LỜI NÓI ĐẦU
Tôn giáo Lương là kết tinh văn hóa đặc trưng cho quan niệm, nếp sống của toàn thể người Việt bất kể ngày nay họ theo tôn giáo nào. Nó bao hàm những tinh hoa của Lão giáo, Phật giáo và Nho giáo nên được gọi là “Tam giáo đồng lưu”.
Trong đó Nho giáo là khuôn mẫu tổ chức nhà nước xã hội phong kiến và trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội; Phật giáo với tinh hoa là tinh thần bình đẳng, bác ái cùng với quan niệm về vị trí của đời người, Lão giáo là thế giới quan biện chứng cùng vơi phương châm ứng xử khiêm, nhu, kiệm ước ở đời.
Như vậy, Lão giáo ở đỉnh cao nhất là vũ trụ quan và gần cận nhất phép ta ứng xử xã hội thường nhật. Tinh thần của Lão giáo mà người khởi xướng là Lão Tử, trước nay được truyền bá là tác phẩm gọi tên “Đạo Đức Kinh”. Tác phẩm được viết ra từ 2500 năm trước và nó chiếm một phần trọng yếu trong nền triết học Đông Phương, cho nên đến nay về văn bản nó có quá nhiều bản dị biệt và rất nhiều quan điểm diễn giải, bình chú hết sức khác nhau. Suốt hơn 2000 năm qua các nhà học giả vẫn không ngừng bàn thảo về văn bản “Đạo Đức Kinh”. Văn bản gốc không còn nữa. Văn bản cổ nhất có được trước đây là bản khắc trên núi đá năm 708 vào thời Đường Trung Tông, tức là sau Lão Tử cả hơn 1200 năm! Các nhà chú giải Đạo Đức Kinh phần nhiều dựa vào bản chỉnh lý và chú giải của Vương Bật (sống vào 226-249) và cũng chỉ là bản sao đi chép lại của nhiều thế kỷ sau đó.
Vì vậy, vấn đề tác giả, văn bản, tác phẩm, nội dung tư tưởng đích thực vẫn còn là vấn đề bàn cãi.
Mãi đến năm 1973 các nhà khảo cổ Trung Quốc khai quật 3 ngôi mộ cổ ở Thôn Mã Vương Đôi, Trường Sa, Tỉnh Hà Nam thuộc gia đình “Trường Sa Thừa Tướng” tên là Lợi Thương, mất vào năm Lã Hậu thứ 2 (186 trước công nguyên), họ đã thu được 2 bản sách trên lụa, Kinh của Lão Tử cùng 49 bộ sách khác. Cả hai bản Lão Tử đều không có tựa đề và phân Chương tiết như các bản hiện thời. Như vậy là “Đạo Đức Kinh“ với 81 Chương chỉ là do đời sau đặt tên và nội dung cũng khác khá nhiều so với văn bản Mã Vương Đôi, là văn bản cổ nhất mà ngày nay có được. Dù văn bản Mã Vương Đôi được sao chép sau thời Lão Tử 300 năm, nhưng còn có trước bản trên núi đá 900 năm và nó phải được xem là gần nhất với tinh thần của tác giả.
Chính vì vậy ở đây, tôi sẽ dựa trên 2 văn bản (A và B) Mã Vương Đôi làm nên, được điền khuyết bằng bản Vương Bật phổ biến để dịch và diễn giải kinh văn của Lão Tử. Phần dịch cố gắng giữ gần nhất, có thể được, với nguyên văn và phần diễn giải cố gắng thật dễ hiểu với ngôn ngữ Việt Nam hiện đại để những ai chưa học Hán Văn có thể tham khảo và lĩnh hội được.
Ôi! Người phương Tây có hơn 50 bản dịch Lão Tử ra tiếng Pháp, hơn 60 bản dịch ra tiếng Anh thì đủ biết “Lão Kinh” hấp dẫn và quan trọng biết nhường nào. Người Việt Nam sao lại có thể bỏ qua không nghiên cứu chước tác của Lão Tử được? Chỉ tiếc rằng với kiến văn hẹp hòi, nông cạn tôi không thể nào diễn đạt một văn bản Hán Văn rất cổ, vừa mang tính khái quát, trừu tượng của minh triết trực giác vừa mang tính ẩn dụ dí dỏm, xúc tích của văn chương bằng tiếng Việt một cách đầy đủ và chính xác được. Rất mong được chư vị lượng thứ cho.
TIỀN DẪN
Đã gần 100 năm nay, người Việt Nam ta đã gần như bỏ quên các kinh sách của Nho giáo, cũng như Lão giáo. Lại hơn 60 năm qua chẳng mấy ai học Hán Văn nên ngôn ngữ Việt với khoảng 80% gốc Hán Việt cũng bị lãng quên khá nhiều, nên việc tiếp cận với kinh văn triết học cổ điển gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế tôi mới phải làm việc “Tiền dẫn” này.
- Tác giả, Tác phẩm và Văn bản.
Lão Tử là Thủy tổ của tư tưởng Đạo gia, cuộc đời ông được ghi trong sử ký Tư Mã Thiên ở mục “Lão Tử Hàn Phi Liệt truyện”. Ông là người huyện Khổ, nước Sở, họ Lý tên Nhĩ, tên chữ là Bá Dương (có thuyết nói tên chữ là Nhiễm), từng làm sử quan ở thư viện hoàng gia nhà Đông Chu. Trong truyện ký ấy nói Khổng Tử đã từng tìm gặp và thỉnh giáo Lão Tử về vấn đề Lễ. Lão Tử nói: “Cái mà ông nói tới, người và xương cốt đều đã mục nát cả, chỉ còn lời nói bên tai. Vả lại, người quân tử được thời thì ngựa, không gặp thời thì dong thuyền mui cỏ mà đi. Tôi nghe: Người buôn giỏi, giấu kín như không có gì, người quân tử Đức dầy giấu kín như ngu. Thế mà ông khí kiêu, mà nhiều ham muốn, dáng nổi mà chí nhiều, đều là vô ích đối với thân ông. Tôi có thể bảo ông chỉ có thế mà thôi”. Khổng Tử đi rồi nói với các học trò: “Loài chim ta biết có thể bay, loài cá ta biết có thể bơi, loài thú ta biết có thể chạy. Loại chạy có thể vây bằng lưới, loại bơi có thể dùng dây câu, loài bay có thể dùng tên nỏ. Đến như con Rồng, ta không thể biết lúc nó cưỡi mây gió lên trời. Nay ta gặp Lão Tử là con Rồng chăng?
Khổng Tử là một người cực kỳ trí tuệ và bác học thời đó, mà còn phải ví Lão Tử như con Rồng có thể lên trời tức là nhập vào cảnh giới tự do. Chả thế mà sau các học giả Nho giáo, Phật giáo rất nhiều người nghiên cứu, diễn giải sách của “Lão Tử” và nó là một tài liệu trọng yếu của tư tưởng truyền thống, không chỉ của Trung Quốc mà còn của cả Phương Đông. Đặc biệt ở Việt Nam, thời Lý đã tổ chức thi “Tam giáo” để kén chọn nhân tài, đủ thấy Lão giáo là một phần quan trọng của tinh thần người Việt.
Trong “Lão Tử Hàn Phi Liệt Truyện” còn kể
đến quá trình hình thành cuốn sách duy nhất của Lão Tử. Cái học của ông cốt ở tự ẩn, vô danh. Khi nhà Chu suy, ông muốn đi ở ẩn. Đến cổng thành, quan lệnh Doãn Hỷ nói: “Ngài định đi ở ẩn, xin hãy gượng vì tôi mà làm sách”. Vì thế Lão Tử mới viết sách, ý bàn về Đạo và Đức với hơn 5000 chữ rồi đi, chẳng rõ rồi ông mất ở đâu. Hoặc nói Lão Lai Tử cũng người nước Sở, viết sách 15 Chương nói về cái dụng của Đạo gia, là người cùng thời với Khổng Tử. Rồi nói Lão Tử thọ hơn 160 tuổi, thậm chí nói thọ hơn 200 tuổi, là do tu Đạo dưỡng thọ. Nghĩa là cả cuộc đời và chước tác của Lão Tử cùng gần như truyền thuyết. Chỉ đến khi có 2 bản Giáp, Ất ở Mã Vương Đôi thì tác giả Đạo Đức Kinh mới được xác minh. Bản Giáp có từ thời Tần về trước, bản Ất vào đầu thời Hán.
Nội dung của 2 bản về đại thể là giống nhau, nhưng chúng khác nhiều so với các bản thông dụng ngày nay. Các bản này xếp 37 Chương “Đạo Kinh” ở trước, 44 Chương “ Đức Kinh” ở sau, mà các bản Giáp, Ất của Lão Tử xếp phần “Đức Kinh” ở trước, “Đạo Kinh” ở sau. Ở cuối bản Ất có tiêu đề rõ ràng “Đức, 3041 chữ” và “Đạo, 2426 chữ”. Trong 2 Chương “Giải Lão” và “Dụ Lão” của sách Hàn Phi Tử có dẫn “ Lão Tử” cũng cùng thư tự như 2 bản Giáp, Ất.
Bản Ất, Lão Tử không phân Chương tiết, bản Giáp trước mỗi đoạn dùng bút mực đánh dấu thành Chương tiết (không ghi số). Nhưng các Chương tiết ở đây cũng có nhiều điểm không giống với các Chương tiết ở các bản thông dụng ngày nay về vị trí. Như Chương 24 ở trước Chương 22 và sau 23, Chương 41 ở trước Chương 40. Các Chương 80 và 81 xếp ngay sau Chương 66.
Về số chữ, Giáp và Ất bản gồm 5467 chữ mà “Lão Tử” của hậu thế (gọi là Đạo Đức Kinh) bị cắt gọt chỉ còn xấp xỉ 5000 chữ và các chữ sai khác khá nhiều.
Tất nhiên, cũng dễ hiểu vì các bản thông dụng hiện nay, là những sách đã sao chép lại quá nhiều lần lần, thậm chí “Tam bách chi sao” mà “tam sao” đã thất bản rồi. Chưa kể một số người có thể cố ý đem chữ thời mình, hoặc ý mình hiểu, mình thích hiểu mà sửa đổi đi. Chẳng thế mà suốt 2000 năm nay, các học giả bàn cãi không ngừng về chước tác và tư tưởng Lão Tử. Sùng bái, chê bai lẫn lộn, thậm chí có người coi ông như kẻ chán đời, phản động hoặc điên rồ về tư tưởng, lủng củng về văn chương, “thực là tai hại”!
Vì vậy, ở đây tôi dựa hẳn vào 2 bản Giáp, Ất “Lão Tử” tìm thấy ở mộ thời Hán tại Mã Vương Đôi (gần thời Lão Tử hơn các bản khác ít nhất 900 năm), chữ mà cả hai bản đều khuyết thiếu thì mới thay bằng chữ ở bản “Vương Bật” để dịch và diễn giải “Lão Kinh”. Vị trí tuần tự các Chương để nguyên như bản Giáp, Ất, nhưng số, Chương thì ghi theo bản Vương Bật để tiện đối chiếu khi cần, vì Giáp Ất không đề số mục. Tựa đề “ Lão Kinh” thì tôi gượng đặt vì “Lão Tử” Mã Vương Đôi không có tựa đề.
Về kết cấu từng Chương, tôi không ghi phần phiên âm Hán Việt, vì bản dịch dựa vào ý nghĩa ở 3 văn bản như tôi nói trên đây (Độc giả nào quan tâm đến chữ Hán và âm đọc Hán Việt thì xin xem ở phần Phụ Lục gồm đủ 3 văn bản), mà chỉ có phần dịch văn và diễn giải. Phần dịch văn, tôi cố gắng giữ lối văn biền ngẫu, trong chừng mực có thể, để dễ đọc, dễ nhớ, dễ cảm thụ. Vì thế, sẽ còn phải dùng khá nhiều từ Hán Việt, mà phần nhiều còn thông dụng, mong độc giả cảm phiền suy xét. Lại nữa, lối văn cổ rất khái quát, xúc tích, lĩnh vực đề cập là triết học có tính trực giác và minh triết nên khá trừu tượng. Vì vậy, cần phải dụng công suy ngẫm, đối chiếu với trải nghiệm cuộc sống ta mới có thể lĩnh hội được các chiều ý tưởng của tác giả.
Phần diễn giải nghĩa, tôi sẽ cố gắng trình bày những gì lĩnh hội được bằng ngôn ngữ hiện đại, như là phụ thêm vào làm cho phần dịch văn thêm dễ hiểu với tất cả mọi người. Song ai có thể hiểu thấu đáo ý tưởng của “con Rồng” được, mà diễn đạt cái trừu tượng mình cảm nhận được cũng chẳng dễ dàng gì. Thôi thì đành “biết đến đâu, tâu đến đấy” vậy.
- Một vài khái niệm cơ bản trong “ Lão Kinh”.
- Đạo:
Lão Tử đã nói: Đạo có thể nói rõ, không còn là Đạo phổ quát. Như vậy, nó là cái “Vô danh thủy tổ của vạn vật” (Chương 1), nghĩa là nó hàm chứa trong mọi sự vật, sự việc trong vũ trụ, do chính nó tạo ra, khi hiện hữu cũng không sáng tỏ, khi ẩn cũng không lấp hẳn. Ông mô tả nó là vật “Hỗn thành” sinh trước cả trời đất, nó trống rỗng, độc lập và không bao giờ thay đổi, có thể là mẹ của trời đất, ta không biết tên của nó, lấy chữ mà gọi là “Đạo”. Ta gượng mà làm vậy thôi (Chương 25). Cuối Chương 25 ông nói thêm: “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp Tự Nhiên”. Nghĩa là Người theo lẽ Đất, Đất theo lẽ Trời, Trời theo lẽ Đạo, Đạo theo lẽ Tự Nhiên. Tức là Đạo là cái lý, cái lẽ, cái quy luật của tự nhiên. Nó chi phối trời, đất, người và vạn vật. Trong toàn bộ “Lão Kinh” có 76 lần đề cập đến Đạo thì mỗi lần bằng một hình ảnh khác, một tính chất khác, cho nên không thể dùng một vật hữu hình, một sự kiện cụ thể nào để mô tả nó. Nhưng gồm tất cả những điều mô tả ấy ta sẽ thấy hình như nó là sự vận động có quy luật của toàn bộ thế giới vật chất tạo nên vũ trụ, con người và vạn vật. Quy luật vận động ấy bao gồm nhiều thuộc tính khác nhau, ông gọi chung là “Đức” (Đức của Đạo).
Ở đây ta đừng nhầm lẫn với cái nghĩa khác của Đạo như con đường, lời nói, một tôn
giáo, một cương lĩnh…v.v.
- Đức:
Trong “Lão Kinh” rất ít chữ Đức mang nghĩa hẹp như là Đạo Đức của luân lý mà ngày nay thường quan niệm. Đức thường như một đặc tính, một tính chất gắn với Đạo, tức là Đức của Đạo, hay tính của Đạo. Cái gì hợp với tính của Đạo gọi là có Đức. Người hiểu sâu xa về Đạo và làm theo đúng các tính chất của Đạo thì gọi là bậc thượng Đức hay Khổng Đức (Đức Lớn). Cho nên, trong văn bản ta sẽ gặp các từ Đức hạ thấp, Đức không tranh, không muốn đầy…v.v.và chính việc áp dụng cái Đức ấy để ứng xử với tự nhiên, với xã hội là cái “dùng” của Đạo, hay nói cách khác Đức là thuộc tính và cũng là thể “hành” của Đạo.
- Vô Vi:
Có nghĩa đen là không làm, không lấy, không vì… nhưng nghĩa rộng của nó là không vị kỷ hay trạng thái tĩnh lặng, trống rỗng của tư tưởng hành động. Chính nghĩa rộng này của vô vi là một tính chất cơ bản nhất của Đạo. Cho nên tu Đạo cốt đạt tới Vô Vi là cái Đức số một của Đạo. Tới được nó sẽ có thể hiểu rõ mọi quá trình vận động khác và sẽ đạt tới Khổng Đức của Đạo.
- Thánh Nhân.
Đối tượng mà “Lão Kinh” muốn nói tới là các Vương, Hầu cai trị xã hội, muốn cho họ hiểu Đạo để có thể “Vô Vi nhi trị”, thiên hạ tự yên. Nhưng ta đừng nghĩ Lão Tử gọi họ là Thánh Nhân. Thánh nhân là người đã ngộ “Đạo” và đạt tới cảnh giới cao nhất là có Khổng Đức của Đạo. Chỉ có những vị Vương Hầu trước thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc đạt Đạo “Vô Vi” mà chăn dắt thiên hạ, khiêm, nhu, kiệm, ái trong một số giai đoạn dài giữ được xã hội yên bình, nhân dân hạnh phúc, mới phảng phất trong tác phẩm của ông. Thánh nhân cũng có nghĩa như người có Đạo, bậc Thượng Đức.
- Phản Phục:
Phản phục là quy luật vận động của Đạo, quy luật chính yếu nhất. Theo nó mọi quá trình đều vận hành có tính chất chu kỳ, tuần hoàn và nếu nhìn tổng quát thì như tĩnh lặng. Từ vũ trụ bao la đến từng sự vật cụ thể cũng không ra ngoài quy luật vận động tuần hoàn cân bằng động giữa các mặt đối lập nhau như đầy – vơi, co – dãn, tĩnh – động, đục – trong, dài – ngắn. Biết được chu kỳ hiện tại, ta có thể hiểu được chu kỳ trước đó và dự đoán được chu kỳ tiếp sau. Ví dụ như ta quan sát chuyển động của con lắc đơn. Nó cần sự cân bằng động chuyển biến giữa thế năng và động năng của bản thân con lắc.
Một ví dụ vui: ta hãy bàn về vụ nổ Bích Bang (Bigbang) của vũ trụ với quy luật phản phục.
Theo lí thuyết Bích Bang (hiện tại được hầu hết các nhà Khoa học thừa nhận) thì trước đây khoảng 13 tỷ năm, toàn bộ vật chất trong vũ trụ còn tập trung trong một không gian điểm và bắt đầu phản ứng bùng nổ. Sau đó 10-43giây là thời điểm Plank, ở đó kích thước vũ trụ vào khoảng 10-1000mét và khối lượng riêng khoảng 1094kg/m3. Từ đó vũ trụ giãn nở với vận tốc ánh sáng. Sau 250.000 năm giãn nở, ánh sáng còn bị nhốt trong đó vì vũ trụ chưa đủ loãng và mới chỉ có các hạt quắc, proton, electon.. mà thôi. Sau nữa vũ trụ nguội dần, lắng tụ lại thành các quần tụ đại thiên hà. Mỗi đại thiên hà lại có hàng nghìn tỷ thiên hà, mỗi thiên hà có hàng tỷ tỷ ngôi sao, mỗi ngôi sao là một hệ thống như hệ mặt trời của chúng ta…
Quá trình này cũng chẳng khác là bao cách mô tả “Trong khoảng trời đất” ví như ống bễ, trống rỗng mà không kiệt, động thời tuôn trào, nghe nhiều, đếm đến cùng không bằng, còn giữ ở trong…(Chương 5) sự biến hóa của cái hang (bễ) ấy là không cùng (cốc thần bất tử) là cái cửa của bà mẹ nhiệm mầu, là gốc rễ của Trời, Đất. Huyền diệu kia “chỉ như có đấy mà tác dụng thì không cùng” (Chương 6). Lão Tử nhìn thấy ở đâu? Ai dạy cho Lão Tử vậy?
Bây giờ các nhà khoa học còn đang lo lắng bàn cãi là vũ trụ sẽ giãn nở mãi hay là giãn đến lúc vận tốc bằng không rồi lại tự hút mà co dần lại, để thu về cái điểm Plank mà con người hiện đại có thể mường tượng tới. Mấu chốt là ở chỗ nếu các hạt Nơtruynô mà không có khối lượng thì mật độ vũ trụ ngày nay là quá loãng, không đủ để hút nhau mà co lại. Mà họ đã tính toán nếu Nơtruynô có khối lượng thì vũ trụ thừa đặc để có thể co lại. Nhưng khốn nỗi, năng lượng Nơtruynô quá nhỏ, chẳng máy móc nào cảm ứng được.
Thôi đành đi hỏi Lão Tử vậy! “Lão Kinh” trả lời: Thiên Địa bất Nhân, coi vạn vật như chó rơm (hàng mã) tức là vạn vận đều bình đẳng trong ống bễ của tạo hóa, dù có khác biệt chi tiết, nhưng tất cả đều có thủy tổ là cái vật “Hỗn thành”. Thế thì cớ gì đầu ngươi có khối lượng, vạn vật và đến cả Foton cũng có khối lượng mà Nơtruynô lại không có? Các ông mới chỉ mường tượng đến vài chục phần trăm của một chu kỳ thôi, mà vũ trụ thì tĩnh lặng, hằng tồn mà ta cũng không nhớ nó đã qua bao nhiêu tỷ tỷ chu kỳ rồi. Trong cái vật chất hỗn thành khởi thủy trước thời điểm Plank ấy, chẳng đã chứa đầy Nơtruynô sao? Nó cũng giãn nở và lấp khắp vũ trụ phải không? Trong và rìa cái vật hỗn thành ấy có phải một phần Nơtruynô thậm chí cha mẹ nó đã liên kết tạo nên các Foton, quắc… không? Thôi nói về cái trước điểm Plank, các ông hãy về tham khảo “Kinh Dịch” mà Khổng Khâu đã khảo cứu và ôm ấp ấy. Ta chán quá rồi!
Tôi xin nhắc lại trong tập “Lão Kinh” này, thứ tự văn bản sắp xếp theo các bản Giáp, Ất Mã Vương Đôi, với số thứ tự đoạn của nó và sẽ ghi Chương số theo Vương Bật để tiện đối chiếu.
Với cách sắp xếp này, ta sẽ xem xét các ứng dụng, các chi tiết trước để về sau dễ hiểu hơn các quy luật khái quát của Đạo.
Nhưng dù có dịch, diễn giải cách nào đi nữa cũng không tìm tới hết các chiều kích mà Lão Tử đề cập, vì căn Chương ông quá xúc tích, ẩn dụ thì đơn sơ mà quy kết thì cao xa, khái quát. Cho nên, càng đọc kỹ bao nhiêu, càng suy nghĩ liên tưởng với trải nghiệm sống bao nhiêu, ta sẽ cảm hiểu được hơn các nguyên lý Đạo, Đức và sự ứng dụng nó càng rộng lớn, càng thành tựu cao sâu bấy nhiêu.
Bắc Ninh, năm 2008, kính cẩn đề tựa!
Nguyễn Quang Tường
ĐỨC KINH(CHƯƠNG 38 ĐẾN 81)
- Chương 38:
Dịch:
Bậc thượng Đức, không chứa tư Đức, nên có Đức. Người đức thấp, không bỏ tính riêng, nên vô Đức.
Bậc thượng Đức Vô Vi nên không có gì để phải làm. Bậc Thượng Nhân làm đấy nhưng vô tư mà làm. Người Thượng Nghĩa làm đấy, nhưng theo lẽ riêng mà làm. Người Thượng Lễ làm nhưng không ai ứng theo nên phải dơ tay nài ép.
Bởi vậy nói: bỏ mất Đạo, thì sau nó là Đức. Bỏ mất Đức nên phải dựa vào Nhân, bỏ mất Nhân mới phải bám vào Nghĩa, bỏ mất Nghĩa mới phải bám vào Lễ. Lễ a, là cái mong manh của trung tín, mà cũng lầ đầu mối mà không theo cái bề ngoài. Việc chọn lấy và bỏ đi là thế.
Diễn giải:
Bậc thượng Đức, tu Đạo đến cực cao, thì vô vi trống rỗng, không còn tư ý, tức Đức của Đạo. Người Đức thấp, lại không chịu bỏ tính riêng, cái Đức thấp ấy, cái tư ý ấy, là trái với Đức, tính của Đạo, tức không có Đức.
Bậc Thượng Đức, hằng “Vô Vi” mà xử sự nên không sinh chuyện, thì có gì phải làm đâu.
Bậc Thượng Nhân, bậc cao nhất trong Nho giáo, làm là làm theo Đạo Người (Nhân Đạo), không vì tư ý. Người Thượng Nghĩa, dưới một bậc, làm vì cái lẽ riêng, cái danh “có nghĩa” của mình. Người Thượng Lễ, đặt ra nhiều quy chế, nhưng chẳng ai ứng thuận, mới phải lấy lễ nghi, gò bó, ép buộc người ta. Vậy thì, dù người ta phải làm theo lễ mà có Thành Tín đâu. Sự giả dối chẳng là đầu mối của rối loạn ư?
Chính vì vậy mà Lão Tử sắp xếp thứ bậc tu tập của người ta như trên: Đạo – Đức – Nhân – Nghĩa – Lễ.
Những tri thức về các sự vật hiện tượng từ trước đến nay đều chỉ là cái hào hoa bên ngoài (cái biểu kiến) của cái bản chất, là các nguyên lý tối thượng cho sự tồn tại, vận động của sự vật, hiện tượng – cái “Đạo”. Nếu tin theo cái biểu kiến sẽ không tìm ra bản chất, nguyên lý, chẳng phải đầu mối của ngu muội ư?
Cho nên, Lão Tử kết luận: Bậc Đại Trượng Phu cần giữ chỗ dầy dặn (Đạo, Đức), cái thực chất mà bỏ đi cái mong manh (Lễ), cái bề ngoài.
- Chương 39:
Dịch:
Những cái đã đạt đến “Nhất” là: Trời đạt nhất mà yên, Thần đạt nhất mà thiêng, Suối đạt nhất mà đầy, Hầu Vương đạt nhất mà chính trị tốt đẹp. Chính đến thế mới nói: Trời không dừng ở trong sẽ liền đặc, Đất không dừng ở yên (ninh) sẽ vỡ tung, thần không dừng ở thiêng sẽ tan biến, Suối không dừng ở đầy sẽ cạn kiệt, Hầu vương không dừng ở quý, ở cao sẽ sụp đổ.
Nhưng vì “Quý” lấy “Tiện” làm gốc, cao lấy thấp làm nền, cho nên Hầu Vương tự xưng là “Cô quả” “Bất cốc”; thế thì “Tiện” là gốc sai ư? Bởi vậy, sự tôn vinh cao nhất là không tôn vinh, là vì không muốn lung linh như ngọc rồi lăn lóc như đá vậy.
Diễn giải:
Mọi sự vật đều vận hành theo một nguyên lý nhất định của Đạo theo từng chu kỳ. Khi đạt đến gần chỗ tốt nhất mà Đạo cho phép tức là đạt đến Nhất – gần Đạo nhất – Trời, Đất, Thần, Suối, Hầu Vương đều vậy. Nếu vượt quá cái nhất ấy nó sẽ suy vong theo quy luật của Đạo.
Vì vậy, Lão Tử nói: Trời không dừng ở trong suốt thì sẽ liền đặc, Đất không dừng ở yên thì sẽ vỡ tung… v.v. cũng như khi cực thịnh thì sẽ vong được nói đến trong Kinh Dịch.
Vua chúa mà tự xưng là “Cô quả” tức là kẻ “Cô độc”, côi cút hay “Bất cốc”, người không tốt, là không muốn đến đỉnh tôn quý như ngọc để rồi sụp đổ lăn lóc như đá. Thế chẳng phải “Quý” lấy “tiện “ làm gốc, “Cao” lấy “Thấp” làm nền ư? Vậy là khi ở trên cao người ta càng phải khiêm cung tốn nhượng mới được lâu bền – cái Đức khiêm tốn vậy.
- Chương 41:
Dịch:
Bậc thượng sĩ nghe Đạo thì gắng thực
hành. Trung sĩ nghe Đạo thì nửa tin, nửa ngờ. Kẻ hạ sĩ nghe Đạo thì cười lớn! Nếu họ không cười thì chẳng thể lấy làm Đạo!
Vì vậy, lập ngôn mà nói rằng: Đạo thì sáng láng mà như thứ bỏ đi. Đạo tiến mà như lùi lại. Đạo phẳng mà tựa như gồ ghề. Bậc thượng Đức mà như trống rỗng. Bậc cao khiết như kẻ nhục nhằn. Bậc Đức rộng thì như không đủ. Bậc Đức mạnh thì như yếu hèn. Đức chất phác thì như thô lậu.
Phàm hình vuông cực lớn thì không thấy góc, vật cực lớn thì chậm thành, âm cực lớn thì ít tiếng. Tượng của trời thì vô hình, Đạo bao hàm trong Vô Danh. Duy chỉ có Đạo là khéo mở đầu và khéo hoàn thành cho vạn vật.
Diễn giải:
Đạo vận hành mà sinh thành ra vạn vật, nó chất chứa trong những thứ vô danh, tầm thường. Kẻ hạ sĩ (ít trí tuệ) chỉ thấy được cái vỏ ngoài lòe loẹt của vạn vật, không thể thấy bóng dáng của Đạo bao giờ, thì làm sao họ hiểu được Đạo. Người trung sĩ nghe về Đạo còn nửa tin nửa ngờ thì kẻ hạ sĩ không cười lớn mới là chuyện lạ. Cái mà kẻ hạ sĩ nghe hiểu cả thì sao có thể lấy làm Đạo để dẫn dắt thiên hạ được! Đạo khó thấy là vì những tinh túy của nó được dấu bên trong, phản ánh lên cái vỏ bên ngoài của vạn vật thì đều như trái ngược. Điều này cũng tựa như những hình ảnh mà Lão Tử đưa ra làm ẩn dụ. Cái hình vuông cực lớn thì không nhìn thấy góc thì sao biết là hình vuông. Các vật cực lớn thì hình thành lâu, những âm cực to thì hiếm nên ít tiếng.
- Chương 40:
Dịch:
Phản phục là sự vận động của Đạo. Mềm yếu là chỗ dùng của Đạo. Vạn vật sinh ra từ “Hữu”, “Hữu” sinh ra từ “Vô”.
Diễn giải:
Quy luật vận động của Đạo, thể hiện trong mọi sự vật, hiện tượng (vạn vật), có tính chu kỳ, sau mỗi chu kỳ lại quay về điểm ban đầu nên gọi “Phản Phục”.
Một quy luật quan trọng nữa của Đạo là Mềm thắng Cứng, Nhu nhược thắng Cương Cường sẽ được bàn đến ở các Chương sau, và nó là một Đức quan trọng dùng để xử thế của Đạo – Đức Nhu.
“Vô” cái trống rỗng, hỗn mang, đầu một chu kỳ vận động của tạo hóa. Vô tượng trưng cho Đạo, hay thể của “Đạo” là “Vô” không tên. Từ đây do vận động mà sinh ra cái “có tên” là “Hữu” là cái “Nhất” gần với Đạo như Trời, Đất chẳng hạn. Cái Hữu ấy vận động mà sinh ra vạn vật.
Đây là một cách lý giải hình thành thế giới của Lão Tử, gần với cách mà Kinh Dịch trình bày thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng biến hóa vô cùng sinh vạn vật.
- Chương 42:
Dịch:
Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật. Vạn vật mang âm mà ôm dương nên khí trung hòa. Cái mà thiên hạ ghét là “cô quả, bất cốc” mà Vương công lấy để tự xưng. Vì vật nếu đã đầy thì bị phạt bớt, đã phạt bớt thì được tăng thêm.
Người xưa đã dạy, nay ta lại bàn mà bảo người: “kẻ cường lương chẳng biết chết lúc nào”, câu nói ấy là thầy học của ta.
Diễn giải:
Đạo sinh cái Nhất, Nhất sinh hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật. Thế thì Đạo là thủy tổ của vạn vật. Đạo tựa như Thái Cực chăng. Mọi vật đều mang âm khí mà ôm dương khí nên khí trung hòa như chứa đều lưỡng nghi, như mô hình nguyên tử hiện nay vậy.
Vương công lấy “cô quả, bất cốc” để tự xưng là muốn như đã bị phạt sẽ được tăng thêm hợp Đạo lý vậy – Đức hạ thấp của Đạo.
Kẻ cường lương, trái với Đức mềm yếu của Đạo sẽ chẳng biết chết lúc nào – Bất đắc kỳ tử.
- Chương 43:
Dịch:
Cái mềm nhất chế ngự được cái bền nhất. Cái “Không có” mới vào được bất cứ chỗ nào. Ta vì thế mà biết được cái hữu ích của “Vô Vi”. Dạy mà không dùng lời, sự hữu ích của
“Vô Vi” thiên hạ ít người biết tới vậy.
Diễn giải:
Cái mềm chế ngự cái bền cũng tựa như cái yếu thắng cái mạnh – Đức Nhu. Cái Không có (Vô – Hữu) mới vào được bất kể chỗ nào kể cả chỗ không có chỗ – vô gian – vô cùng chật hẹp. Từ sự năng động linh hoạt của cái “Vô Hữu”, tác giả suy đến ích lợi của “Vô Vi”. Đạo dạy thế bằng các sự vật, hiện tượng tự nhiên mà chẳng dùng lời và lợi ích của “Vô Vi”, vì thế ít ai biết tới.
- Chương 44:
Dịch:
Danh tiếng với thân xác cái nào trọng hơn? Thân xác với của cải cái nào quý hơn? Được và mất cái nào hại hơn?
Quá yêu sẽ cả bỏ, tích lắm sẽ mất nhiều. Cho nên, biết đủ sẽ không nhục, biết dừng thì chẳng nguy, có thể trường tồn.
Diễn giải:
Qua 3 câu hỏi ý của Lão Tử là: Danh tiếng quý hơn thân xác, Thân xác quý hơn của cải thì ai cũng rõ. Câu hỏi thứ 3 thì khó hơn vì ít ai tự đặt câu hỏi ấy. Cái mất gây hại thì người ta đều biết, nhưng có nhiều khi “cái được còn hại hơn cả mất” (xem thêm mục 9).
Quá yêu sẽ cả bỏ cũng như câu tục ngữ “Yêu nhau lắm, cắn nhau đau” của dân gian ta. Thu nhặt, chứa tích lắm tất sẽ đến lúc mất nhiều. Biết đủ thì không nhục vì không nhục nhằn bon chen tìm kiếm, biết dừng ở nơi của mình thì không nguy, có thể dài lâu, bởi chẳng phải bon chen với người.
- Chương 45:
Dịch:
Cái hoàn hảo thì như khiếm khuyết, mà công dụng thì vô cùng. Cái chất chứa thật nhiều thì như trống rỗng mà ta dùng thì không hết. Cái thật thẳng thì hình như cong, cái thật khéo thì hình như vụng. Cái tiến nhanh thì như chậm chạp.
Lạnh lùng hơn nóng nảy, thư thái hơn vội vàng. Thanh tĩnh có thể giữ thiên hạ yên.
Diễn giải:
Ở đây tác giả nhắc lại quy luật tương tự ở Chương 41. Bề ngoài của Đạo bao giờ cũng nhỏ, thấp, mềm, yếu. Thực thì “Dương” mà dụng thì “Âm”. Yếu thắng mạnh, mềm thắng cứng, âm chế dương là lẽ “Đạo” (Đạo lý) – Đức Nhu. Vì thế mà thanh tĩnh có thể giữ thiên hạ yên.
- Chương 46:
Dịch:
Thiên hạ có Đạo thì cứt ngựa được dùng làm phân. Thiên hạ vô Đạo thì ngựa sinh con nơi chiến trường. Tội không gì lớn hơn là có dục vọng. Họa không gì lớn hơn là không biết đủ. Lỗi không gì thảm hơn là đạt được dục vọng. Cho nên, biết Đủ là Đủ, thì luôn đủ vậy.
Diễn giải:
Thiên hạ có Đạo thì thanh bình, vô Đạo thì chinh chiến liên miên, dân nào được sống yên.
Chinh chiến liên miên chỉ vì dục vọng không cùng, càng có nhiều, càng ham muốn, nên mới nói “lỗi không gì thảm hơn là đạt được dục vọng”.
Kẻ không biết đủ thì bao nhiêu cũng thiếu,
cũng khổ. Còn như biết đủ thì luôn đủ.
- Chương 47:
Dịch:
Không ra khỏi cửa mà biết thiên hạ. Không nhòm qua cửa mà rõ Đạo Trời. Đi càng xa thì biết càng ít. Vì thế, thánh nhân chẳng đi mà biết, không thấy mà biết tên, không làm mà thành việc.
Diễn giải:
Bậc Thánh Nhân “Vô Vi” nên tâm sáng láng thấu triệt mọi thứ thông qua Đạo, nên chẳng đi, chẳng thấy mà biết, biết cả cái nơi mà sự việc sẽ tới thì cần gì phải làm cho nó tới nữa. Không làm – “Vô Vi” mà thành việc là như vậy.
Ở đây ta bắt gặp cái ích lợi của Vô Vi mà tác giả đề cập ở Chương 43.
- Chương 48:
Dịch:
Người đi học ngày một tăng trí. Người nghe Đạo ngày một bớt Chí, bớt, bớt nữa… cho đến Vô Vi. Vô Vi mà không gì không làm được – Vô Vi nhi Vô bất Vi. Vô Vi mà giữ thiên hạ vô sự. Còn Hữu Vi sẽ không đủ để giữ thiên hạ vậy.
Diễn giải:
Người đi học, cái học tri thức của nho gia, ngày càng tăng tri thức. Người nghe Đạo thì ngày một bớt cái ý chí của mình (bớt cái hữu vi). Bớt, bớt mãi cho đến mức Vô Vi (đạt Đạo). Đạt được Vô Vi, cái Đức số một của Đạo, thì chẳng gì không làm được. Chỉ cần vô vi mà giữ được thiên hạ bình yên vô sự. Nếu còn “Hữu Vi” tất hữu sự – vẽ nhiều chuyện – sẽ không đủ để giữ thiên hạ.
Một lần nữa lão Tử khẳng định hữu ích của Vô Vi.
- Chương 49:
Dịch:
Thánh Nhân thường vô tâm, lấy cái tâm khoan thứ làm tâm. Với người thiện xử thiện, với người bất thiện cũng xử thiện là cái Đức làm Thiện. Với người thủ Tín, xử tin, với người không thủ tín cũng xử như tin được, cái Đức Thành Tín vậy.
Thánh Nhân ở trên đời luôn cuốn hút được
mọi người. Vì cả thiên hạ, với cùng một tấm lòng. Trăm họ đều được quý như mắt, như tai mình, Thánh nhân đều hòa hợp cả.
Diễn giải:
Thánh Nhân không có tư tâm, tư ý nên lòng khoan dung quảng đại. Lấy Đức Thiện, Đức Thành Tín mà đối đãi với tất cả mọi người trong thiên hạ bằng cùng một tấm lòng quảng đại bao dung ấy, nên thiên hạ luôn luôn hướng theo. Thánh Nhân coi trăm họ quý như mắt, như tai mình, nên hòa hợp được hết thảy.
- Chương 50:
Dịch:
Ra sống, vào chết. Bọn sinh ra thì 10 được 3, bọn chết đi thì 10 cũng có 3 (khi nuôi lớn). Mà cuộc sống của dân, đều loay hoay trên con đường chết, nên 10 cũng chỉ được 3. Ối! Vì sao vậy? Chỉ lấy cái được “Sống” mới là sống vậy (Tham sống quá, quá tham sống sợ chết).
Ta từng nghe, người khéo giữ cuộc sống, đi trên núi không cần tránh tê, hổ; vào trong quân không mặc giáp binh. Tê không chỗ thọc sừng, hổ không chỗ dùng vuốt, quân không nơi lách kiếm, là vì sao vậy? Chỉ vì không phải đất chết mà thôi.
Diễn giải:
Trong Chương này, Lão Tử muốn nói lên một quy luật là: Con người ích kỷ nhiều tham muốn, nên tham sống sợ chết. Tranh nhau sống mà thành bị chết mà thôi. Chỉ có người hiểu thấu quy luật tự nhiên không tranh giành sự sống nên không đi vào đất chết mới thực sự khéo bảo tồn sự sống của mình.
- Chương 51:
Dịch:
Đạo sinh, Đức dưỡng, nên vật thành cả hình và khí. Vì thế, vạn vật tôn Đạo và quý Đức. Đạo cao, Đức quý, vì dù chẳng mang tước mệnh, mà luôn tự nhiên làm.
Đạo sinh thành, nuôi dưỡng, phát triển, thành toàn, che chở, bồi dưỡng, bảo vệ vạn vật – Sinh mà như không có, làm mà không kể công, nuôi lớn mà không làm chủ, thế gọi là Huyền Đức.
Diễn gải:
Đạo sinh cho vật “Khí”, Đức nuôi dưỡng vật nên hình, cũng như Trời sinh, Đất dưỡng – Dương sinh, Âm dưỡng. Đạo thật cao, Đức thật quý, vì Đạo Đức cứ tự nhiên sinh dưỡng cho vạn vật, chứ không vì một chức trách, mệnh lệnh hay mục đích riêng của mình – vô tư mà làm vậy!
Đạo làm tất cả cho vạn vật, nhưng lại dấu mình đi không cho ai thấy, là cái Đức không trương, không tự hiện gọi là Huyền Đức, là cái Đức sâu xa (huyền) vĩ đại biết bao.
- Chương 52:
Dịch:
Thiên hạ có cái khởi thủy là mẹ của Trời Đất – Đạo. Nếu đã có mẹ, tất biết được con. Đã biết được con, lại giữ được mẹ, suốt đời không nguy.
Lấp hang, đóng cửa suốt đời không mệt; mở cửa, cáng việc, suốt đời trông gai. Thấy cái nhỏ là sáng suốt, giữ mềm mỏng là mạnh mẽ. Dùng cái sáng láng ấy, quay về chỗ sáng suốt, chẳng có đường hại thân.
Diễn giải:
Đạo là mẹ sinh ra thiên hạ, vạn vật. Nếu có Đạo sẽ hiểu rõ vạn vật, trời đất, lại giữ được Đạo, thể theo quy luật tự nhiên, suốt đời không nguy.
Theo Đạo thì phải “Lấp hang” “Đóng cửa”, giữ “Vô Vi” “Vô Sự”, “Vô Dục”. Thấy từ lúc việc còn nhỏ (manh nha) là sáng suốt. Giữ được mềm mỏng sẽ mạnh mẽ. Ứng dụng chúng thì sáng láng, thông đạt, chẳng thể hại đến thân. Như vậy là hợp với Đạo Thường, hằng tồn khắp tự nhiên và xã hội.
- Chương 53.
Dịch:
Nếu ta có hiểu biết, đi trên đường lớn, đường lớn ấy đáng sợ. Đường lớn rộng phẳng, dân lại không ưa?
Triều đình đuổi hết, đồng ruộng hoang vu, kho lẫm trống rỗng. Vậy mà: mặc thì gấm thêu, đeo thì kiếm báu, thức ăn thừa mứa, tiền bạc đầy dư. Thế là Đạo tặc, chẳng phải Đạo nào!
Diễn giải:
Một đất nước mà triều đình không có hiền tài, đất nước, nhân dân khánh kiệt, mà vua quan thì giầu có, thừa mứa ăn chơi, như bọn Đạo tặc vô đạo. Thế thì trên đường lớn rộng, phẳng chỉ có bọn cướp ngày là “quan” thôi, dân chẳng tránh sao?
- Chương 54:
Dịch:
Người khéo làm khó phá, người khéo ôm khó thoát, có con cháu cúng tế thì không tuyệt.
Người tu thân thì Đức thẳng thắn, người tu gia thì Đức có dư, người tu bang thì Đức sẽ lớn, người tu quốc thì Đức phong phú, tu thiên hạ thì Đức phải rộng.
Xem Đạo tu thân, biết thân; xem Đạo tu gia, biết gia; xem đạo tu quốc, biết quốc; xem Đạo tu thiên hạ, biết thiên hạ. Ta vì vậy mà hiểu rõ thiên hạ.
Diễn giải:
Đây là phương pháp xem xét thiên hạ, thời thế. Dựa trên xem xét Đức của bậc quân thượng, tu Đạo nhà, Đạo bang (khu vực nhỏ), Đạo nước, Đạo thiên hạ thế nào thì sẽ hiểu rõ thiên hạ “trị” hay “loạn”.
Nếu họ khéo tu các Đức thì sẽ bền trị, như nhà có con cháu cúng tế thì không tuyệt diệt vậy.
- Chương 55:
Dịch:
Người có Đức dầy giống như trẻ thơ. Ong độc, rắn rết không trích, chim săn, mãnh thú không vồ; gân cốt yếu mềm mà nắm chắc, chưa biết trai gái mà cứng cương, là do tinh khí đầy đủ vậy. Suốt ngày kêu khóc mà tiếng không khàn, là khí cực “hòa” vậy.
“Hòa” là “Thường”. Biết “Hòa” là sáng suốt, là ích sinh, chính là điềm lành.
Tâm đầy khí huyết gọi là “Cường”, Vật cường rồi tất lão. Thế là trái Đạo. Trái Đạo thì sớm diệt vong.
Diễn giải:
Ở đây Lão Tử ví người tu tập Đạo có Đức dầy giống như trẻ thơ, còn trong trắng, chưa bị vẩn đục thói đời nên Vô Vi, Vô Dục và vì thế mà giữ được “tinh khí đầy đủ”, tức là mạnh mẽ. Cái tinh khí ấy cực “Hòa” tức là không thiên lệch, rộng rãi bao dung, mềm mỏng là hợp Đạo Thường.
Biết Đạo Thường là người sáng suốt, có lợi cho thân là điều lành.
Người lòng đầy khí huyết, hăng hái – trái với hòa – gọi là “Cường”. Cường thịnh rồi đến lão suy. Thế là trái Đạo, sớm diệt vong. Bởi vì, càng ở ngôi cao, càng Khiêm Hạ, sẽ càng xa điểm tuyệt đỉnh, đường đi lên còn dài, còn lâu,.. Lão Tử gọi là được trường cửu.
- Chương 56:
Dịch:
Người biết không nói, người nói không biết.
Lấp hang, đóng cửa, hòa vào hư không, lẫn cùng cát bụi, che đi góc cạnh, gỡ bỏ hào hoa… gọi là Huyền Đồng. Cho nên: không thể có thân, không thể có sơ, không thể có cái lợi, không thể có cái hại, không thể có cái quý, không thể có cái thấp hèn. Vì thế mà thiên hạ quý trọng.
Diễn giải:
“Người biết không nói, người nói không biết”, chí lí làm sao? Đúng là “ Thùng rỗng kêu to”.
“Người biết” dấu mình, hòa mình vào hư vô gọi là “Huyền Đồng” – cùng trong cõi sâu xa. Người đắc Đạo ấy Vô Vi tĩnh lặng, công tâm không thiên lệch với mọi nơi, mọi sự vật, sự việc…
Vì thế mà thiên hạ quý trọng, thật đáng làm bậc quân thượng đứng đầu trong thiên hạ vậy.
- Chương 57:
Dịch:
Lấy ngay thẳng trị nước, lấy “Xuất kỳ” dùng binh, lấy “Vô sự” mà giữ thiên hạ. Ta tại sao lại biết rõ vậy?
Phàm thiên hạ lắm điều cấm kỵ nên dân nghèo. Dân nhiều mưu mẹo mà quốc gia hỗn loạn… con người nhiều trí xảo thì vật nào tươi tốt được! Pháp luật phồn tạp mà Đạo tặc càng nhiều!
Vì thế, Thánh Nhân có lời rằng: Ta Vô Vi mà dân tự hóa (giáo hóa), ta hiếu tĩnh nên dân ngay thẳng. Ta vô sự (không vẽ chuyện) nên dân tự giàu. Ta chỉ muốn cái “Không muốn” (Vô Dục) nên dân thuần phác.
Diễn giải:
Chương này tác giả bàn về “Trị Đạo” – phép làm chính trị.
Lấy ngay thẳng, công tâm, không trí xảo trị nước cũng hiệu quả như dùng “Phục binh” (xuất kỳ) trong giao tranh. Chỉ cần “Vô Vi”, “Vô Sự” mà giữ được thiên hạ thái bình.
Tác giả đã lý giải rõ các đầu mối của rối loạn, tàn phá thiên nhiên, xã hội. Cho nên, bậc quân thượng chỉ cần Vô Vi, hiếu tĩnh (thích tĩnh lặng, không ham nổi), vô sự (không vẽ chuyện gây tốn kém), Vô Dục (không tham muốn cá nhân) thì sẽ thành tấm gương mà dân tự giáo hóa, tu dưỡng thành ngay thẳng, thuần phác như thế thì nhân dân, đất nước tự nhiên mà giàu có, làm sao như thế thiên hạ chẳng thái bình.
- Chương 58:
Dịch:
Chính trị khoan hòa thì dân thuần phác. Chính trị hà khắc thì nước hư hao.
Họa là chỗ dựa của phúc. Phúc là chỗ nấp của họa. Không ai biết được kỳ cùng của Họa, Phúc. Bởi vì, chính có thể quay ra tà, thiện trở thành ác. Thói dân là vậy, đã có từ lâu. Vì vậy, cần vuông vức mà không cắt nát, nên tròn trịa mà không gai góc, nên thẳng thắn mà không phóng túng, nên sáng sủa mà không chói mắt.
Diễn giải:
Hai câu đầu của Chương này có lẽ là kết luận tổng quát về “trị nước” của Chương trước nên ghép đoạn cuối của Chương 57.
Có nước “trị” là phúc của trăm họ. Nhưng họa, phúc vô cùng. Vì vậy, bậc quân thượng cần thuần phác, khiêm nhường, ngay ngắn, hòa đồng, gần gũi với dân, dìu dắt không để dân “Thiện trở thành ác” thì sự an trị, thanh bình mới được dài lâu.
Chương này phát triển tiếp Chương 57 về trị Đạo.
- Chương 59:
Dịch:
Trị người, thờ trời chẳng gì bằng tiết kiệm. Phàm biết tiết kiệm là sớm quay về (Phản Phục). Sớm quay về là trọng tích Đức. Trọng tích Đức thì chẳng gì không làm được, chẳng gì không biết đến cùng. Chẳng gì không biết đến cùng thì có được nước. Nắm được nguyên lý trị nước (Đạo) thì được lâu dài. Là nói gốc sâu, nền vững là cái Đạo trường sinh lâu bền vậy.
Diễn giải:
Tiết kiệm lại là nguyên lý cực kỳ quan trọng của Đạo mà tác giả ví nó với nguyên lý Phản Phục, chu kỳ tuần hoàn. Biết tiết kiệm là đạt Đạo sẽ làm được tất cả và được dài lâu. Nó là cái gốc sâu, nền vững của Đạo trường sinh.
- Chương 60:
Dịch:
Trị nước lớn như nấu cá nhỏ. Lấy Đạo lập thiên hạ thì đến quỷ cũng không thiêng, mà có thiêng nữa, cũng không làm hại người. Chẳng những thiêng không hại người, mà Thánh Nhân cũng không bị hại. Phàm cả hai (người và Thánh Nhân) cùng không bị hại là bởi vì các Đức (tính Đạo) đều quy tụ đủ.
Diễn giải:
“Trị nước lớn như nấu cá nhỏ” là ý nói phải thận trọng, không được thò đũa khuấy bừa mà cá nát. Phải lấy Đạo mà giữ thiên hạ thái bình. Các Đức cần phải hội đủ đã được đề cập chi tiết ở các Chương 57, 58, 59…
- Chương 61:
Dịch:
Nước lớn ở dưới thấp, là giống cái trong thiên hạ. Dưới gầm trời này, con cái lấy tĩnh thắng con đực (tĩnh chế động, âm chế dương). Muốn tĩnh nên phải hạ thấp.
Cho nên, nước lớn hạ thấp hơn nước nhỏ là để thu phục nước nhỏ. Nước nhỏ hạ thấp với nước lớn để được nước lớn kiêm thu. Tức là hoặc hạ để thu, hoặc hạ mà được thu. Bởi vì, nước lớn chẳng qua muốn kiêm chứa người. Nước nhỏ chẳng qua muốn nhập vào người.
Phàm đều muốn được mãn nguyện, cái lớn nên hạ thấp vậy.
Diễn giải:
Nước lớn ở dưới thấp (Khiêm Hạ), là giống cái, là người mẹ của thiên hạ.
Nguyên lý tự nhiên là con cái lấy “Tĩnh” khống chế được con đực “Động”. Mà muốn tĩnh phải hạ thấp.
Về tâm lý chung, cái nhỏ hạ thấp dễ, cái lớn hay kiêu căng, vì vậy để muốn cùng được mãn nguyện, Lão Tử khuyên: “Cái lớn nên hạ thấp” một cách chủ động là chí lý lắm.
Chương này Lão Tử bàn về cái lợi của Đức Khiêm.
- Chương 62:
Dịch:
Đạo là chỗ trú của vạn vật, là báu của người thiện, cũng là cái bao bọc cho người bất thiện.
Lời nói hay có thể trao đổi, hành động cao cả có thể làm tặng vật cho người. Còn người bất thiện chẳng thể bỏ cho ai cái gì.
Cho nên, khi lập thiên tử, đặt ba quan khanh tiến Ngọc bích đi trước xe bốn ngựa, cũng chẳng bằng ngồi mà dâng Đạo. Từ xưa, sở dĩ quý Đạo là vì sao? Chẳng là nói: Cầu là sẽ đạt tới, sẽ tránh miễn được tội ư? Vì thế mà thiên hạ quý.
Diễn giải:
Đức của Đạo là bao dung vạn vật, kể cả người bất thiện. Với người thiện, Đạo là vật báu. Thiên hạ quý Đạo vì, nếu ta cầu là sẽ đạt tới, sẽ giúp người ta tránh được tội lỗi.
Cho nên, lời của Đạo có thể trao đổi như hành động cao cả có thể làm tặng vật cho người khác. Chính vì thế mà đem lời của Đạo mà dâng cho vua thiên tử còn quý hơn cả những nghi lễ đăng quang long trọng nhất.
Vì có Đạo vua thiên tử có thể Vô Vi mà giữ thiên hạ thái bình, thịnh trị lâu dài như đã luận giải ở những Chương trên đây.
- Chương 63:
Dịch:
Làm theo “Vô Vi”, xử việc như không có việc, biết mùi lúc chửa có mùi. Báo oán lớn
nhỏ, nhiều ít đều theo Đức.
Tính việc khó từ khi còn dễ, làm việc lớn từ khi còn nhỏ, tất cái khó trong thiên hạ làm sẽ dễ, việc lớn trong thiện hạ làm cũng như việc nhỏ. Vì thế, Thánh Nhân chẳng khi nào làm lớn mà thành được việc lớn.
Phàm dễ hứa thì ít giữ tín, coi càng dễ tất càng khó khăn. Vì thế, Thánh Nhân xem việc gì cũng khó, nên cuối cùng chẳng có việc gì khó.
Diễn giải:
Nếu ta làm được “Vô Vi”, thì xử việc sẽ bình thản như không hề có chuyện gì, tất sẽ trúng cách; sẽ biết được mùi từ khi chưa có mùi, tức là biết sự việc lúc mới manh nha; và cả đến việc báo oán cũng hợp với Đức của Đạo.
Biết được việc lúc mới manh nha, lúc còn nhỏ, lúc còn dễ để làm thì việc dù lớn, dù khó khăn cũng dễ làm như việc nhỏ vậy. Thánh Nhân làm được việc lớn chỉ vì làm từ khi việc còn nhỏ.
Vì Thánh Nhân thận trọng, coi việc gì
cũng khó, nên luôn Vô Vi tĩnh lặng, để nhận ra sự việc lúc manh nha dễ làm, nên cuối cùng không có việc gì khó.
Như vậy là, nếu ta lĩnh ngộ được Đạo, nắm bắt được quy luật vận động tuần hoàn của sự vật, hiện tượng, ta sẽ thấy được chỗ khởi đầu, nơi kết thúc, đường phải qua của nó, thì ta có thể làm từ khi còn dễ để tổn phí ít nhất mà thu được tốt nhất.
- Chương 64:
Dịch:
Vật yên thì dễ nắm, sự việc khi chưa xuất hiện thì dễ mưu tính. Cái dòn thì dễ vỡ, cái nhỏ thì dễ tan. Cho nên, làm từ khi việc chưa có, trị từ khi chưa loạn.
Cây to đầy ôm bắt đầu từ cái mầm nhỏ (manh nha). Đài cao 9 tầng được đắp từ sọt đất. Cái cao trăm nhận (1 nhận bằng 8 thước) bắt đầu ở dưới chân. Kẻ cố làm sẽ bại, người cố chấp sẽ mất. Vì thế, Thánh Nhân Vô Vi (không làm) nên không bại, Vô chấp (không giữ) nên không mất.
Người dân làm việc đến lúc thành mà
thường thất bại. Nên nói: cẩn thận lúc cuối cũng như lúc đầu, tất sẽ không hỏng việc. Vì thế, Thánh Nhân chỉ muốn “Không muốn” (Vô Dục) mà không quý thứ hàng khó kiếm, học cái “Không học” (Không học trí xảo) mà vãn hồi những sai lầm của chúng nhân, để dắt họ theo lẽ tự nhiên của vạn vật mà chưa dám làm.
Diễn giải:
Phải lo trị từ khi chưa loạn là phát triển cái ý làm việc lớn từ khi còn nhỏ, làm việc khó từ khi còn dễ của Chương 63. Tức là phải làm từ khi việc chưa xuất hiện mới dễ mưu tính, khi còn yên mới dễ nắm bắt.
Tỷ như từ cái mầm nhỏ sẽ thành cây to đầy ôm. Cái đài 9 tầng bắt đầu từ sọt đất, ngọn cao trăm nhận bắt đầu từ dưới chân.
Nếu không làm sớm, để việc thành lớn mới lo làm sẽ không làm nổi. Lúc đó, kẻ nào cố làm sẽ thất bại, cố giữ cũng sẽ mất. Vì thế, Thánh Nhân không làm (Vô Vi), không can thiệp những quá trình đang phát triển nên không bại, không cố giữ cái đang suy tàn nên không mất.
Muốn làm việc gì người ta phải cẩn thận suốt từ đầu đến cuối mới không hỏng việc. Chúng nhân sai lầm mà tích chứa đầy, nhiều ham muốn học nhiều trí xảo làm xã hội đã hỗn loạn. Cho nên, Thánh Nhân muốn dùng “Bất Dục”, “Bất học” (trái với sai lầm của chúng nhân) để mong dẫn họ về thuần phác tự nhiên, nhưng còn lo thất bại mà chưa dám làm. Vì sao lo thất bại? Ví sai lầm của chúng nhân đã quá lớn, sự việc đã đi quá xa, nếu cố làm sẽ bại, cố giữ sẽ mất. Thánh Nhân cẩn thận như vậy đấy.
Đến đây càng khẳng định “Vô Vi” để sáng suốt nhận ra và giải quyết việc từ khi chưa có. Không can thiệp thô bạo vào cái sự vật, sự việc đang vận hành theo quy luật tự nhiên – cũng lại là “Vô Vi” nhưng với nghĩa không làm, vì làm tất bại.
- Chương 65:
Dịch:
Cho nên nói, người hành Đạo không lấy để bày rõ với dân, mà để giữ cho mình thuần phác (Ngu), Vô Vi. Dân mà khó trị, là do lấy trí xảo cai trị. Cho nên: lấy trí xảo trị nước là giặc của nước. Lấy bất trí (Ngu, Vô Vi, thô phác) trị nước là Đức của nước! Nếu biết được hai điều ấy là biết phép tắc trị nước, là cái Đức huyền ảo của Đạo. Cái Huyền Đức ấy cực sâu, cực xa vậy. Nó đưa vạn vật quay về chỗ đại thuận.
Diễn giải:
Người hành Đạo không phải lấy để bày tỏ với dân mà để giữ cho mình Vô Vi thuần phác, như người ngu ngơ, thô thiển. Người quân thượng không dùng trí thuật cai trị thì dân sẽ tự hóa mà thuần phác theo, tức là quay về chỗ đại thuận, thuận theo Đạo. Cái huyền áo của Đức “Bất trí” là vậy. Không cai trị mà thiên hạ trị, bình (yên bình, thịnh trị).
- Chương 66:
Dịch:
Sông biển sở dĩ trở thành vua của trăm suối là vì nó khéo hạ thấp. Vì thế, Thánh Nhân muốn ở trên người thì lời nói phải Khiêm Hạ, muốn ở trước dân thì phải đặt thân mình ra sau. Cho nên, ở trước dân mà dân không bị hại, ở trên dân mà dân không thấy nặng, thiên hạ đều vui mà không chán. Chẳng gì không “Vô tranh” cho nên thiên hạ chẳng thể tranh với vậy!
Diễn giải:
Sông biển hạ thấp mà trăm suối đổ vào. Thánh Nhân Khiêm Hạ mà đứng ở trên dân, thiên hạ đều vui mà không chán. Người có Đức “Khiêm Hạ” và Đức “Không Tranh” thì ai tranh gì được. Dân thời nào cũng muốn người lãnh Đạo mình khiêm tốn, gần gũi không tham lam, không tranh giành danh lợi. Người như thế đứng ở trước dân, dân không bị hại, ở trên dân, dân không thấy nặng, có khác gì biển cả đối với sông suối đâu.
- Chương 80:
Dịch:
Nước nhỏ ít dân, giá có khí cụ mười lần, trăm lần hơn người cũng chẳng dùng. Làm cho dân xem trọng cái chết mà xa nó. Có xe thuyền mà không ưng cưỡi, có giáo binh cũng chẳng khoe khoang. Làm cho dân quay lại thắt dây thừng mà dùng (thay chữ viết), thấy ngon ở món ăn của mình, thấy đẹp ở quần áo của mình, vui với phong tục của mình, ở yên nơi ở của mình. Với nước láng giềng, trông thấy nhau, tiếng gà, tiếng chó cùng nghe, mà dân sống đến già cũng không muốn qua lại.
Diễn giải:
Trong Chương này, Lão Tử phát triển ý tưởng làm sao để có Đức “Không Tranh”. Muốn không tranh thì phải “Vô Dục” – không tham muốn. Muốn vậy, người ta phải biết đủ, biết vui với những gì mình có.
Có điều, ở đây tác giả dùng lối văn “Cường Điệu” đến cực điểm, mà về sau nhiều người đánh giá sai lầm là Lão Tử có tư tưởng “Diệt Dục” cực đoan hoặc muốn đưa dân quay lại thời kỳ hồng hoang nguyên thủy đến mức dùng nút dây đánh dấu thay chữ viết. Kỳ thực ông chỉ khuyên người ta bớt dục vọng, không ham muốn của người để không xảy ra tranh giành, thậm chí dẫn đến chiến tranh chết chóc mà thôi. Trong hoàn cảnh thời xuân thu loạn lạc ở Trung Quốc, lời khuyên này chẳng là chí lý sao?
- Chương 81:
Dịch:
Lời đáng tin thì không hoa mỹ, lời hoa mỹ thì không đáng tin. Người hiểu biết thì Không Tranh cãi, người tranh cãi thì chẳng biết gì. Người thiện thì không “Có”, người “Có” thì không thiện. Thánh Nhân không chứa tích. Đã đem giúp người là mình càng có, đã lấy cho người mình càng có nhiều.
Bởi vậy, Đạo trời là làm lợi mà không làm hại, Đạo người là “Vì người” mà không tranh với người (giúp người).
Diễn giải:
Mỗi một câu ở Chương này đều như một định lý. Chúng thật dễ hiểu nếu ta suy xét cho kỹ và hầu như luôn đúng trong mọi thời đại.
Có thể vì cách viết khá đặc biệt của Chương 80 và Chương 81 mà các học giả về sau, chuyển chúng xuống cuối tập sách để dùng như một đoạn kết luận chăng?
- Chương 67;
Dịch:
Thiên hạ đều nói ta “Lớn”, “Lớn” mà chẳng giống ai. Phàm chẳng giống ai mới có thể trở thành “Lớn”. Nếu từ lâu vẫn giống thì đã trở thành nhỏ rồi.
Ta hằng có 3 vật quý báu luôn giữ kỹ càng. Một là “Từ”, hai là “Kiệm”, ba là “không dám trước thiên hạ”. Đã “Từ” nên có thể dũng, đã “Kiệm” nên có thể quảng. Không dám lên trước thiên hạ nên thành “Cái Lớn”. Vậy nên, nếu bỏ “Từ” (khoan hòa, từ tốn) mà dũng, bỏ “Kiệm” mà quảng, bỏ “Hậu” mà “tiên” tất chết.
Phàm “từ”, hễ đánh là thắng, hễ thủ thì bền. Trời muốn gây dựng cho ai thì lấy từ mà che chở vậy!
Diễn giải:
Thiên hạ nói ta (Đạo) “Lớn” (Vĩ Đại), mà khác người. Nếu luôn như người ta thì là bình thường, ai bảo vĩ đại. Ba vật báu hay nguyên lý ứng xử của Đạo là: “Từ” tức như hòa nhã, hiền hậu nên có thể dũng cảm khi cần. “Kiệm” tức tiết kiệm nên sẽ có để mà rộng rãi (quảng). “Không dám lên trước” thì thiên hạ sẽ đặt lên trên – làm thủ lĩnh – làm lớn.
Vì đã “Từ” nên khi dũng sẽ rất mạnh mẽ, đã đánh là thắng, đã thủ thì bền.
“Trời muốn gây dựng ai thì lấy “Từ” mà bao bọc”. Tôi không hiểu từ trường trái đất có
nghĩa này không.
- Chương 68:
Dịch:
Người khéo làm tưởng không ham đánh. Người khéo đánh thì không hung hăng. Người khéo thắng địch thì không cần đánh trận. Người khéo dùng người thì biết hạ mình. Đó là cái Đức “Không Tranh”, cái Đức “ Dùng người” là những cái cực cao từ thiên cổ vậy.
Diễn giải:
Người hung hăng sẽ thất bại. Người không ham đánh mà thắng bằng sự thu phục mới là khéo làm tướng, không gây tổn hại sinh linh và không thể có “chiến bại” – đó là nhờ Đức “Không Tranh”.
“Hạ mình” là Đức “Khiêm Hạ” sẽ thu phục được, dùng được người cũng là Đức “dùng người”.
- Chương 69:
Dịch:
Phép dùng binh có nói: ta chẳng dám làm chủ mà là làm khách, chẳng dám tiến “tấc” mà là lui “thước”. Ấy là nói cách làm mà như không làm, giơ mà không lộ tay, cầm mà như không có binh khí, tức là như không đối địch – Vô địch (tác giả chơi chữ – người dịch).
Họa không gì bằng “Vô địch” (tự xem mình là vô địch). Vô địch rất gần với mất vật báu của mình. Cho nên, đối trận nhau, kẻ như suy nhược sẽ thắng.
Diễn giải:
Đây là binh pháp, thuật lấy nhu chế cương, lấy mềm thắng cứng, lấy yếu thắng mạnh.
Tự làm như rất yếu, như là khách sợ chủ, tiến mà như lui, như không có binh khí, như không dám đối địch – tức là kẻ địch thành “Vô địch” – không có địch thủ. Đối phương sẽ chủ quan khinh địch, kiêu căng, sao tránh khỏi diệt vong.
Đúng là: “Họa không gì bằng vô địch”!
- Chương 70:
Dịch:
Lời ta thật dễ hiểu, thật dễ làm nhưng người ta chẳng hiểu nên chẳng thể làm theo. Phàm việc thì có gốc, lời thì có nguồn. Chỉ vì trí tuệ kém nên mới không hiểu lời ta. Vì người hiểu hiếm nên ta mới thành quý. Vì thế, Thánh Nhân mặc áo xấu mà ôm ngọc.
Diễn giải:
Khi trình bày một quy luật hay một Đức nào đó, Lão Tử đều dùng những ẩn dụ đơn giản, dí dỏm để hàm ý, diễn đạt rồi sau đó mới đưa ra khái quát kết luật. Vì vậy, ông mới nói: “Việc thì có gốc, lời thì có nguồn”. Ta nên suy xét kỹ để nắm lấy các quy luật căn bản có thể ứng dụng ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh từ nghiên cứu tự nhiên, đến ứng xử xã hội. Thánh Nhân mặc áo xấu mà ôm ngọc, cũng giống như dưới cái vỏ ngoài bình thường của các ví dụ đơn giản là những quy luật vận động, mà biết được chúng là điều vô cùng quý giá.
- Chương 71:
Dịch:
Biết là mình “Không biết” còn là tốt. Không biết là mình không biết là “Bệnh” vậy (bệnh = sai lầm). Sở dĩ, Thánh Nhân không bệnh là vì biết bệnh là bệnh, cho nên “không
bệnh” vậy.
Diễn giải:
Thánh Nhân biết được “Sai Lầm” của mình là “Sai Lầm” nên có thể sửa chữa cho nên sẽ không “Sai Lầm” nữa. Giống như ngày nay ta nói: “Nhận ra lỗi để sửa là không có lỗi”.
- Chương 72:
Dịch:
Dân chưa kính phục, khi kính phục sẽ tới cực, sự kính phục đang tới. Không ép chỗ ở của họ, không áp bức họ. Phàm không áp bức họ, họ sẽ kính phục.
Vì thế, Thánh Nhân tự biết mà không tự khoe. Tự yêu mình mà không tự cho mình là cao quý. Tức là bỏ điều này mà lấy điều kia.
Diễn giải:
Thánh Nhân chọn lấy cách không tự khoe khoang là mình cao quý, để không đòi hỏi, áp bức nhân dân. Vì thế mà sẽ được nhân dân hết sức kính phục.
- Chương 73:
Dịch:
Dũng ở chỗ “Cảm” (dám làm) tất giết. Dũng ở chỗ “Bất cảm” (không dám làm) tất được bao bọc (quát). Hai cái ấy một lợi, một hại vậy. Điều mà trời ghét (dũng mà dám làm) ai biết rõ ràng?
Đạo là: Không đánh mà khéo thắng, không lời mà khéo để người ta ứng theo, chẳng triệu mà người ta tự đến.
Nếu ham đánh vì giỏi mưu thì “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà không lọt”.
Diễn giải:
“Đạo trời là làm lợi mà không làm hại” (Chương 81). Trời ghét kẻ “dám làm” việc sát nhân, “dám làm” chiến tranh. Người nào tự vượt qua tư dục của mình để không “dám làm” mới thực là dũng và được trời che chở người có Đạo.
Người có Đạo không cần đánh mà thắng, khéo thu phục được người. Không cần nói mà người ta tự theo, không cần gọi mà người ta tự đến – tức là dùng các Đức của Đạo để cảm hóa người.
Nếu kẻ nào chỉ cậy mình tài trí, giỏi mưu và gây chiến, sát nhân, dù tạm thời có thắng được, nhưng tất sẽ bị tuyệt diệt vì “Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt”.
- Chương 74:
Dịch:
Nếu dân không sợ chết, thì cớ gì lại giết để mong họ sợ? Nếu dân thường sợ chết, mà làm càn, ta bắt mà giết đi thì còn ai dám làm càn nữa. Mà dân, thường tất sợ chết, thì cần gì phải có bọn chuyên giết họ? Bọn chuyên giết người, giết người như chặt cây to. Phàm chặt cây to, tất ít khi không bị thương tay mình vậy?
Diễn giải:
Nếu dân đã không sợ chết, thì có giết họ, họ cũng vẫn không sợ. Nhưng dân thường sợ chết, nếu có kẻ làm bậy ta giết kẻ ấy đi, thì còn ai dám làm bậy nữa, tức là giết một người vạn người sợ, thì cần gì phải có bọn chuyên giết người? Bọn chuyên giết người tất ham giết người, giết người như chặt cây to, tức là tự làm hại mình vậy. Đại ý của Chương này là: nếu ta thi hành nhân chính, luật pháp nghiêm minh, thì không cần nhiều người hành pháp, không cần chiến tranh, chém giết, xã hội sẽ yên bình, thịnh vượng.
- Chương 75:
Dịch:
Người dân bị đói, thu thuế quá nhiều cho nên dân đói. Trăm họ bất trị. Người trên “Hữu Vi” (ích kỷ, tham lam) cho nên bất trị. Dân coi thường cái chết. Do cầu sống quá ham đến nỗi coi thường cái chết. Phàm là: không lấy việc được sống mà làm (Vô Vi) là người khéo quý cuộc sống vậy.
Diễn giải:
Kẻ thống trị ích kỷ, tham lam (Hữu Vi, Vô Đạo) thu thuế quá nhiều, làm dân đói, chết, dân thành bất trị. Đến người dân quá ham cầu sống, tranh nhau sống đến nỗi coi thường cái chết – trái Đạo – sẽ dẫn đến tàn hại nhau đến chết.
Chỉ người có Đạo – Vô Vi – làm theo quy luật tự nhiên, không vị kỷ mới là khéo quý cuộc sống, mới được dài lâu.
- Chương 76:
Dịch:
Người ta khi sống thì mềm mại, khi chết thì suốt thân cứng rắc. Cỏ cây, vạn vật khi sống thì mềm dẻo, mà khi chết thì khô khao. Vì vậy nói: cứng rắn là bọn chết rồi, mềm yếu mới là cái đang sống vậy. Vì thế, binh cường tất không thắng, cây cứng tất gẫy tan. Tức là cái to, cứng ở dưới, cái mềm, yếu mới thực sự là ở trên.
- Chương 77:
Dịch :
Đạo của thiên hạ, cũng tựa giương cung. Cao thì ấn xuống, thấp phải nâng lên.
Cái có dư thì phạt bớt, không đủ thì bù thêm. Bởi vì, Đạo trời là “lấy bớt chỗ có dư, mà tăng thêm chỗ chưa đủ”.
Thế mà thói con người lại lấy ở chỗ không đủ để cung phụng cho chỗ đã có thừa, thì còn ai có dư mà thờ Trời nữa? Chỉ người có Đạo thôi! Vì thế mà Thánh Nhân làm mà như không có (làm), thành công mà không nắm giữ, như thế là không muốn phơi bầy hiền Đức của mình.
Diễn giải:
Đạo – Đạo Trời – vô tư, công bằng, không thiên lệch. Người hành Đạo phải không thiên lệch tựa như giương cung.
Thế mà thói người lại làm ngược lại: lấy ở chỗ không có đủ để cung phụng chỗ đã thừa, chỉ có người có Đạo, mới thờ được Trời – tức là làm theo Đạo Trời.
Thánh Nhân làm thành công mà không giữ lấy, làm mà như không phải mình làm. Đạo cũng vậy – cũng không muốn phơi bầy sự hiền Đức – có Đạo – của mình – lại là cái Đức không khoe của Đạo vậy.
- Chương 78:
Dịch:
Thiên hạ chẳng gì nhu nhược (mềm yếu) hơn nước, mà công cái bền chắc thì chẳng gì hơn nó và chẳng gì có thể thay thế nó được. Nước mà thắng cái cứng rắn là yếu mà thắng mạnh vậy!
Thiên hạ chẳng ai là không biết thế mà chẳng ai có thể làm theo. Vì thế, Thánh Nhân có lời rằng: chịu được cái cặn bã của nước (Quốc gia) thì mới có thể làm chủ xã tắc. Nhận những cái không hay của nước mới làm vua thiên hạ được. Lời nói đúng thì nghịch tai.
Diễn giải:
Yếu thắng mạnh cũng là quy luật hiển nhiên thế mà chẳng ai có thể làm theo.
Chỉ người thật “mềm yếu” mới chịu được những cặn bã, không hay ho gì của đất nước, thì người đó sẽ mạnh hơn, cao hơn tất cả và xứng đáng làm vua thiên hạ, làm chủ xã tắc vậy.
- Chương 79:
Dịch:
Hòa giải được nỗi oán lớn tất còn cái oán thừa, thế đã có thể xem là khéo. Vì thế, Thánh Nhân cầm nửa trái văn khế mà không thu nợ của người. Bởi vì, người có Đức chỉ cần văn khế, người vô Đức thì đòi cho được thuế thu.
Phàm Đạo Trời không thiên lệch, luôn ở với người thiện.
Diễn giải:
Thánh Nhân có Đức bao dung không cầu toàn, cho nên xem việc hòa giải nỗi oán lớn mà còn chút oán dư đã tốt rồi.
Thánh Nhân có Đức tín nên chỉ cần văn khế (Khế ước ghi nợ) mà không đòi cho được thuế thu (khoản thu về thuế). Đó cũng là có Đức thi ân (ban ơn), có Đức làm thiện.
Đạo trời công bằng, thánh thiện nên luôn vì người thiện.
PHẦN ĐẠO (CHƯƠNG 1 ĐẾN CHƯƠNG 37)
- Chương 1:
Dịch:
Đạo có thể nói rõ ràng là gì, thì không còn là Đạo phổ quát nữa. Cái danh (tên) để chỉ một vật, cái danh ấy không hằng tồn. Cái vô danh là thủy tổ của vạn vật. Cái hữu danh là mẹ của vạn vật vậy. Cho nên, theo cái “Vô” thì thấy được sự huyền diệu xuyên suốt, theo cái “Hữu” thì thấy được sự khác biệt chi tiết. Cả hai cái (Vô và Hữu) cùng ra từ một lẽ mà khác tên, đều mờ mờ trong cõi sâu xa. Chúng là cửa ngõ của mọi huyền diệu.
Diễn giải:
Đạo là cái phổ quát, hàm chứa trong vạn vật vì nó là thủy tổ của vạn vật, nên không thể lấy một sự vật hay một hiện tượng nào đặt tên cho nó bởi lúc đó nó sẽ bị giới hạn trong bản thân sự vật, hiện tượng ấy. Nên nó là cái Vô Danh. Các sự vật luôn vận động, có sinh, có diệt, nên cái tên của một sự vật không tồn tại mãi, cái có tên (Vật hữu Danh), cái nọ sinh cái kia, mãi mãi không cùng. Cho nên nói Hữu Danh là mẹ của vạn vật. Mỗi vật Hữu Danh đều có chi tiết khác biệt, nhưng đều hàm chứa cái “Vô Danh” huyền diệu, xuyên suốt mọi nơi, mọi lúc. Cả “Vô” và “Hữu” đều ra từ Đạo, chúng vô cùng phong phú, huyền diệu không thể nào lường hết.
- Chương 2:
Dịch:
Thiên hạ đều biết cái đẹp là đẹp, tức như đã chỉ ra cái xấu; đều biết cái thiện là biết cái bất thiện rồi. Tức là Hữu, Vô tương sinh vậy. Tỷ như: khó với dễ, dài với ngắn, cao với thấp tương đối với nhau; âm với thanh tương hòa, trước với sau theo nhau, chúng còn mãi vậy.
Vì thế, Thánh Nhân giữ Vô Vi mà hành xử, như dạy mà không dùng lời. Vạn vật vốn có, không phải bắt đầu, nên lựa theo nó mà dùng, không hề gượng ép. Thành công rồi mà không nắm giữ. Phàm không nắm giữ nên chẳng phải bỏ đi.
Diễn giải:
Vạn vật (sự vật, hiện tượng) đều nằm trong quy luật tương đối, tương hòa, tương tùy, tương sinh với nhau, tức là cái nọ làm nền cho cái kia, cái nọ hòa vào cái kia và ngược lại. Chúng luôn vậy theo quy luật chung của tự nhiên, hết chu kỳ này đến chu kỳ khác.
Vì vậy, Thánh Nhân cứ Vô Vi mà làm, cứ như là làm gương để dẫn dắt (dạy bảo – giáo) mọi người. Tức là coi vạn vật là vốn có không phải mới bắt đầu. Nên chỉ dựa theo tính (tính quy luật – Đức – Đạo) của nó mà dùng, không can thiệp thô bạo theo ý mình. Thành công rồi không nắm giữ lấy. Vì không nắm giữ rồi không phải bỏ đi khi sự vật không còn hợp thời, hợp việc nữa. Như vậy, không gây rối loạn, cũng chẳng thiệt hại tới ai, tốn ít công mà đạt thành công. Thật đúng với: “Không làm không bại, không giữ không mất”.
- Chương 3:
Dịch:
Chẳng đề cao cái hơn (Hiền) làm dân Không Tranh. Chẳng quý thứ khó kiếm thì dân không ăn trộm. Không phơi bày ham muốn thì dân không loạn. Vì thế, cách trị của thánh nhân là: cái tâm rộng mở, cái lòng thành thực, cái chí yếu mềm, cái sức mạnh mẽ, luôn làm cho dân không trí xảo, không ham muốn, cho dù có kẻ trí xảo cũng chẳng dám làm càn, tất chẳng thể nào không “trị”.
Diễn giải;
Người trên “Vô Dục, Vô Vi” không phân biệt cái hơn, cái kém, cái quý, cái thường… sẽ làm gương cho dân. Không trí xảo, ít ham muốn thì dân sẽ không loạn. Cho dù, có kẻ trí xảo cũng chẳng dám đơn độc làm càn thì xã hội tất không thể không an trị.
- Chương 4:
Dịch:
Đạo thì trống rỗng mà tác dụng thì không kiệt. Sâu xa kìa … như cội nguồn của vạn vật. Tự che đi mọi góc cạnh, gỡ bỏ hết loẹt lòe, hòa vào chỗ hư không, lẫn vào cùng cát bụi, lờ mờ tựa có tựa không. Ta không biết nó là con của cái gì, tượng như nó có trước cả Thượng Đế.
Diễn giải:
Đạo không là cái gì cả, tức nó trống rỗng, nhưng nó ở khắp mọi nơi, mọi lúc, trong tất cả các sự vật, hiện tượng. Tức là muốn nói Đạo phổ quát và trường tồn có nghĩa là không bao giờ hết.
Nhưng vì nó không có hình thể nên không có góc cạnh, chi tiết, không có bề ngoài, ẩn trong hư không, cát bụi người ta rất khó nhận ra. Lão Tử nói: nó có trước cả Thượng Đế, tức là trước tất cả vạn vật, là thủy tổ của vạn vật. Theo cách mô tả như vậy thì có lẽ Đạo là các nguyên lý vận động của vật chất cấu chúc nên thế giới và mọi sự chuyển biến không ngừng của thế giới gồm cả con người, xã hội luôn luôn tuân theo nó. Và cái gọi là “Vô Danh” có thể là dạng vật chất, năng lượng ban đầu sẽ tạo ra thế giới đa dạng sau này.
- Chương 5:
Dịch:
Thiên Địa bất Nhân, coi vạn vật như chó rơm (hàng mã). Thánh Nhân bất Nhân, coi bách tính như chó rơm. Trong khoảng trời đất ví như ống bễ, trống rỗng mà không kiệt, động thì tuôn trào. Nghe nhiều, đếm hết không bằng còn giữ ở trong.
Diễn giải:
Trời đất công bằng, không theo lối con người thiên vị, nên nói là: “Bất Nhân”. Nên trời đất coi vạn vật như hàng mã, tức là bình đẳng với nhau, không thiên vị thứ gì. Thánh Nhân cũng vậy, xem trăm họ đều như nhau, không thiên tư ai, kể cả chính mình.
Lão Tử ví Đạo – Tự Nhiên – như cái ống bễ thổi gió (bễ Pitton ngày xưa). Nó trống rỗng, nhưng cứ hoạt động thì tuôn gió ra không bao giờ hết. Đạo sinh vạn vật bình đẳng như gió với gió. Dù những cái đã sinh ra là vạn vạn nhưng còn chưa bằng những
cái ta còn chưa biết, còn giấu trong tự nhiên.
- Chương 6:
Dịch:
Thần hang bất tử, là cái cửa của bà mẹ nhiệm mầu, là cội nguồn của trời đất. Huyền diệu kìa! Chỉ như có đấy mà tác dụng thì không cùng.
Diễn giải:
Cái “Ống bễ” (Chương 5) là cái hang thần bất tử, như cái “Cửa” của bà mẹ sinh ra trời đất vạn vật, chẳng ai thấy nó đâu, nó tựa có, tựa không, mà tác dụng thật không cùng. Từ khi khởi thủy, đến tận ngày nay thế giới biến chuyển, vật này mất đi, vật kia sinh ra là vô cùng, vô tận, đó là quy luật vĩnh hằng.
- Chương 7;
Dịch:
Trời đất từng trường cửu. Trời đất sở dĩ trường cửu, vì nó chẳng tự ý sinh ra (Đạo sinh ra), nên được trường sinh. Vì thế, Thánh Nhân lui thân mình mà thân được lên trước, bỏ ngoài thân mình mà thân được bảo tồn. Chẳng gì không lấy “Vô Tư” (Vô Vi) mà làm, nên thành tựu được việc của mình.
Diễn giải:
Trời đất không tự sinh ra vì “Hữu Vi”, “ích kỷ” mà do Đạo sinh ra nó theo quy luật tự nhiên, nên được trường sinh. Thánh Nhân đạt Đạo, không tự xem mình ở trên người, không xem thân mình cao quý hơn người, cũng như trời đất nên thân còn, được người đời tôn quý. Đều do “Vô Vi, Vô Tư” mà được vậy.
- Chương 8:
Dịch:
Bậc cực thiện (Cực khéo, Thánh Nhân) thì như nước. Nước khéo lợi hơn vạn vật, chỉ tranh giữ cái mà chúng đều ghét bỏ (chính là không tranh), tức là gần với Đạo vậy.
Ở khéo tất chọn đất, lòng khéo thâm trầm, xử khéo Đạo trời, lời khéo giữ tín, chính khéo yên trị, việc khéo khả năng, động khéo hợp thời. Đều do vô tranh mà được vô lỗi vậy.
Diễn giải:
Lão Tử dùng hình ảnh nước để ví với người đắc Đạo – Thánh Nhân. Nước khéo hơn vạn vật ở chỗ chỉ tranh những cái vạn vật bỏ, chứa nước ở chỗ thấp, rác rưởi… tức là không tranh giành với ai cái gì. Nhờ có các đặc tính của nước mà bậc Thánh Nhân có được mọi tính “Khéo” và không sai lầm vậy.
- Chương 9:
Dịch:
Cố gây cho đầy, chẳng bằng dừng lại. Mài cho bén lắm, chẳng sắc mãi nào. Vàng ngọc đầy nhà, chẳng thể giữ được. Quý phú rồi kiêu xa là tự di họa. Công toại thân lui là Đạo trời vậy.
Diễn giải:
Danh lợi phải biết chừng mực. Quý (danh), Phú (lợi, giầu) dễ dẫn đến kiêu xa là tự để lại mối họa. Công đã toại – biết đủ, biết dừng – lui về để được lâu dài là Đạo lý vậy.
- Chương 10:
Dịch:
Hồn đeo mê mà ôm Đạo, có thể không rời đổi sao? Luyện khí đến khí nhu mì như trẻ thơ, được không? Chăm chút sửa mình đến không còn tỳ vết, được không? Coi nước, yêu dân mà không dùng trí xảo, được không? Giao tiếp với thiên hạ, có thể Khiêm Hạ, được không? Khi mọi việc được thông đạt mà vẫn ninh tĩnh (Thận trọng, điềm tĩnh), được không?
Sinh ra và nuôi dưỡng vạn vật, sinh ra mà như không có, nuôi dưỡng mà không làm chủ, chính là Huyền Đức, cái tính Đức sâu xa của Đạo.
Diễn giải:
Kể cả người đã “Đeo mê”, lầm lỗi mà tu Đạo để quay về chất phác như trẻ thơ, không gợn tỳ vết xấu, không trí xảo, khiêm nhường, tĩnh lặng Vô Vi, kể cả khi thành công là có thể làm được, tức sẽ thành bậc Thánh Nhân. Thánh Nhân có Huyền Đức tức là đủ những Đức căn bản của Đạo.
- Chương 11:
Dịch:
Ba mươi khúc cây gắn vào một ổ trục (bánh xe). Nhờ cái lỗ rỗng ấy mà xe dùng được. Nung đồ gốm mà thành thức đựng, thì nhờ chỗ rỗng là chỗ dùng của đồ đựng ấy (lòng bát, lòng chén). Khoét cửa sổ, cửa chính của căn phòng, cũng là nhờ cái “chỗ khoảng trống” (cửa) ấy mà phòng thành dùng được.
Cho nên, cái có (Hữu) thì coi là cái lợi, mà thực là cái “Không” (Vô – cái chỗ trống) mới là chỗ dụng (dùng).
Diễn giải:
Chương này tác giả nhấn mạnh mọi thứ ta có, xem là có “Lợi” nhưng nó thực có lợi hay gọi là dùng được khi có cái khoảng trống rỗng “Hư Vô” mà thôi. Thực ra, đây là những ẩn dụ để nêu bật quan hệ giữa “Vô” và “Hữu”. Cái Hữu chỉ là cái hình thức bên ngoài, cái “Vô” mới là bản chất, nguyên lý để dùng. Vô sinh Hữu là vậy. Lợi – Hữu, Dụng – Vô, “Lợi Dụng” là dùng cái hữu ích có thể với nghĩa này chăng?
- Chương 12:
Dịch:
Ngũ sắc làm mắt người ta lóa, săn bắt cầm thú làm tâm người ta phát cuồng, hàng hóa khó kiếm làm người ta phải lôi kéo nhau đi tìm. Ngũ vị làm miệng người ta rối loạn. Ngũ âm làm tai người ta như điếc. Cho nên cách trị của Thánh Nhân là vì bụng chứ không vì mắt, tức là bỏ điều kia mà lấy điều này.
Diễn giải:
Những cái bên ngoài phồn tạp, hư huyễn làm ngũ quan cho đến tâm hồn người ta rối loạn. Cho nên, Thánh Nhân trị nước chỉ lo cho cái “Bụng” – cái thực chất – chứ không đáp ứng cho cái “Mắt” – cái vỏ bề ngoài – của nước của dân. Vì vậy, nước, dân không loạn, bình trị dài lâu.
- Chương 13:
Dịch:
Ngôi cao là nhục đến đáng sợ. Quý đại hoạn đến thân. Vì sao nói: ở ngôi cao nhục đến đáng sợ? ở ngôi cao thì phải hạ mình, được đáng sợ mà mất cũng đáng sợ, cho nên nói ở ngôi cao nhục đến đáng sợ. Sao nói: “Quý” đại hoạn đến thân? Ta sở dĩ có hoạn là vì ta có cái “Thân” (Thân thể, thân danh). Nếu ta không có thân thì có gì mà mang hoạn nữa!
Cho nên, người biết quý thân mình hơn thiên hạ thì có thể giao thiên hạ cho được. Còn người hám lấy thân mình vì thiên hạ thì sao có thể gửi thiên hạ được.
Diễn giải:
Theo Đạo, người ở càng cao như Vua, Chúa càng phải hạ mình (Đức Khiêm) cho nên vất vả (nhọc, nhục) đến đáng sợ. Người quý (quan lại, quyền quý) dễ mắc hoạn vào thân như Nguyễn Du từng viết: “chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Vì thế, chỉ người nào biết quý thân mình hơn thiên hạ thì họ mới cẩn trọng, gìn giữ thân danh, thân thể mình mà không ham phú quý, không tranh đoạt ngôi cao, dù có làm vua họ cũng không mừng mà càng khiêm cung tuân theo Đạo để giữ gìn thiên hạ. Còn người hám lấy cả thân mình vì thiên hạ, tức là xem thiên hạ quý hơn thân mình, tức là họ hám phú quý, công danh đến xem nhẹ thân mình thì họ còn xem trọng thân ai nữa mà có thể giao ngôi vua cho họ? Thế mới biết chuyện Sào Phủ, Hứa Do thời Nghiêu Thuấn thực là chí lý.
- Chương 14:
Dịch:
Cái nhìn mà không thấy gọi là Vi (quá nhỏ). Cái lắng mà không được nghe biết gọi là Hi (quá hiếm thấy). Cái sờ mà không nắm được gọi là Di (quá rộng phẳng). Đó là 3 cái không thể xét rõ được. Gộp những cái đó làm cái Nhất (Đạo sinh Nhất).
Cái Nhất ấy, khi ở trên thì không sáng tỏ, lúc ở dưới cũng không lấp hẳn, nó mờ mờ không thể gọi rõ tên. Nó thuộc về cái “Vô Vật” gọi là cái trạng không có hình trạng, cái tượng của vô vật (Tượng của không riêng vật nào, của tất cả vạn vật). Nó là cái thấp thoáng, lờ mờ. Theo nó thì không thấy đằng sau, mà đón nó thì không thấy đầu. Nắm được Đạo này thì không chế ngự được các việc hiện tại và cũng rõ cả được khởi thủy cổ xưa. Đấy là giường mối của Đạo.
Diễn giải:
Đạo và cái Nhất là cái đầu tiên mà Đạo sinh ra, là gần với Đạo Nhất, là giường mối của Đạo, cho phép người ta, nếu nắm được nó sẽ hiểu thấu và chế ngự được vạn vật hiện tại và rõ được cả khởi thủy cổ xưa khi bắt đầu hình thành vũ trụ. Nó là cái thực khó nắm bắt, không đầu không cuối, lờ mờ thấp thoáng, không thể dùng một thứ gì để gọi tên, mà tác giả chỉ mượn hình ảnh của 3 thứ khó xét rõ nhất để ta tưởng tượng, liên tưởng đến cái Nhất ấy mà thôi. Cái nhỏ không thể nhìn thấy, cái âm thoảng khẽ không thể nghe thấy, cái mặt phẳng lý tưởng như hình học Ơcơlit rộng phẳng vô biên, không có độ dày. Nhưng nó là có thực không bao giờ hết.
Thế thì phải chăng nó là thứ vật chất hỗn mang trước thời điểm 10-43 giây – thời điểm Plank – của vụ nổ BigBang tạo ra Vũ Trụ mà khoa học ngày nay giả định và gần như công nhận cùng những quy luật vận động của nó? Và vật chất không xét rõ được ấy vẫn đang choán lấp khắp không gian, tức các Nơtruynô mà ngày nay vẫn chưa đo đạc được? Cho đến nay người ta chưa cả giả thiết được vật chất trước thời điểm Plank và Nơtruynô là như thế nào.
- Chương 15:
Dịch:
Từ xưa, người khéo tu tập Đạo, đạt đến huyền diệu, sâu sắc đến không thể lường. Vì đến mức không thể lường nên ta chỉ gượng mà bàn như sau: Thánh Nhân rụt dè như ngày Đông lội nước, e dè như nể sợ láng giềng, nghiêm cẩn như làm khách, tuôn chảy như vỡ đầm, mộc mạc như chưa đẽo gọt, mờ mờ như nước đục, trống rỗng như hang động. Đục lấy tĩnh mà lọc trong, như Nữ lấy hoài thai mà sinh sản.
Người bao hàm được đạo này không muốn lấy đầy, tức là có thể còn khiếm khuyết mà không thành toàn.
Diễn giải:
Ở Chương này, Lão Tử mô tả vẻ của Thánh Nhân như “người mặc áo xấu mà ôm ngọc” (Chương 70). Tầm thường vậy nhưng có thể như nước tuôn khi vỡ đầm; trong cái tĩnh lặng lại thanh trừ vẩn đục, phôi thai nhỏ lại hóa sinh con người.
Người đắc Đạo không “cố gây cho đầy” (Chương 9) mà chỉ muốn chưa thành toàn để chưa suy vong vậy.
- Chương 16:
Dịch:
Luyện đến cực hư không (trống rỗng), giữ tuyệt nhiên tĩnh lặng (Vô Vi), vạn vật sinh sinh hóa hóa mà ta thấy sự quay về của chúng (Phản Phục). Trời vật biến hóa đều quay về gốc gọi là Tĩnh. Tĩnh gọi là Phục Mệnh. Phục Mệnh là Đạo Thường.
Biết Đạo “Thường” là sáng suốt, không biết Đạo “Thường” là sai lầm, sai lầm sẽ hung (xấu trái với cát). Biết Đạo “Thường” thì bao dung. Bao dung theo lẽ đại công bằng. Đại công bằng là Đạo làm vua. Làm vua theo lẽ Trời. Lẽ trời theo nơi Đạo. Đạo thì vĩnh cửu, suốt đời không nguy.
Diễn giải:
Nếu luyện và giữ được cái tâm hư tĩnh Vô Vi sẽ nhận thấy được quy luật vận động, biến hóa của vạn vật đều có tính tuần hoàn, chu kỳ gọi là Phản Phục – tức quay trở về. Vạn vật theo đúng quy luật thì gọi là “Phục Mệnh”, là Tĩnh, đó là Đạo Thường tức là đúng với sự bình thường của Đạo.
Biết theo Đạo “Thường” – theo đúng quy luật – là sáng suốt, là tốt (Cát), trái lại là xấu, là nguy hiểm (Hung). Đạo “Thường” luôn bao dung tất cả vạn vật, theo lẽ đại công bằng (Chương 5), đó là Đạo làm vua. Làm Vua theo Đạo Trời. Trời theo nơi Đạo thì vĩnh cửu nên suốt đời không nguy.
- Chương 17:
Dịch:
Người tối cao (Thánh Nhân) dân biết là có (có bậc Thánh Nhân ấy). Người dưới một bậc được tôn vinh. Người kém bậc nữa thì người ta kính sợ, là cha mẹ dân.
Giữ tín không đủ thì dân không tin. Vậy nên, phải biết “quý lời”. Thành công toại sự rồi mà lời lẽ vẫn cẩn trọng như bản tính tự nhiên của mình.
Diễn giải:
Người đắc Đạo (Cực cao, Thánh Nhân) giấu mình dân chỉ biết là có thôi. Người kém hơn một bậc được tôn vinh, như vua chẳng hạn. Người kém bậc nữa thì dân kính sợ như cha mẹ, tựa như quan lớn được gọi là cha mẹ dân (quan phụ mẫu).
Muốn giữ được dân tin phục mình, phải giữ tín. Muốn giữ tín thì phải ít nói, ít hứa tức “quý nhời”. Cho nên, cả khi đã thành công toại sự, lời lẽ càng phải cẩn trọng như trong chính văn dùng từ “bách tỉnh vị” – lời nói trăm lần suy xét – như câu ngạn ngữ: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” vậy.
- Chương 18:
Dịch:
Vì bỏ mất Đạo, mới có Nhân, Nghĩa. Trí tuệ xuất hiện thì mới có Đại Ngụy (đại bịp). Có cha mẹ bất hòa mới có người tích chứa từ ái. Quốc gia hỗn loạn thì mới có Trinh Thần (người làm quan mẫu mực).
Diễn giải:
Đất nước rối loạn mới rõ người làm quan chân chính. Có cha mẹ bất hòa mới rõ bậc cha mẹ có lòng từ, ái đối với con cái. Nó như một quy luật, một điều kiện xuất hiện.
Cũng quy luật đó nhưng ở về chiều ngược lại bỏ Đạo trời mới có Nhân, Nghĩa – do con người đề xướng. Trí tuệ xuất hiện sẽ kèm theo ngụy biện.
Nếu theo Đạo Vô Vi sẽ chẳng cần Nhân, Nghĩa và làm gì có bọn đại ngụy.
- Chương 19:
Dịch:
Cho nên, đoạn tuyệt cái danh Thánh Hiền, dứt bỏ trí xảo dân sẽ lợi vô cùng. Đoạn tuyệt cái danh “Nhân”, cởi bỏ cái danh “Nghĩa”, dân sẽ lại tích chứa Thuần, Từ. Đoạn tuyệt với tài khéo, coi thường lợi lộc thì Đạo tặc sẽ không còn. Ba lời này mà coi như là “Văn” mà chưa đủ thì cần chú ý giữ gìn sự thuần khiết, ôm ấp cái chất phác, ít tư ý mà cắt dục vọng.
Diễn giải:
Chương này phát triển ý Chương trên (Chương 18). Cần cắt bỏ những nguyên nhân dẫn đến hậu quả xấu – bỏ những cái Nho giáo đề cao. Như thế vẫn chưa đủ, cần quay về cái Đức của Đạo để dẫn dắt dân theo Đạo, sẽ an bình thịnh trị.
- Chương 20;
Dịch:
Đoạn tuyệt học thức, đỡ phải lo buồn. Thưa gửi với ừ, à có khác mấy nào. Mỹ miều hay thô xấu có gì khác biệt! Cái người ta sợ, không thể không sợ.
Nhìn kia! Không đúng sao? Mọi người roi rói, như dự tiệc lớn, như ngày xuân dạo chơi. Ta mơ hồ như không biết gì, như trẻ thơ chưa biết cười, dúng dắng như không có nơi về. Mọi người đều thừa mứa, riêng ta như người ngu, ngơ ngác. Tục nhân như thông suốt cả, riêng ta như kẻ mông muội, như lạc loài nơi biển, mông lung như không nơi dừng. Mọi người đều có sở đắc, riêng ta giữ cái thô lậu. Ta muốn riêng khác người, ta tôn quý người mẹ nuôi ta (Đạo).
Diễn giải:
Lão Tử ta thán đời vô Đạo. Người có hiểu biết ngày càng lo buồn, đau lòng. Lời văn thật chua chát, thật đúng với câu “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn” – người “biết chữ” sống nhiều lo lắng và câu “ngu si hưởng thái bình”.
Nhưng dù vậy, tác giả vẫn khẳng định ta muốn riêng khác người, ta tôn quý bà mẹ nuôi ta – tôn quý Đạo sinh thành và nuôi dưỡng vạn vật.
- Chương 21:
Dịch:
Cái mà Đức lớn bao hàm tùy theo nơi Đạo. Thực thể của Đạo thì thấp thoáng, mập mờ. Mập mờ, thấp thoáng nhưng trong có Tượng. Thấp thoáng, mập mờ trong đó có vật. Mung lung… mờ tối mà trong có tinh. Cái tinh túy ấy rất thực và tin cậy được. Từ xưa đến nay, cái danh (Tín) của chúng (tượng, vật, tinh) không hề thay đổi, thuận theo cha chúng (Đạo). Ta tin làm sao biết rõ được Cha chúng. Là lấy Chúng mà xem xét vậy.
Diễn giải:
Đức thì theo nơi Đạo, mà Đạo thì mập mờ, thấp thoáng. Nhưng trong cái mập mờ thấp thoáng vẫn có Tượng, Vật, Tinh. Tức là có phảng phất bóng dáng của Đạo, luôn thể hiện tính chất của Đạo. Xem xét kỹ chúng sẽ rõ về Đạo và Đức Lớn.
- Chương 24:
Dịch:
Người khoa trương không thể đứng vững, kẻ tự thị không thể minh bạch, người tự hiện (phơi bày) là không sáng suốt, người tự kể công tất không có công, người tự căng trương tất không lâu bền. Theo Đạo mà nói, đấy là những thức ăn thừa, những việc vô bổ, ai ai cũng ghét.
Vì vậy, người có lòng với Đạo không thể chứa những tính cách ấy.
Diễn giải:
Ôi! Thật chí lý và minh bạch. Còn gì phải bàn thêm nữa?
- Chương 22:
Dịch:
Mềm mại sẽ được vẹn toàn. Vật cong tất yên (thẳng tròn thì dễ lăn), chỗ chũng tất sẽ đầy. Vật cũ rồi sẽ mới, nơi thiếu sẽ được thêm, có nhiều tất rối loạn. Vì thế, Thánh Nhân chấp nhất (theo Đạo) mà chăn dắt thiên hạ. Không tự thị nên sáng suốt, không tự khoe nên thân vinh, không kể công nên có công, không kiêu căng nên lâu bền. Phàm vì “Không tranh nên chẳng thể lấy gì mà tranh”
Người xưa nói: “cái mềm mại sẽ vẹn toàn” – “Khúc tắc toàn’ – Ôi! Chỉ có mấy lời, thực đã gồm đủ.
Diễn giải:
Thánh Nhân theo Đạo chăn dắt thiên hạ, luôn tuân thủ những quy luật – Đức – của Đạo, của tự nhiên. Cái đặc tính cơ bản là “Không tranh và khiêm hạ”, Những Đức ấy được bao quát trong câu “Mềm mại sẽ được vẹn toàn” – “Khúc tắc toàn”.
- Chương 23:
Dịch:
Tự nhiên (Đạo) ít lời, Gió lớn chẳng hết buổi sáng, mưa to không thể trọn ngày. Ai làm ra thế (rõ nghĩa làm là dạy mà không dùng lời).
Trời đất mà còn chẳng thể trường cửu, lại huống là người ư? Nên người làm việc mà theo Đạo, sẽ cùng với Đạo, theo Đức sẽ cùng với Đức, theo cái thất (thất Đức) sẽ cùng với thất (mất, chìm xuống). Người cùng với Đức, Đạo và Đức sẽ cùng. Kẻ cùng với thất, Đạo làm mất luôn.
Diễn giải:
Đạo – tự nhiên không nói gì. Cứ y nhiên mà làm, đó là cái bài học – “bất ngôn chi giáo” – dạy mà không lời.
Theo Đạo, chẳng có gì bất biến kể cả trời đất, huống là người ư? Chỉ có Đạo là vĩnh hằng. Vì vậy, muốn được dài lâu, người ta phải làm việc theo Đạo, Đức để Đạo Đức sẽ cùng với mình. Chớ làm trái Đạo, thất Đức mà Đạo sẽ làm cho mất luôn.
- Chương 25:
Dịch:
Có vật: “Hỗn nhiên” thành trước cả Trời, Đất. Nó thêu dệt, nó sắp xếp chỉ theo ý mình và không thay đổi; có thể là mẹ của Trời, Đất. Ta chưa biết tên gọi của nó là gì, nên lấy chữ “Đạo” mà gọi. Ta gượng mà làm vậy thôi!
Theo tên gọi Đạo thì là lớn, lớn thì phải nhậm (đảm nhiệm việc), nhậm thì đi xa, xa rồi quay về. Đạo lớn, Thiên lớn, Vương cũng lớn (Đảm nhiệm theo chiều giảm dần). Trong nước có bốn thứ lớn, thì Vương là một ngôi – ngôi Nhân. Nhân theo phép Địa, Địa theo phép Thiên. Thiên theo phép Đạo. Đạo theo phép tự nhiên (Phản phục, đảm nhiệm theo chiều tăng dần).
Diễn giải:
Cái vật “Hỗn nhiên” (hỗn độn có sẵn), có trước và có thể là mẹ của Trời Đất, vận hành theo quy luật của mình và không bao giờ thay đổi ấy, không có tên. Lão Tử đành lấy chữ “Đạo” mà gọi. Nó chuyển biến không ngừng theo quy luật “Phản Phục” về gốc, tức Tĩnh, Phục Mệnh (Phục Mệnh là theo mệnh của tự nhiên tức là quy luật). Lại qua câu “Nhân theo phép Địa, Địa theo phép Thiên, Thiên theo phép Đạo, Đạo theo phép tự nhiên” thì ta có thể hiểu: Đạo là quy luật của tự nhiên về vận động, chuyển biến của vật chất, cấu tạo nên toàn thể Vũ Trụ.
- Chương 26:
Dịch:
Nặng là gốc của nhẹ. Tĩnh là vua của vội vàng. Vì thế, bậc quân tử đi suốt ngày không rời xe lớn. Tuy có nhà ngọc, vẫn sống điềm nhiên tất sáng láng, minh bạch. Thế thì sao ông Vua một nước có vạn cỗ xe lại xem thân mình nhẹ hơn thiên hạ?
Nhẹ tất mất gốc, xao động tất mất ngôi.
Diễn giải:
Bậc quân tử – Thánh Nhân – luôn thận trọng giữ gìn tấm thân – như quân tử phòng thân. Ông Vua một nước lớn không thể xem thân mình nhẹ hơn thiên hạ, vì như thế sẽ mất gốc, mất ngôi. Hãy xem thêm Chương 13 (mục 57).
- Chương 27:
Dịch:
Người khéo đi không để lại dấu vết. Người khéo nói lời không phạm lỗi lầm. Người giỏi tính toán không dùng thẻ đếm. Người khéo đóng không cần cài then mà không thể mở. Người khéo giao kết không cần giàng buộc mà không thể bỏ.
Vì thế, Thánh Nhân hằng khéo cứu người mà không tốn phí nhân vật và tài lực, mà là dẫn dắt vào đường sáng. Vì thiện nhân là thầy của thiện nhân, bất thiện nhân là tài vật của thiện nhân. Không quý thầy mình, không yêu đồ dùng của mình đủ biết là người mê muội.
Đó là điều cốt lõi kỳ diệu của Đạo.
Diễn giải:
Trên đời, mỗi người làm khéo một việc, làm được mà không tốn kém, không sai lầm. Thánh Nhân thì khéo cứu người, vì người ta đều là thầy hay là tài vật (như vật tư, thức dùng) của mình. Khéo cứu đấy, nên không cần bỏ ra công sức hay tài sản để giành giật hay đổi chác mà dẫn dắt họ vào đường sáng.
- Chương 28:
Dịch:
Tri thức thì hùng mạnh. Nhưng bảo tồn thì nhờ mềm tĩnh, mà làm sông suối trữ cho thiên hạ. Làm sông suối trữ cho thiên hạ thì Hằng Đức phải không rời. Muốn Hằng Đức không rời thì phải trong trắng như trẻ thơ.
Trí thức sáng tạo rực rỡ, nhưng chứa nuôi thì nhục nhằn, như làm hang động cho thiên hạ. Làm hang động cho thiên hạ (ở) thì Hằng Đức phải đầy đủ. Muốn Hằng Đức đầy đủ phải quay về thuần phác.
Tri thức là trắng. Giữ nuôi là đen, làm mực thước cho thiên hạ, Hằng Đức phải không sai lệch. Muốn Hằng Đức không sai lệch, phải quay về vô cực.
Phác tán (chia nhỏ) mà làm khí cụ, Thánh Nhân dùng (khí cụ) làm quan trưởng. Phàm là người thống lĩnh thì không thể chia cắt như thế.
Diễn giải:
Tri thức (dương) thì mạnh mẽ, rực rỡ, sáng sủa để sáng tạo. Còn thủ giữ, nuôi dưỡng là “âm” thì mềm, tĩnh, nhọc nhằn, đen khuất. Nhưng nhờ cái “âm” ấy mới nuôi dưỡng bảo tồn và làm mực thước cho thiên hạ. Cái tính “âm” Khiêm Hạ mới có khả năng thực hiện được cái tri thức sáng tạo của “dương”.
Nhưng mỗi một Đức của “âm” biệt lập chỉ làm một việc. Cũng như gỗ đã chia nhỏ làm đồ dùng. Người mà không đủ tất cả các Đức cũng vậy, Thánh Nhân chỉ dùng làm quan. Muốn làm thống lĩnh – Đế, Vương, Tổng Thống – thì phải có Khổng Đức, Toàn Đạo Vô Vi để làm mực thước cho thiên hạ.
- Chương 29:
Dịch:
Kẻ muốn lấy cả thiên hạ làm của mình, ta thấy điều ấy chẳng thể có được. Ôi! Thiên hạ là thần vật, nên chẳng thể có việc làm như thế. Kẻ làm điều đó sẽ thảm bại, kẻ nắm giữ cũng sẽ không còn.
Vật hoặc đi trước, hoặc đi theo; hoặc vội vã hoặc ngồi yên; hoặc được bồi lên hoặc bị hạ xuống. Vì vậy, Thánh Nhân bỏ “Thái quá”; bỏ quá lớn, bỏ quá đầy.
Diễn giải:
Thiên hạ là thần vật, là của chung thiên hạ, vạn vật công bằng. Không thể thái quá mà muốn giữ thiên hạ làm của riêng.
Mọi sự vật, hiện tượng đều vận động tương đối, cân bằng mới là Đạo “Thường”, bền vững. “Thái quá” tất sẽ thất bại, tất sẽ tiêu vong. Cho nên, Thánh Nhân không thái quá, không muốn quá lớn, không muốn trữ đầy.
- Chương 30:
Dịch:
Lấy Đạo giúp người, cốt không cậy binh mạnh hơn thiên hạ. Chuyện ấy rất dễ bị ngược lại. Vả nơi quân đến, chỉ có gai góc mọc thôi. Người khéo đạt thành quả mà không cậy mạnh. Đạt thành quả mà không kiêu, đạt thành quả mà không căng, đạt thành quả mà không thương tổn, đạt thành quả mà như bất đắc dĩ. Thế là nói thành quả mà không cậy mạnh. Vật tráng mạnh rồi lão suy. Như thế là không hợp Đạo. Không hợp Đạo sẽ sớm diệt vong.
Diễn giải:
Không thể cậy quân đội mạnh. Bởi nay ta mạnh, thì mai người mạnh mà thôi. Và chiến tranh sẽ tàn phá hết.
Người khéo đạt thành quả – thắng lợi – mà không cậy mạnh, là khéo thu phục người, thắng mà như không thắng – như bất đắc dĩ. Bởi vì theo Đạo, vật cường thịnh rồi tất suy vong, cho nên đại trượng phu không cậy mạnh.
- Chương 31:
Dịch:
Phàm binh khí là thứ chẳng lành, vạn vật đều căm ghét. Cho nên, người có lòng với Đạo không giữ nó. Người quân tử đứng tất quý bên trái, dùng binh khí tất quý tay phải. Cho nên, binh khí chẳng phải thứ của quân tử vậy.
Quân sự là thứ chẳng lành, bất đắc dĩ mới phải dùng thôi! Đánh thọc sâu bất ngờ (điềm tập) là thượng sách, nhưng chớ xem là hay, là đẹp. Nếu xem là hay, là đẹp là chỉ ham giết người. Phàm đã giết người thì chẳng lấy được lòng thiên hạ.
Vì cát sự xem trọng bên trái, tang sự xem trọng bên phải, thế mà phó tướng đứng bên trái, thượng tướng đứng bên phải, là nói lấy tang lễ mà sắp xếp vậy a! Bọn sát nhân hãy lấy bi ai mà đứng tựa. Chiến thắng hãy lấy tang lễ mà cử hành!
Diễn giải:
Vũ khí là thứ chẳng lành, không phải là thứ của bậc quân tử có lòng với Đạo. Quân sự là thứ không lành, chớ nên cậy mạnh (Chương 30). Chẳng thể không được mới buộc phải dùng thôi. Nếu dùng thì đánh thọc sâu, bất ngờ bắt tướng địch, kết thúc sớm chiến cuộc, ít tổn thương cho cả 2 bên là thuật cao nhất. Nhưng cũng không được xem đó là hay, là đẹp vì dù sao nó vẫn là giết người.
Từ xưa, trong quân doanh, phó tướng ở bên trái, chủ tướng ở bên phải, là muốn nói quân sự sắp xếp như lễ tang.
Lão Tử kết luận “kẻ chiến thắng hãy lấy tang lễ mà cử hành” là muốn nhắc người đời không thể coi chiến thắng là chuyện vui được, mà chính là tang tóc, phải ngăn chặn chiến tranh.
Mấy nghìn năm nay, khắp đông tây, người ta đều tổ chức “ăn mừng” chiến thắng với những nghi lễ hoành tráng nhất, chẳng phải là cổ vũ chiến tranh, đua nhau cậy mạnh đó sao? Hèn gì mấy nghìn năm thế giới không ngừng tao loạn và tang tóc.
- Chương 32:
Dịch:
Đạo, thường vô danh, thô phác và nhỏ bé nên thiên hạ chẳng dám tuân theo. Hầu vương nếu giữ được (Đạo), vạn vật sẽ tự đến làm khách quý, trời đất sẽ tương hợp mà ban ngọt lành, dân không cần luật mà tự bình yên.
Khi đã đặt ra “Hữu Danh”, danh đã thành rồi thì phải biết dừng, biết dừng nên không bị diệt. Cái Đạo lý nhỏ nhoi này đối với Thiên hạ cũng giống như dòng suối đối với sông biển vậy.
Diễn giải:
Đạo là cái “Vô Danh”, tầm thường quá làm người ta không dám tin theo. Nhưng nó lại có thể giúp người ta làm được tất cả, không giới hạn.
Cái “Hữu Danh”, tức cái có tên, là vật cụ thể thì phải biết dừng ở đúng chỗ danh phận của mình – hữu hạn – ngay cả cái lý ấy cũng là một phần nhỏ của Đạo. Cái lý hữu danh đối với thiên hạ cũng giống như dòng suối đối với sông biển. Nếu suối không biết dừng ở suối, thì sẽ bị sông biển nuốt chửng còn đâu. Mỗi người cũng là cái “Hữu Danh” như vậy.
- Chương 33:
Dịch:
Người “biết người” là người biết, tự biết mình là người “minh”. Người thắng được người là người “có sức”, tự thắng được mình mới là người “mạnh mẽ”. Người biết đủ là “giầu” vậy. Người cố gượng mà làm là người “có chí” vậy. Người không mất gốc sẽ được bền lâu, người chết mà không bị quên mới là “Thọ” vậy.
Diễn giải:
Đây là những khái quát đúng đắn, hiển nhiên. Như vậy, bậc quân tử tu Đạo cần: tự biết mình, tự thắng mình, tự biết đủ, không mất gốc. Như vậy, khi chết sẽ không bị quên tức là “Thọ” vậy – chẳng phải là sống mãi ư?
- Chương 34:
Dịch:
Đạo thì mông lung vô định, nhưng có thể giúp rập ta. Thành công, toại sự rồi mà chẳng thể gọi rõ ra (cái chỗ Đạo làm). Vạn vật đều quy thuộc về mà không làm chủ, tức luôn Vô Dục, có thể gọi tên (tìm ra) trong những cái nhỏ nhoi. Vạn vật đều quy thuộc mà không làm chủ, có thể gọi là Vĩ Đại.
Cho nên, Thánh Nhân có thể thành Đại mà không làm Đại, vì thế mới là Vĩ Đại.
Diễn giải:
Đạo sinh ra, nuôi dưỡng, thành toàn cho vạn vật, nhưng chẳng ai thấy rõ nó là gì, ở đâu. Đạo tự giấu mình trong cả những cái vật nhỏ nhoi. Đấy là sự Vô Dục, Khiêm Hạ vĩ đại. Vì thế, Thánh Nhân cũng Vĩ Đại ở chỗ có thể làm “Lớn” mà không làm “Lớn” – làm chủ – giống như Đạo. Thánh Nhân không làm “ông lớn”, làm chủ cũng đề cập đến ở Chương 17; “Người tối cao, dân chỉ biết là có”.
- Chương 35:
Dịch:
Giữ theo Đạo lớn, thiên hạ mãi mãi yên bình. Đại nhạc và thức ăn quá cách cũng phải dừng. Cho nên, Đạo có lời rằng: Nhạt a, kìa đến vô vị, có hiện cũng chẳng đủ để nhìn, lắng tai không đủ để nghe, mà dùng thì không cùng vậy.
Diễn giải:
Đạo Vô Vi, Khiêm Hạ, ấn tàng đến mức đại nhạc, hay thức ăn ngon, ai cũng thích mà quá mức cũng phải bỏ. Giữ theo Đạo, thiên hạ thường thái bình. Đặc trưng cao nhất của Đạo là tính “Nhạt” – Vô Vi, Trống Rỗng, Khiêm Hạ, Ấn Tàng. Vì vậy mới nói: Nhạt thì đến vô vị, hiện ra thì nhìn mà không đủ thấy, lắng tai mà không đủ nghe. Thế nhưng ứng dụng thì vô cùng.
- Chương 36:
Dịch:
Nay: muốn thu hẹp tất đã trương rộng, muốn tỏ ra yếu đi tất đã kiên cường. Nay muốn phế đi tất đã cùng ở, nay muốn đoạt lấy tất trước từng cho. Thế mới là tinh tường. Vì mềm yếu thắng cứng mạnh, như cá không thể thoát khỏi vực sâu. Lợi thế của nước không thể phơi bầy với người.
Diễn giải:
Càng lớn mạnh, càng phải Khiêm Hạ, tỏ ra yếu mềm là giấu đi lợi thế của nước mình. Thế mới là tinh tường. Bởi vậy, nguyên lý là “Mềm yếu thắng Cứng Mạnh”. Cũng vì vậy, đừng bao giờ cho là người muốn gần gũi với ta, lo chu cấp cho ta là người yếu đuối.
- Chương 37:
Dịch:
Đạo “Thường Vô Danh”. Hầu Vương nếu giữ được “vạn vật” sẽ tự chuyển hóa. Muốn tác động đến chuyển hóa, ta điền đầy bằng “Thuần Phác Vô Danh” thì không nhục nhằn. Phàm không nhục nhằn sẽ tĩnh lặng. Trời đất sẽ tự yên.
Diễn giải:
Bậc hầu vương theo Đạo, cứ Vô Vi, vạn vật, vạn sự sẽ chuyển hóa theo quy luật tự nhiên. Ta dẫn dắt nó từ lúc khởi đầu, bằng cái thuần phác Vô Danh để nhận được kết quả tốt đúng như quy luật vận động của nó. Như vậy, sẽ không nhục nhằn, vất vả. Ta cùng vạn sự đều được tĩnh lặng, Trời đất sẽ tự yên.