Một người tên là Đinh ở thôn Bảo Thượng xã Tình Diệm, chồng chết chưa hết tang đau thương khôn xiết, người đó làm lụng ngoài đồng, dầm bùn dãi nắng. Khi mới cảm chỉ thấy gai lạnh sởn chân lông. đầu choáng váng, mắt tối sầm mà thôi, một lát lại tỉnh. Đến tối nhọc mỏi mê mệt, nằm yên một lúc, phát chứng suốt người ra mồ hôi lạnh toát, rồi lại như trước, đến trưa ngày hôm sau phát một chứng quái lạ mắt chớp luôn, miệng nhai luôn như có vật gì, họng nuốt luôn như có vật rắn gì vướng mà không trôi xuống được, mặt đỏ gay, đờm dãi vướng nghẽn, có tiếng khò khè, chân tay quờ quạng như múa may, tự ra mồ hôi như mưa dội, một lát lại tỉnh táo như thường, chỉ còn hơi mỏi mệt thôi; đến tối lại phát như chứng trước, sang đến giờ Mùi giờ Thân ngày hôm sau, bệnh đó lại phát, nhưng lúc này kèm có chứng mửa khan. May mà bệnh nhân chưa mời ai chữa, vì là nơi ấy ngõ hẻm hang cùng, người biết thuốc thì ít, người mạo danh làm thuốc thì nhiều. Những người không hiểu, thấy chứng quờ quạng chân tay ai không bảo là trúng phong; thấy nguyên nhân dãi nắng dầm bùn, ai chẳng cho là trúng thử, trúng thấp. Bệnh nhân mời tôi chẩn trị, khi tôi xem mạch thì bộ tả Xích vô lực, hai bộ Quan hồng sác, tôi biết ngay là Thận thủy kém, Can mộc vượng lấn át Tỳ thổ, cho nên tay chân quờ quạng, đó là tượng trưng phong hỏa. Nhai luôn, nuốt luôn là bệnh ở Tỳ, Nội kinh nói: “Bệnh Tỳ sinh ra nuốt luôn”; mắt chớp luôn đó là Can Thận đều kém, Nội kinh nói: “Bệnh ở Thận và bệnh ở Can là mắt chớp”, lại nói: “Thận thủy suy thì Can âm táo cấp mà thành chứng mắt chớp luôn. Mửa khan là vì hư hỏa bốc lên; mặt đỏ là vì âm hư ở dưới, bức dương khí ở trên, gọi là chứng “Đới dương”. Mồ hôi như dội là âm không giữ được dương, vệ khí hư mà ra mồ hôi, vả lại mồ hôi là nước dịch của Tâm, cũng tức là huyết, vì Thận thủy kém không chế được hỏa, cho nên tướng hỏa và quân hỏa bức bách âm dịch, đốt Tâm huyết mà trút mồ hôi ra. Chứng đờm tắc, tuy nói Tỳ là nơi sinh đờm, Phế là nơi chứa đờm, nhưng đờm ở Tỳ thì đặc mà vàng, đờm ở Phế thì loãng và trong, đó là do Thận thủy thiếu, thủy không sinh ra huyết, thủy trào lên thành đờm, phần khí dư tức là hỏa bốc lên thì đờm lên. Phàm phát nóng toàn thân ở âm phận thì âm hư đã rõ nhưng đó đều là hiện tượng ở ngoài, còn xét đến gốc bệnh thì gái tơ mới bị góa có thể xét được cái tình thương xót buồn rầu u uất quá đó, Nội kinh nói: “Lo nghĩ thì hại Tỳ, buồn thương thì hại Phế:. vả lại uất thì kinh lạc không thông, âm dương bế tắc, nên coi năm tạng là cần cấp mà chiếu cố đến hư là gốc, tuy dãi nắng dầm bùn thì cái tà thử thấp cũng vì khí hư, nhân chỗ sơ hở mà lọt vào. Tôi suy nghĩ kỹ càng, liền cho uống thang Nhị trần vào buổi sáng móc cho thổ ra hơn một chúc đờm; buổi chiều cho uống đại tễ Lục vị thang gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất, Đỗ trọng, uống đến canh hai thì hết cả ba nước, đêm đó ngủ yên, không động đậy gì, ngày mai lại theo thang trước cho uống tiếp một lần như thế nữa, hôm sau chế ba đại tễ Quy tỳ gia Mẫu đơn, Sơn chi cho uống để điều bổ.
Các chứng khỏi hết, tinh thần càng thêm tăng. Bệnh này lúc đầu tôi cho uống Nhị trần làm cho thổ là cốt để khai uất, vì Nội kinh nói: “Hỏa uất thì phải cho phát ra, mộc uất thì làm cho điều đạt”, vả lại trong phép thổ cũng có ý phát theo nếu ghé có tà cũng không lưu lại được, tiếp cho uống Lục vị, bổ mạnh chân âm, đó là bổ thủy để phối với hỏa, cho nên: “Chủ trương làm mạnh chân thủy để dẹp bớt(chấn) dương quang”. Vả lại Can Thận cùng chữa như nhau, bổ Thận tức là bổ Can. Sau dùng thang Quy tỳ là muốn bổ âm huyết ở Tâm, Can, Tỳ của hậu thiên, gia Mẫu đơn để thanh lôi hỏa ở Can, Sơn chi để tả uất hỏa ở Dương minh vị, và thang Quy tỳ lại là bổ thổ bằng cách gián tiếp làm cho Túc quyết âm sinh ra Thủ thiếu âm, Thủ thiếu âm sinh Túc dương minh, đó là tôi theo ý nghĩa câu: “Thấy đờm đừng chữa đờm, thấy phong chớ chữa phong” của người xưa, cho nên không uống một giọt thuốc phong đờm thấp nào, mà phong đờm thấp đều đi đâu mất. Bởi thế mới biết rằng hư là nguyên do của trăm bệnh chữa hư là chủ yếu chữa khỏi bệnh. Người hiểu ra thì nên lấy ngoại tà làm ngọn, chính khí làm gốc, chữa ngàn người không sai một.