có Kim quỹ thận khí hoàn, ích âm địa hoàng hoàn trị bệnh mắt hỏa suy, tế âm địa hoàng hoàn trị bệnh mắt có hỏa. Hai phương này thấy được nguyên lý mà cũng mở ra được sự vi diệu.
Dịch Lão nói: Bát vị hoàn trị mạch hao mà hư, là thuốc của hai phương tây, bắc. Kim yếu mộc thắng, thủy thiếu, hỏa suy, hoặc mạch cổ, có lực cho uống đều hiệu quả. Sao vậy? Đáp rằng: Các mạch khẩn đều là hàn, là hỏa suy vậy. Là nội hư, thủy thiếu, là mộc thắng, kim nhược, cho nên uống đều kiến hiệu.
- TRƯƠNG TRỌNG CẢNH BÁT VỊ HOÀN DỤNG TRẠCH TẢ LUẬN
(Trích từ Đông Viên Thập Thư)
Dùng trạch tả trong Bát vị hoàn của Trương Trọng Cảnh – Khấu Tông
Bản Thảo Khế Nghĩa nói là: Bất quá tiếp dẫn Quế Phụ đi vào thận kinh, chẳng có ý gì khác. Vương Hải Tàng thật rõ vậy. Như ngu ý mà nói thì Bát Vị Hoàn dùng Địa Hoàng làm quân mà các vị thuốc khác thì làm tá, chẳng phải chỉ là thuốc bổ huyết, mà còn là bổ khí. Nếu đã chuyên vì bổ thận, nhập vào Thận kinh thì Địa Hoàng, Sơn Thù du, Bạch Phục Linh, Mẫu đơn bì đều là thuốc của kinh Thận, chắc rằng không phải đợi Trạch Tả tiếp dẫn rồi mới đến được. Lại Phụ tử là thuốc “Hựu” của Mệnh Môn, trầm ở trong phù, nên chẳng chỗ nào không thể đến được, lại là thuốc thông hành các kinh, dẫn dụng các thuốc. Quan Quế có thể bổ hạ tiêu tướng hỏa bất túc, cũng là thuốc “Hựu” (trợ lý bên phải) của mệnh môn, thì quế phụ cũng không đợi trạch tả tiếp dẫn rồi mới tới được kinh Thận. Với lại Trạch Tả, tuy nói là tả thận, thì cũng là tả thận tà, chứ chẳng phải là tả thận bản. Cho nên phương Ngũ Linh Tán dùng Trạch Tả chẳng phải tả thận tà sao? Bạch Phục Linh cũng phạt thận tà, tức cũng là để bổ chính. Cho nên, trong Bát Vị Hoàn, dùng Trạch Tả không phải để dẫn các thuốc tả thận tà. Vốn là thu được công nuôi ngũ tạng, ích khí hạ, khởi âm khí, bổ hư tổn, ngũ lao. Họ Khấu lại còn nghĩ sao? Vả lại Trạch Tả vốn có thể tả thận, nhưng đi cùng trong đội các thuốc bổ, thì tuy muốn tả đi nữa, lực cũng chẳng đủ làm, thật diệu làm sao!
Tôi sở dĩ cứ khăng khăng với phương này, là bởi biết sâu ý tổ lập phương Trương Trọng Cảnh, nhận đúng phương này là quan yếu trị thận, một chút không dám tự ý tăng giảm. Người đời nay hoặc lấy thuốc tỳ, vị xen tạp vào, hoặc gia thuốc hàn, lương. Tất cả đều không biết bản ý lập phương vậy. Tôi đặc biệt đem áo chỉ lập phương của Trọng Cảnh, xiển phát đầy đủ.
- THỦY HỎA LUẬN
Khảm liên can (chứa) đến thủy, là khí thủy. Nhỏ thì như giếng, lớn thì là biển. Đoài là khôn thủy, là thủy hữu hình. Nhỏ thì như sương mù, lớn thì như mưa. Một dương bị hãm giữa hai âm, là quẻ Khảm. Khảm lấy thủy khí mà đi ngầm trong đất. Nó là căn bản của vạn vật thụ mệnh, nên gọi là nhuận tưới vạn vật. Chẳng gì nhuận bằng thủy. Một âm đặt trên hai dương là quẻ Đoài. Đoài là thủy hữu hình, tưới khắp ở phần trên của vạn vật, là nguồn lợi nuôi sống, nên nói là làm tươi vui vạn vật, chẳng gì bằng trạch nguồn (đầm, ao). Hiểu rõ hai loại thủy này, là có thể lãnh ngộ được cái đạo trị hỏa. Tâm hỏa là hỏa hữu hình. Tướng hỏa là hỏa vô hình, hỏa vô hình thì trong táo nhiệt mà tân dịch khô. Lấy Đoài thủy của ngũ tạng hữu hình mà chế vào là tầm thường vậy. Thân ta tự đã có chân thủy ở ao trên, là khí thủy, thủy vô hình. Lấy thủy vô hình thêm vào hỏa vô hình mới có thể được bền lâu. Đây chính là chân thủy, chân hỏa, thăng giáng đúng thời mới thành ký tế. Y gia chẳng ngộ được chân thể của tiên thiên thái cực, chẳng thấu triệt cái diệu dụng của thủy hỏa vô hình, mà không thể dùng thần tễ Lục Vị, Bát Vị, thì y lý đã thiếu hơn một nửa.
“Chính Dịch Tiêu Tức” của Trần Hy Di nói: Khảm thủy là khí thủy, một dương hãm giữa hai âm là quẻ khảm. Khảm là khí của thủy, đi ngầm trong đất, là căn bản thụ mệnh của vạn vật nên nói là tưới nhuận cho vạn vật không gì bằng thủy. Lại nữa, nhuận cho dịch là khí dịch vậy. “Nguyệt Lệnh” ở trọng thu lại nói: Sát khí dần thịnh, dương khí ngày càng suy, thủy dần hết. Khí thủy thật hết, thì đất sẽ “chết”. Ở trọng đông lại nói: Thủy tuyền (suối nước) động, là tháng “nhất dương” sinh, là thủy động, tức đất lại sống vậy. Do quan sát ở đây, bất quá là mong cho người thoát chỗ tử địa mà cầu chỗ sinh địa mà thôi. Phàm là trước khi cử động, tự ngầm đợi chắc cái gốc rễ, thì sau đó mới có thể vạn ứng mà vạn cử, vạn thắng được là rõ lý vậy.
Lục Vị Hoàn (tên gọi là Địa Hoàng Hoàn) trị thận hư làm khát, tiểu tiện lâm bí, khí tắc, đờm nhiều mãi, đầu mắt huyền hồn, mắt hoa tai điếc, yết táo, lưỡi răng đau, eo gối liệt mềm… cho đến thận hỏa phát nhiệt, tự tháo mồ hôi, ra mồ hôi trộm, xuất huyết các loại, mất tiếng, thủy biến làm đờm… thì đây là thánh dược, là thần tễ trị huyết hư phát nhiệt, lại trị thận âm hư nhiệt, tân dịch không giáng xuống được, bại trọc làm đờm, hoặc đến ho nghịch. Lại trị tiểu tiện không dừng được, thu tinh khí bị hư thoát, làm dưỡng khí, tư thận, chế hỏa, dẫn thủy, làm lợi cơ quan mà tỳ thổ mạch thực.
Thục địa hoàng 8 lạng (giã nhừ), Sơn Thù, Sơn Dược đều 4 lạng, Mẫu Đơn Bì, Trạch Tả, Bạch Phục Linh đều 3 lạng. Trước làm thành bột, trộn cao địa hoàng, thêm mật đặc làm viên to như hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 70, 80 viên vào lúc đói trước bữa ăn, chiêu bằng nước muối loãng. Phàm lúc uống nên bụng đói, uống sau ít thời gian, dùng thức ăn tốt mà ăn để đè vào, làm cho thuốc không bị lưu cữu trong dạ dày, đi thẳng xuống phía dưới để bỏ sự xung nghịch vậy.
- LỤC VỊ HOÀN THUYẾT
Thận hư không thể chế hỏa, thì phương này là chủ. Trong thận không phải chỉ có độc mình thủy. Hỏa mệnh môn là đây, thận không hư tất thủy đủ để chế hỏa. Thận hư, tất hỏa không bị tiết chế, mà chứng nhiệt sẽ sinh ngay, gọi tên là “Âm hư hỏa động”. Họ Hà Gian nói: Thận hư tất nhiệt là vậy. Người đời nay có đủ tâm nhiệt, âm cổ nhiệt, eo thịt đau, đủ các chứng này, lại còn ho ra máu tăng dần.
Thục địa hoàng, sơn Thù du là thứ vị nồng. Kinh nói: vị nồng là âm ở trong âm, cho nên có thể tư dưỡng Thiếu Âm, bổ thận thủy. Trạch tả vị mặn, mặn trước nhập thận. Địa hoàng, sơn thù, trạch tả đều là vật “nhuận”. Thận ghét táo, nên dùng những thứ “nhuận” này. Phương này bổ cho thủy vô hình. Cái “nhuận” của vật cũng là vô hình, cho nên hợp dùng vậy. Đơn bì là vỏ, gốc của cây mẫu đơn. Đan là sắc của hỏa phương nam. Mẫu là ngược với tẫn, thuộc dương, vị đắng, cay cho nên nhập vào thận mà thu liễm âm hỏa, ích cho Thiếu Âm, bình hư nhiệt. Phục linh vị ngọt mà nhạt. Ngọt theo thổ hóa, thổ có thể phòng thủy, đạm có thể thấm tiết, cho nên dùng để chế tà của thủy tạng (tạng thận). Lại nữa bổ ích tỳ vị mà bổ dưỡng cho mẹ của vạn vật, làm mạnh chủ của thủy để chấn dương quang, là thuốc này vậy.
- BÁT VỊ HOÀN THUYẾT
Quân Tử xem tượng quẻ khảm mà biết đạo trong thận có đủ thủy, hỏa. Nhất dương ở giữa hai âm, là khảm. Nhân sinh cùng với trời đất cũng tương tự vậy. Người ngày nay, nhập phòng nhiều mà dương sự dễ cử, là âm hư hỏa động vậy. Dương sự liệt trước là mệnh môn hỏa suy vậy. Chân thủy kiệt, tất ngày đông cực lạnh cũng không thấy rét, chân hỏa tắt, tất khi chính hạ cũng không biết nóng. Ở phương này, Thục địa, sơn thù, sơn dược, Đan bì, phục linh, trạch tả đều là những phẩm nhu nhuận, cho nên có thể làm mạnh chủ của thủy. Nhục quế, Phụ tử là vật cay nhuận, có thể bổ hỏa ở trong thủy, cho nên bổ ích cho nguồn gốc của hỏa. Thủy hỏa đều được nuôi dưỡng, nên thận khí được phục hồi. Ích nguồn của hỏa là để tiêu âm tễ, tức là phương này. Vây thì ích tỳ vị để bổ mẹ của vạn vật, cái lợi so với phương này là rất mỏng vậy.