Xin chào mừng và cảm ơn bạn đã đến với Y Quán Đường chúng tôi, hy vọng chúng ta sẽ đồng hành trên con đường hoàn toàn khỏe mạnh, không bệnh tật, với cuộc sống tươi vui, hạnh phúc tràn trề về mọi phương diện. Để làm được điều tốt đẹp này, trước hết xin bạn đọc bớt chút thời gian thăm thú, làm quen với Nhà Thuốc Y Quán chúng tôi .
Người Việt Nam ta thường lấy tên các Nhà Thuốc Y Học Cổ Truyền như Bảo Sinh Đường, Lập Sinh Đường, Vạn Hòa Đường…để phần nào nêu lên mục tiêu, tôn chỉ làm thuốc, chữa bệnh của mình. Y Quán Đường cũng không ngoại lệ, chúng tôi lấy tên cho nhà thuốc là muốn nêu rõ nhà thuốc chúng tôi quyết tâm ” Quán thông ” tất cả thành tựu của y học, chọn lựa những cái tinh hoa nhất của đông tây, kim cổ để giúp người bệnh vượt qua tất cả các bệnh nan y khi còn có thể, cũng như các tạp chứng thường nhật.
(Y thư cổ – Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, Quyển: Huyền Tẫn Phát Vi)
Để có thể làm được điều này, chúng tôi đầu tư nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng từ y học cổ truyền trải dài trên 4000 năm ở phương đông, cho đến những thành tựu phi thường và những điều bất cập có tính chất bế tắc của y học hiện tại. Ở đây, xin chúng ta cùng điểm qua những nét khái lược của vấn đề này. Y HỌC CỔ TRUYỀN Từ thời khởi thủy xa xưa, con người ta đều phải đối mặt với tai nạn, bệnh tật, ốm đau và họ đều phải dùng mọi thứ có thể được để chữa bệnh, gọi là thuốc. Người phương Tây vốn giầu lý trí lập ra triết học chặt chẽ từ ngôn từ cho đến sự vật, sự việc hết sức minh bạch, biện chứng. Còn người phương Đông xưa lại rất nhạy bén bằng trực giác đề xuất Đạo học tổng quát rất trừu tượng nhưng cũng rất sâu xa. Nền tảng triết học phương Tây với duy vật biện chứng và khoa học thực nghiệm sơ khai còn rất ít ỏi nên y học cổ truyền phương Tây cũng rất nhỏ bé. Trong khi đó, Đạo học phương Đông có từ hơn bốn ngàn năm trước, sau này chúng ta được biết thông qua Lão Giáo của Lão Tử và Nho Giáo của Khổng Tử, có cái nhìn khá sâu sắc từ vũ trụ bao la đến cơ thế con người với bao điều vi tế mà đến hôm nay con người vẫn chưa hiểu biết hết được. Từ đó, người phương Đông đã phát triển và truyền lại một kho tàng đồ sộ về Y học, từ dưỡng sinh phòng bệnh cho đến chữa trị hàng trăm nghìn chứng bệnh cụ thể khác nhau. Cho nên, khi nói đến Y Học Cổ Truyền là người ta đã hàm ý nói đến ĐÔNG Y.
TÂY Y, THÀNH TỰU VÀ BẤT CẬP
Tây y, cả trăm năm trước, với sự phát triển của sinh học, hóa học, hóa sinh học…đã nghiên cứu khá chi tiết các dược liệu dùng trong Đông Y, tách ra được các chất có hoạt tính sinh học trong các chuỗi phản ứng sinh hóa của cơ thế con người. Từ đó chiết xuất nhiều tinh chất dùng để chữa các chứng bệnh rất nhanh chóng. Công nghệ sinh học, hóa học, hóa sinh…cho nhiều chế phẩm có khả năng diệt vi sinh vật (VSV) gây bệnh khi uống, hoặc tiêm trực tiếp vào cơ thể. Kiến thức vi sinh vật học giúp Tây Y có những chế phẩm vacxin phòng các bệnh do virus, vi khuẩn nguy hiểm gây ra. Nhiều loại dịch bệnh gây sự chết chóc kinh hoàng cho nhân loại đã được loại trừ. Với sự phát triển mạnh mẽ của sinh học phân tử những năm gần đây, cho phép y học làm được những điều phi thường như thụ tinh nhân tạo, nhân bản vô tính, cấy ghép mô, ghép phủ tạng…Công nghệ thông tin hỗ trợ đắc lực cho thủ thuật ngoại khoa, đưa thuốc vào vùng bị bệnh, hội chẩn, phẫu thuật từ xa, ngày xưa có mơ cũng không thấy.. Nhưng, ngày nay nhân loại lại đang đối mặt với quá nhiều thách thức về y học, sức khỏe, dịch tễ…chưa có đường hướng khả thi hữu hiệu. Ung thư như một bản án tử hình treo trên đầu nhân loại gần trăm năm qua, các biến chứng liên quan đến tim mạch, các bệnh về máu để lại gánh nặng khủng khiếp cho biết bao gia đình và xã hội, bệnh tiểu đường mang tính xã hội làm hàng trăm triệu người sống không khỏe mạnh, với nhiều tốn phí và biến chứng khổ đau ở ngay trước mắt…còn hàng trăm chứng bệnh khác nữa được cho là mãn tính do cơ địa không thể chữa khỏi có ở cả người lớn lẫn trẻ em. Đại dịch covid-19 cho chúng ta một lời cảnh báo như tiếng sét đánh ngang tai về thảm họa dịch bệnh luôn thường trực, mà tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật mạnh như nước Mỹ cũng không giải quyết được. Chúng ta cảm thấy được con người thật là yếu đuối trước thiên nhiên vô cùng tận. Vậy thì làm sao con người nhỏ bé vượt qua được những thách thức ấy trong hàng triệu năm qua để có được một quần thể 7 tỷ người hôm nay? Không thể phủ nhận những thành tựu to lớn của y học trải qua hàng vạn năm đã bảo vệ con người. Chúng ta cùng soát xét lại thật tỷ mỷ những tri thức trước, nay chắc chắn sẽ có những chỉ dẫn đúng đắn để vượt qua những thử thách được xem là không thể vượt qua trước mắt.
ĐÔNG Y THỰC TẠI VÀ TIỀM NĂNG
Ở những quốc gia có nền y học cổ truyền phát triển từ xa xưa như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ…ngày nay cũng không giải quyết được những vấn nạn chung của y học hiện đại. Họ cũng không chữa được những bệnh mãn tính quy kết do cơ địa, rất mơ hồ. Kể ra có thể có đến hàng trăm chứng bệnh được liệt vào nhóm bệnh này, xin không phải kê ra nữa. Trong khi y thư kinh điển khẳng định chỉ có bốn chứng khó chữa ( tứ chứng nan y) chứ không phải là không chữa được: Phong (trúng phong – tai biến mạch máu não, động mạch vành tim), Lao (nhiễm trùng lao kèm lao lực khô kiệt), Cổ ( cổ trướng, bụng to như cái trống, ung thư gan), Cách (bệnh quan cách ở người già, tinh khô huyết kiệt, ăn uống không trôi, hoặc ăn vào là nôn ra như ung thư dạ dày giai đoạn cuối). Ngoài tứ chứng nan y ra các chứng bệnh khác đều là dễ chữa! Vậy vì sao đông y ngày nay lại không chữa được hoặc hiệu quả không đáng kể? Như vậy, các tổ Đông Y nói ngoa hay sao? Nếu là ngoa ngôn lộng ngữ thì những lời đó sẽ không có lý do để còn nằm trong kinh sách. Vả lại, các bậc y tổ nhân cách tót vời, một lời như dao chém đá, không có nói chơi. Thế thì đông y ngày nay đã không kế thừa được thành tựu của người xưa, thật là điều đáng tiếc!
Nhưng, sai sót ở chỗ nào? Sai sót ở việc tiếp thu tri thức, hay ở dược liệu không còn, hay do phương lược thất truyền, hay ở bệnh nay quá nặng. Sau đây chúng tôi xin mạn phép trình bày, trả lời những câu hỏi đó, nhằm mục đích lĩnh hội vốn quý phòng, trị bệnh của ông cha xưa, cho ngày nay chúng ta được thụ hưởng.
(Y thư cổ, Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, Quyển Huyền Tẫn Phát Vi)
Sách nội kinh nói con người ta là một tiểu vũ trụ, sum la vạn tượng không gì không có. Vũ trụ hình thành, vận động như thế nào, ta tìm xem trong Đạo học Đông phương.
Đạo Đức Kinh nói đạo sinh nhất ( cái thứ nhất), nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vật là cái đã có tên, vật nọ sinh vật kia, biến hóa vô cùng, vô tận. Đạo là cái vô hình, vô danh ( không có hình tướng,không có tên gọi), nên thánh nhân gượng mượn chữ Đạo mà gọi thôi. Nghe trừu tượng, khó hình dung quá. Cho nên, Kinh Dịch do Khổng Tử san định mượn cái hữu hình, thô thiển cho ta dễ hình dung hơn.
Dịch có nói Thái cực sinh lưỡng nghi. Phục Hy lấy chữ nhất một nét (-), thể hiện vũ trụ bản thể là đồng nhất, vô cực. Đã nói tiên thiên Thái Cực là trời còn chưa sinh ra, tức vô Cực là Thái Cực chưa phân ra âm dương, trời đất. Chu Công sợ người sau không hiểu lấy hình tướng mà dạy. Lấy chữ Nhất cuộn thành vòng tròn làm tượng của vô cực. Thêm một nét đứng chia đôi vòng tròn vô cực thành có hai nửa âm và dương làm đồ hình Thái Cực. Rồi âm dương kết họp nhau thành tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái kết hợp nhau thành 64 quẻ, 64 quẻ biến hóa vô cùng sinh ra vạn vật. Đó là quan niệm hình thành vũ trụ của người phương Đông xưa.
Khoa học hiện đại cũng xem vũ trụ là vô tận (mới đây thôi), với vô lượng vật thể, với hàng triệu chất khác nhau. Hàng triệu chất này được cấu tạo từ 118 nguyên tố hóa học ghi trong bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học Men Đê Lê Ép. Các nguyên tố này lại được xây dựng từ vài chục hạt vật chất gọi là hạt cơ bản. Các hạt cơ bản lại được cấu thành chỉ từ 6 hạt chưa từng biết tới nên cứ tạm gọi là Quark (Quắc)- hạt lạ. Khoa học đi từ vô lượng vật, thu về hàng triệu chất, rồi gộp lại trong hơn trăm nguyên tố, rồi đến hạt cơ bản lại thu về các quắc….còn về đâu nữa không? Tôi nghĩ sau cùng phải về đến cái nhất, cái Đạo của Đông phương. Ông tổ Vật Lý hiện đại thế kỷ 20 Anbe Anhxtanh cũng đã từng nói:” cái đích của khoa học chỉ là điểm khởi đầu của triết học Kinh Phật “, cũng là Đạo học phương Đông!
Gần đây, khoa học thừa nhận giả thuyết Big Bang (vụ nổ lớn) hình thành vũ trụ từ chân không tuyệt đối tương tự như quan điểm của Đạo Đức Kinh và Dịch Kinh.
Tóm lại, hôm nay khoa học hiện đại đi từ triệu triệu chi tiết, hiểu biết gần tới…cửa của Đạo học phương Đông tổng quát. Tôi phải nói rõ chỗ này để muốn bạn tin theo Đạo học, đừng lấy khoa học làm thước đo, phán xét Đạo học của ông cha ta là đúng hay sai.
Theo Đạo học phương Đông, âm dương là hai mặt đối lập, nhưng thống nhất của thái cực. Trong đó, dương thống lĩnh âm, âm nuôi dưỡng dương, để cùng phát triển. Khi hợp tử được tạo thành từ trứng của mẹ và tinh trùng của cha, sinh sôi thành 2, thành 4, thành 8 tế bào, đều là những tế bào ” gốc “, có tính chất hoàn toàn như tế bào hợp tử ban đầu. Nếu tách nuôi riêng 8 tế bào gốc này ta sẽ lại được 8×8=64 tế bào gốc, để rồi có thể có 64 phôi thai.
Nhưng, nhóm 8 tế bào gốc tiếp tục phát triển thì đến tế bào thứ 9 trở đi sẽ không còn là tế bào ” gốc ” ,chúng đã khác đi, gọi là đã biệt hóa. Tức là một phôi thai đã hình thành, chuẩn bị cho một con người mới sinh ra. Các tế bào biệt hóa sau này sẽ tiếp tục phân hóa, phát triển thành các phủ tạng, bộ phận khác nhau của một con người hoàn chỉnh.
Vậy cái gì làm cho từ tế bào thứ 9 bắt đầu biệt hóa? Lúc đó nhóm 8 tế bào chỉ lớn bằng đầu mũi kim, ngâm trong dịch ống dẫn trứng của mẹ, tức là môi trường đồng nhất, không có sự khác biệt về mặt hóa học, có thể làm biệt hóa. Vậy thì quanh nhóm 8 tế bào có tồn tại một trường lực không đẳng hướng, làm cho tế bào sinh ra ở các hướng khác nhau sẽ biến đổi khác biệt nhau, gọi là biệt hóa sẽ hoạt động chức năng khác nhau.Trường lực tác động đó không phải là vật chất hữu hình, Đông Y gọi là khí. Khí này có trước cả các tạng phủ mang tính vật chất như trời đất nên gọi là khí tiên thiên (có trước cả trời đất), chỉ huy tạo cả ra trời đất!. Phần vật chất dùng để xây đắp nên cơ thể, tạng phủ gồm cả trăm nghìn tỷ tế bào được gọi chung bằng từ huyết. Khí mang thuộc tính dương, huyết mang thuộc tính âm. Âm dương hai mặt đổi lập giống như thủy hỏa cho nên trong Đông Y nói hỏa là gốc của khí, thủy là mẹ của huyết. Cũng vì vậy trong sách nội kinh có câu:” Thủy Hỏa là trưng triệu của Âm Dương, mà Khí Huyết là cái dụng của Thủy Hỏa “.
Thủy Hỏa tiên thiên đều là khí vô hình, chỉ huy xây dựng thành cơ thế với cả trăm nghìn tỷ tế bào vô cùng phức tạp và hoàn chỉnh và cũng chính nó chỉ huy từng tế bào hoạt động sống nhịp nhàng, ăn khớp chính xác trong cơ thể ta. Khí chỉ huy đúng thì cơ thể khỏe mạnh, chỉ huy sai lỗi thì cơ thể sinh bệnh, khí này không còn thì mọi cơ quan đều dừng, chỉ còn là cục thịt chết mà thôi.
Trong cơ thể ta, cái Khí tiên thiên này sinh ra ở đâu,chỉ huy cơ thể hoạt động thế nào? Nguyên khí tiên thiên, từ thời Hoàng Đế gọi là thận khí (thận dương trong sách nội kinh) ,sau này, danh y Biển Thước thời nhà Chu ( hiệu là Việt Nhân) gọi là Mệnh Môn, nghĩa là cửa của sinh mệnh, gửi ở quả thận bên phải, thận dương ,còn thận bên trái là thận âm ( sách Nạn Kinh). Ngày nay, nhiều nhà Đông ý nói thận dương có lẽ là hoạt động của tuyến thượng thận. Nhưng trong Y Tông Tâm Lĩnh, Hải Thượng Lãn Ông trình bầy về Tâm Thận thông nhau, thì thận dương là phụng mệnh từ Tâm, lao Tâm thì bệnh nặng khó chữa do đều thuộc về các tạng. Lãn Ông cũng nói Việt Nhân nói quả thận bên phải là mệnh môn là không đúng. Ngài nói, trong Kinh chỉ ở đốt sống thử 7, đếm từ dưới lên, hay đốt 14 đếm từ trên xuống, tựa vào sống lưng, đối diện với rốn, có một ” tiểu Tâm ” là chỗ đóng cung của mệnh môn, là thận hỏa, thận khí. Còn hai quả thận ở hai bên đều là thận thủy; quả bên phải là dương thủy, quả bên trái là âm thủy. Triệu Hiến Khả trong sách Y QUÁN cũng nói tương tự.
Như vậy khí của Mệnh Môn là từ Tâm – Não, phát ra, gồm dinh khí và vệ khí. Dinh khí đi theo các đường kinh lạc, chỉ huy dinh dưỡng, vệ khí đi ở ngoài đường kinh chỉ huy bảo vệ cơ thể. Tức là khí này, nói theo ngôn ngữ y học hiện đại như là hệ thống thần kinh thực vật trung ương, hệ thống thần kinh tự động vậy.
Như vậy, khí chỉ huy xây dựng, nuôi dưỡng, hoạt động của toàn cơ thể và nó cũng chỉ huy bảo vệ cơ thể. Khí này gọi là khí tiên thiên, hay thủy hỏa tiên thiên, phát ra từ khi mới có 8 tế bào ban đầu, sau này phát triển thành não bộ, đóng cung ở Mệnh Môn, là phần ” âm ” của tâm tưởng, là cửa của sinh mệnh, nằm giữa 2 thận. Chính vì thế Đông y gọi Mệnh Môn là hỏa ở trong thủy. Mệnh Môn, cửa của sinh mệnh, hay gọi là gốc của sinh mệnh cũng thế, trong Đạo Đức Kinh (Lão Kinh) gọi là cái cửa của bà mẹ nhiệm màu (huyền tẫn chi môn) sinh ra vạn vật. Không có cái hỏa khí này thì 100 nghìn tỷ tế bào của cơ thể sẽ chết. Y kinh nói hỏa này mạnh thì cơ thế khỏe, hỏa này yếu thì cơ thể sinh bệnh, hỏa này tắt thì trăm cơ quan đều thành vật chết. Tóm lại, Mệnh Môn, gốc của sinh mệnh nên cũng chính nó lại là gốc của mọi bệnh tật. Chữa bệnh từ gốc, là phải chữa từ nơi này, NGUYÊN KHÍ – HỎA MỆNH MÔN – THỦY HỎA TIÊN THIÊN – HỎA KHÍ TIÊN THIÊN là những tên riêng của cái khí gốc ấy.
Não bộ của chúng ta,hoạt động vô cùng tinh vi và chỉ huy toàn cơ thể vô cùng kỳ diệu, nên người xưa gọi nó là phủ kỳ hằng- nghĩa là mãi mãi huyền kỳ, khó hiểu. Ngày nay, chúng ta nghiên cứu, biết được rằng mọi tri giác, tư duy, chỉ huy vận động, làm việc…cả một đời người chỉ dùng một lớp mỏng của vỏ Não mà thôi . Thông tin cảm giác, xúc giác từ môi trường thông qua hệ dây thần kinh hướng tâm về Não. Não chỉ huy cơ bắp vận động, làm việc thông qua hệ thống dây thần kinh ly tâm, với không biết bao nhiêu quá trình hóa sinh, điện sinh phức tạp. Nhưng, hoạt động thần kinh này còn có cái ” vật ” hữu hình, sợi dây, tế bào thần kinh để nhìn thấy, đo đạc được, nên nó còn quá đơn giản so với việc Não chỉ huy từng tế bào ở các tạng phủ làm việc, là cái mà chỉ một sai sót nhỏ cũng có thế tạo ra một chứng bệnh nan y. Cho nên, chúng ta cần chú tâm xem xét vấn đề này thật thấu đáo, vì nó sẽ giúp chúng ta có những kiến thức chủ yếu nhất cho phòng bệnh và chữa bệnh.
Cho đến nay, con người ta có đo được điện não đồ, điện tâm đồ…nhưng chưa cả biết được cái gọi là thần kinh thực vật, tương tự như Đông y gọi là nguyên khí ấy, là loại trường lực gì, chứ nói gì đến đo đạc.
Dinh khí được truyền đi theo 12 đường kinh, cộng 8 đường kinh đặc biệt, gọi là 8 mạch Kỳ Kinh, tức là 20 kinh mạch. Ngoài ra, còn có 365 đường lạc nối ngang các đường Kinh, nên người ta hay nói tắt kinh mạch, kinh lạc, mạch lạc…để chỉ hệ thống ” kênh mạch ” này. Kinh sách Đông y vẽ chỉ rõ các kinh lạc, trên đó còn chỉ ra các huyệt lạc với tọa độ chính xác, mà khi châm chọc vào đó không cảm thấy đau, không chảy máu. Nhưng các đường kinh này lại không phải là dây thần kinh truyền lệnh cho tay, chân …,thần kinh vận động hay chỉ huy tim đập, chỉ huy ống tiêu hóa co bóp…và…Tức là không có dây dẫn, giống như vô tuyến điện trong liên lạc điện thoại vậy.
Não bộ là cơ quan được ưu tiên nuôi dưỡng nhất trong cơ thể vì vai trò đặc biệt thiết yếu của nó. Một đứa trẻ dù bị suy dinh dưỡng thì đầu nó vẫn lớn như thường.
Chỉ một sơ xuất nhỏ trong dinh dưỡng não cũng sẽ được báo động bằng cơn đau đầu. Thống bất thông, đau là khí huyết không thông, cần sửa chữa ngay. Cho nên, chỉ huy từ não phát ra thường không hư lỗi. Nhưng vì nguyên khí truyền qua nội môi cơ thể, máu và dịch kẽ để tới tế bào của mô cơ quan, nơi nhận và thực hiện mệnh lệnh của não, nếu nội môi không chuẩn, tín hiệu lệnh sẽ có thể bị sai lệch, bộ máy hoạt động không hết chức năng, hoạt động sai, tức là sinh bệnh (trong tiếng cổ, từ bệnh có nghĩa là sai lầm). Huyết tương và dịch kẽ có chứa hàng vạn chất khác nhau với những ngưỡng nồng độ nhất định. Nồng độ của các chất này có nằm trong “chuẩn ” hay không được quyết định phần lớn bởi hệ thống bài tiết của cơ thể thông qua hoạt động của thận, đại tràng, tuyến mồ hôi . Người ta thường quan niệm sai lầm rằng, hệ thống bài tiết chỉ để bài tiết đi các chất độc, sản phẩm thải của các quá trình trao đổi chất như cacbonic, urê, creatin…những chất gây ngộ độc cấp tính, dễ thấy. Không mấy ai chú ý đến chức năng đặc biệt quan trọng của các cơ quan bài tiết là hấp thu lại hàng vạn chất có trong huyết tương như nước, các muối khoáng, chất đạm, chất béo, đường gluco, các hormon, các vitamin… Chỉ một chất không được thu hồi thì có thể vài chục phút sau, trong cơ thể ta đã hết chất đó và có thể nhiều bệnh nguy hiểm đã bắt đầu. Chính vì vậy, Đông y nói mọi bệnh đều bắt đầu từ thận, mọi bệnh nặng đều đổ về thận (chỉ hệ thống bài tiết của cơ thể) và chữa mọi bệnh đều phải chữa bắt đầu từ thận!
Thận ở đây phải hiểu đúng là cả thận âm và thận dương. Thận âm là hệ thống bài tiết hữu hình, bài tiết nước tiểu của 2 quả thận, bài tiết theo đường đại tiện, bài tiết qua đường mồ hôi, hơi thở…Thận dương là Mệnh Môn, hỏa khí ở trong thủy phận (trong thận thủy) là dương khí chỉ huy hoạt động của từng tế bào ở tất cả các cơ quan. Khí đó lại gồm hai phần là tướng hỏa và chân thủy. Thận dương được bổ, chỉ huy bài tiết, hấp thụ chuẩn hơn, thành phần nội môi chuẩn hơn, làm cho truyền dẫn nguyên khí từ não đến Mệnh Môn, đến mọi nơi tốt hơn. Nó đảm bảo cho mọi cơ quan hoạt động chuẩn xác, cơ thể khỏe mạnh, không bệnh tật nào sinh ra được.
Như trên đã nói, nếu nguyên khí hoạt động chuẩn, mọi cơ quan cho đến từng tế bào hoạt động đúng chức năng, lại được ăn uống đầy đủ thì con người ta không có bệnh tật.
Kinh nói, khi người ta đến 40 tuổi, nguyên khí còn có một nửa. Tức là lệnh chỉ huy ở Mệnh Môn giảm mất 50% độ chuẩn, lúc này các triệu chứng bệnh mãn tính do hư suy của tuổi ” già ” đã bộc lộ ở hầu hết các tạng phủ (với phụ nữ thì ngưỡng này ở 35 tuổi). Lúc này, uống thuốc bồi bổ thủy hỏa tiên thiên (nguyên khí), điều chỉnh, phục hồi hoạt động chức năng năng sinh lý của toàn bộ cơ thế là thật sự cần thiết. Chữa vào Mệnh Môn, cửa của sinh mệnh, gốc của cơ thế, cũng là gốc của mọi bệnh tật là phương thức tốt nhất để phòng và trị mọi bệnh tật. Sử dụng nhuần nhuyễn phương Thủy Hỏa, phối hợp với các phương, bài bồi bổ hậu thiên một cách hợp lý thì ngay cả các bệnh nằm trong tứ chứng nan y cũng không còn là Nan y nữa. Thực tế chữa bệnh của các thầy thuốc làm việc ở Y Quán Đường chúng tôi đã minh chứng điều này. Nếu bạn quan tâm, xin mời bạn tham khảo việc chữa các bệnh với những bệnh nhân cụ thể.
Muốn dưỡng sinh phòng bệnh, hay chữa bệnh nan y, hãy học ở các bậc thánh hiền, qua sách của Tổ Y để lại, dùng các bài cổ phương, qua lâm sàng để phù hợp với con người ngày nay, chúng tôi tin rằng không có bệnh tất chết, còn không biết bệnh thì tất chết. Trong cuộc sống, nếu chúng ta luôn tin vào điều tốt lành thì duyên lành sẽ đến, luôn có ánh sáng ở cuối đường hầm, sau đêm tối sẽ là ánh bình minh, qua cơn bĩ cữ sẽ tới hồi thái lai.
Y Quán Đường theo trường phái Y Vương Đạo, không công mà trị, lấy bổ làm chủ, dưỡng khí bổ huyết làm cho Âm bình hòa, Dương kín đáo để bệnh tật tiêu trừ, tuy chậm mà nhanh, nhất tâm tin tưởng thì ai ai cũng kiến hiệu. Điều tốt nhất vẫn là ” Phòng khi chưa bị – Trị lúc chưa bệnh“.