- THƯƠNG HÀN LUẬN
Chuyên tổ thương hàn là Trọng Cảnh. Phàm đọc sách Trọng Cảnh, nên chia thương hàn và trúng hàn làm hai môn, thì ban đầu dễ thông hiểu. Bởi vì lâu năm tàn khuyết, người bổ di, chú giải lại có nhiều mất mát, hiểu lầm. May mà trải qua khảo chính, dần dần sáng ra. Gặp được các sách san hành của Đào Tiết Am và Thôn Hoãn Uẩn mà cái lý thương hàn mới nắm được. Đến mức chí lý, thì tôi chưa rỗi để biện luận thật rõ ràng. Nên trước hãy đem thương hàn, trúng hàn, theo từng thứ mà biện minh, ngăn ngừa chẳng để hai chứng âm dương hỗn loạn, giúp cho trị thương hàn có được cái cương lĩnh chẳng khó nữa. Còn nếu cầu mong nhiều ngả thì rất là chi ly, rườm rà.
Trước nói về dương chứng. Phàm đã nói là thương hàn, tất hàn tà từ ngoài đột nhập vào trong mà gây thương, hại. Tà nhập vào tất có nông, sâu, thứ tự từ biều đến lý, trước ở bì mao, sau đến cơ nhục, lại nữa gân cốt, rồi tỳ vị. Nhập dẫn như thế là lẽ đương nhiên. Khi phong hàn mới nhập, tất ban đầu là qua hàn thủy của Thái Dương Kinh, làm cho ghét gió, ghét lạnh, làm đau đầu, đau cơ… Hàn chất chứa ở phần bì mao là biểu chứng. Nếu ở kinh khác sẽ không có các chứng như vậy. Mạch nếu phù, khẩn, không mồ hôi là thương hàn. Dùng thang Ma hoàng mà phát hãn, ra được mồ hôi là giải xong. Nếu mạch phù, hoãn, có mồ hôi là thương phong, thì dùng Quế chi thang để tán tà, dừng ra mồ hôi là khỏi. Nếu như không đau đầu mà ghét lạnh, mạch lại không phù, đây là biểu chứng đã hết mà tà đã vào trung. Trung là khoảng giữa biều và lý, là phần của các kinh Dương Minh và Thiếu Dương. Mạch không phù, không trầm là ở trong vùng cơ thịt là ở dưới lớp da thịt vậy. Tuy nhiên có hai dạng. Nếu mạch hơi hồng mà trường là mạch bệnh của kinh Dương Minh, ngoại chứng thấy mũi khô, khó ngủ, lấy cát căn thang để giải cơ. Nếu mạch huyền mà sác (nhanh) là mạch kinh Thiếu Dương, chứng sẽ sườn đau, tai điếc, nóng, lạnh thay đổi, miệng đắng, thì lấy Tiều Sài hồ thang mà làm hòa. Phàm là Thiếu Dương, Dương Minh bệnh thì không theo ngọn, không theo gốc để trị mà trị ở phần giữa. Nếu như có một chút ghét hàn là còn tại biểu, tuy đã nhập vào trung, lại cũng nên kiêm tán tà. Qua giai đoạn này tà nhập vào lý là thực nhiệt, mạch không phù, không trầm, trầm tất chiếu theo gân cốt phận mới đúng. Nếu như mạch trầm thực, hữu lực, ngoại chứng không sợ gió lạnh, nói sảng, đại khát, sáu bảy ngày không đại tiện, rõ là nhiệt nhập lý mà tràng vị táo thực. Nhẹ thì dùng Đại Sài hồ thang, nặng thì Tam thừa khí thang. Đại tiện thông thì nhiệt sẽ đỡ.
Nói về âm chứng. Nếu mới bắt đầu sợ lạnh, chân tay quyết lạnh, hoặc run rầy, nằm co không khát, kiêm đau bụng, nôn mửa, đi tả, hoặc miệng trào bọt dãi, mặt méo lệch, chẳng phát nhiệt mà mạch trầm, trì vô lực, đây là âm chứng. Chẳng lệ theo chứng nhiệt truyền nhập theo kinh dương để chữa. Phải xem ngoại chứng như thế nào, nhẹ thì dùng Lý trung thang, nặng thì dùng KHương phụ thang, tứ nghịch thang để làm ấm. Do đây mà xét có thể thấy thương hàn là từ bì mao rồi sau nhập vào tạng phủ. Mới đầu tuy ghét lạnh, phát nhiệt mà cuối cùng là nhiệt chứng thì người này tất vốn có hỏa vậy.
Trúng hàn là hàn nhập thẳng vào tạng phủ. Từ đầu đến cuối sợ lạnh mà tuyệt không có các chứng phát nhiệt. Người này ắt không có hỏa. Một là “phát biểu, công lý” (ngoài phát hãn, trong công tà), một là dùng “ôn trung tán hàn”. Hai đường phải phán xét cho minh bạch, chẳng đến mức hỗn tạp ở giữa mà làm cho người sau nghi ngờ, ngộ nhận (một đường trị thương hàn, một đường trị trúng hàn).
Hàn làm thương vinh, phong làm thương vệ. Vệ là dương, phong cũng là dương, dương thì theo dương loại. Cho nên phong có thể làm thương vệ. Huyết là âm, hàn cũng là âm, âm theo âm nên hàn có thể làm thương vinh. Tân, cam phát tán là dương nên phong thì lấy tân để phát tán, còn hàn thì nên dùng cam để phát tán. Quế chi tân mà nhiệt, cho nên có thể phát tán phong tà trúng ở vệ. Ma hoàng cam mà nhiệt, có thể phát tán hàn tà trúng vào huyết phận (âm vinh). Lại nữa Quế chi, Ma hoàng, khí vị đều nhẹ, là dương ở trong dương, nên có thể vào kinh Thái Dương, để tán phong, hàn ở bì phu. Hai phương này đúng phương để trị chính thương hàn vào mùa đông, từ tiết Sương Giáng đến trước Xuân Phân. Lúc này là Thái Dương Hàn Thuỷ làm việc. Đối với người phòng lao, tân khổ thì cái khí Hàn Thuỷ, Thái Dương này thừa hư mà vào kinh Thái Dương. Đồng khí tương cầu nên dễ vào làm thương, hại vậy. Trọng Cảnh đặc biệt lấy sát khí làm tối trọng nên nói rõ ràng, ngoài thời gian này ra không có thương hàn, tức là hai phương này không thể dùng. Ngày nay có nhiều sách trên y bài nói trị tứ thời thương hàn. Danh không chính tất ngôn chẳng thuận vậy. Người bệnh nói đầu đau như phá lấy Liên tu thông bạch thang, không thể lấy Sài hồ thang. Nếu có chứng sợ lạnh, phương này gia Ma hoàng (Liên tu thông bạch), sợ gió gia Quế chi. Nếu như phủ của chính Dương Minh bị bệnh, không sợ lạnh, có mồ hôi và khát, nên dùng Bạch hổ thang.
Thái Dương kinh biểu thị ở phần biểu đi ở phần sau (bối) của thân. Dương Minh kinh biểu hiện ở phần lý, đi ở phía trước thân. Thiếu Dương kinh nửa biểu, nửa lý, đi ở cạnh hai bên sườn. Không có như trên thì tất là ở các kinh Thiếu Âm, Thái Âm, Quyết Âm tức đều nhập vào tạng gọi là lý.
Đại phàm, tà nhiệt của thương hàn truyền nhập vào lý kết thành thực chứng, nên xét nhiệt khí nông, sâu mà dùng thuốc. Y sinh ngày càng chẳng thể phân biệt được, nên cấp hạ, có thể hiếm so với nên hoà vị khí, mà thường nhất loạt dùng Đại Hoàng, Mang tiêu đưa bừa vào thang để cấp hạ. Nhân đó người chết oan nhiều lắm. Tôi nói tà của thương hàn truyền đến chẳng phải là một loại, chữa tất khác nhau. Nếu bệnh có tam tiêu đều bị thương, tất báng bĩ đầy, táo thực, cứng chắc đều đủ nên dùng Đại thừa khí thang, Nùng Phác khổ ôn để khử báng bĩ. Tích thực khổ hàn để thải đầy, Mang tiêu hàm hàn để nhuận táo, mềm cái cứng, Đại Hoàng khổ hàn để thải thực, khử nhiệt. Bệnh sẽ mau bớt. Tà tại trung tiêu, tất có táo, thực, cứng ba chứng, cho nên dùng Điều Vị Thừa Khí thang, lấy Cam thảo hoà trung, Mang tiêu nhuận táo, Đại Hoàng tả thực. Không dùng Tích thực, Nùng Phác vì nó sợ hại đến nguyên khí ở thượng tiêu. Tên là điều vị do đó mà có vậy. Thượng tiêu bị thương, tất báng bĩ mà thực, dùng Tiểu Thừa Khí thang. Tích thực, Nùng Phác có thể trừ bĩ, Đại Hoàng tả thực, bỏ Mang tiêu để không hại chân âm ở hạ tiêu. Nói không tìm ra căn bản, lại như Đại Sài hồ thang, tất có biểu chứng còn chưa trừ, mà lý chứng lại cấp, thì chẳng thể không hạ được, thì chỉ được dùng phương này để thông biểu lý, để trị từ từ. Ngay cả chứng người già yếu hay khí huyết đều hư tổn cũng nên dùng phương này. Cho nên kinh nói: cái chuyển thuốc nhanh là gì? Có Mang tiêu là khẩn, Đại Thừa Khí tối khẩn, Tiểu Thừa Khí nhẹ hơn, Sài hồ lại nhẹ nữa, Đại Sài hồ này thêm Mang tiêu tất chuyển được thuốc. Trọng Cảnh nói: Trừ sạch thương hàn tích nhiệt đều dùng thuốc thang, không nên dùng thuốc hoàn, không thể không biết. Muốn dùng ba phương thuốc này, nên dùng tay ấn xem bệnh. Từ ngực tới bụng dưới, quả là có chỗ cứng, tay không thể ấn, mới dám hạ tay. Có một điều chí diệu, đó là nên xét lưỡi khô nhuận ra sao. Xem lưỡi 36 dạng của Kim Kính Lục không thể không xem kỹ.
Mới bị bệnh không sốt, tứ chi quyết lạnh, hoặc trong ngực bụng đầy, hoặc nôn oẹ, bụng đầy đau, đi tả, mạch tế vô lực. Đây là từ âm chứng bị hàn, tức là âm chứng thật, không phải từ dương kinh truyền đến. Cần làm ấm ngay, không nên chậm trễ. Kinh nói: người phát nhiệt, ghét hàn là phát từ dương vậy. Không nhiệt ghét hàn là phát từ âm vậy. Điều trị nên dùng Tứ nghịch thang. Bụng đầy, bụng đau đều là âm, chứng chỉ nặng nhẹ khác nhau, trị theo một lối. Bụng đau, không đại tiện, thì dùng Quế chi Thược dược thang. Nếu bụng đau, đi tả không kiểm soát, tiểu tiện trắng trong nên dùng Ôn trung, Lý trung, Tứ nghịch, tuỳ theo nặng nhẹ mà dùng. Nếu nhẹ thì Ngũ linh tán, nặng thì Tứ nghịch thang. Không có mạch thì dùng Thông mạch tứ nghịch thang làm cho âm thoái mà dương phục vậy.
Bệnh âm độc, ngón tay, chân đều xanh, mạch trầm tế mà cấp, thì Tứ nghịch thang, vô mạch thì Thông mạch tứ nghịch thang, Âm độc Cam thảo thang, trong rốn đắp hành, khí hải, quan nguyên hơ ngải (có thể cứu hai ba trăm mồi), lại dùng thuốc ôn hoà bổ khí, thông nội ngoại để phục dương khí. Nếu tất cả đều vô hiệu là chứng chết vậy.
Ở trên đều là chân âm chứng, người ta đều biết. Đến mức trong khoảng trở bàn tay, tất không dễ hiểu, có phát nhiệt, mặt đỏ, phiền táo, đòi bỏ áo quần, uống lạnh, mạch lớn. Nhầm là dương chứng, cho thuốc hàn, chết người nhiều lắm. Tất nên dựa vào mạch mà cho thuốc. Chẳng cứ phù, trầm, đại tiểu, nhưng dưới tay vô lực, ấn tới gân cốt, toàn là vô lực, tất có phục âm, chẳng thể dùng thuốc lạnh được (lương dược). Nếu đã dùng qua thuốc lạnh, mạch tất cổ (trống), ấn có lực, mạch lại khó dựa vào nữa. Nếu dùng trà thang, hoặc hàn, nhiệt dược đều nôn mửa là âm thịnh cách dương thì cấp dùng Bạch thông thang gia Nhân Sâm để thông cự cách. Cho nên trong thương hàn luận của Trọng Cảnh, truyền kinh và trực trúng đều có luận, chính vì có dương chứng tựa âm, âm chứng tựa dương, nên cần biện rõ. Nhưng qua lâu rồi tán loạn, người sau bổ tập sai, làm rối bời. Như Thái Dương chứng, đầu đau phát nhiệt, đáng nhẽ mạch phù mà trái lại trầm, lại giống bệnh ở Thiếu Âm, cho nên dùng thang Ma hoàng, Phụ tử, Tế tân. Như Thiếu Âm chứng, mạch trầm, lẽ ra không nhiệt mà trái lại phát nhiệt giống bệnh ở Thái Dương. Nên phải dùng Can Khương phụ tử Cam thảo thang. Như âm chứng tứ chi quyết nghịch mà dương chứng cũng có quyết nghịch. Ở đây Tứ Nghịch thang và Tứ Nghịch tán khác nhau. Lại như âm chứng hạ lợi (đi ngoài), mà dương chứng cũng có lậu đáy, ở đây Lý Trung thang và Hoàng Long thang dùng bất đồng. Những loại như vậy, nghi ngờ khó rõ. May có Lục Thư của Đào Tiết Am, chỉ bày rành rẽ. Tôi lại có lời rằng: Đọc sách thương hàn mà không đọc sách của Đông Viên tất nội thương không rõ, mà làm chết người nhiều vậy. Đọc Đông Viên mà không đọc Đan Khê tất âm hư không rõ cũng giết người nhiều lắm. Đọc sách Đan Khê mà không đọc sách họ Tiết, tất chân âm, chân dương bất minh mà giết người cũng lắm. Đông Viên nói: Tà mà lộng hành là khí tất hư, thế gian người nội thương nhiều, người ngoại cảm (giản như chi hữu) cũng có lúc có. Một chữ giản này phải xem như 500 năm mới có một lần (hiếm như Thánh Nhân xuất hiện vậy). Lời này sâu sắc hết chỗ nói.
Tỳ Vị luận của Đông Viên chính là biện về nội thương, ngoại cảm vậy. Hiểu sâu các chứng phát nhiệt do đói, no, nhàn, nhọc, đều là nội thương, tất thuộc loại thương hàn, tuyệt không được phép phát hãn. Xem thấy nội thương nhiều, ngoại cảm ít, chỉ nên ôn bổ, chẳng cần phát tán. Nếu ngoại cảm nhiều, nội thương ít thì trong ôn bổ gia một ít phát tán, lấy Bổ Trung Ích Khí thang làm chủ, gia giảm tuỳ chứng. Như người nội thương, kiêm cả thương hàn, dùng phương này gia thêm Ma hoàng. Nếu kiêm thương phong thì gia Quế chi, kiêm thương thử thì phương này gia Khương Hoạt. Thật là vạn thế lợi ích vô cùng vậy. Đông Viên đặc biệt phát minh môn phát nhiệt do dương hư này, nhưng mà thế gian người chân âm hư phát nhiệt có đến 6,7 phần mười, cùng với thương hàn không khác, trái lại chẳng biết luận làm sao.
Người thời nay, vừa thấy phát nhiệt, tất nói thương hàn, nên dùng phát tán, phát tán làm chết người. Từ đó nói như pháp thương hàn đã cùng mạt rồi, biết nói sao đặng! Sao không biết ngoài sự phát minh của Đan Khê, còn có nhiều sự chỉ dạy khác. Tôi từng thấy âm hư phát nhiệt đến mức đại nhiệt, miệng khát, mặt đỏ, phiền táo, lấy Lục Vị Địa Hoàng đại tễ, vừa uống là đỡ. Như thấy phần dưới ghét lạnh, chân lạnh, phần trên khát thậm, phiền cực, hoặc muốn uống mà lại nôn, liền lấy Lục Vị Địa Hoàng thang gia Nhục Quế, Ngũ vị, thật nặng thì gia thêm Phụ tử, vừa uống dưới yết hầu lập tức yên. Tôi từng dùng cách này cứu sống người nhiều lắm, đâu giám giữ lại làm bí quyết riêng sao! Nhân đó chế quyển “Bổ Thiên Yếu Luận” bổ xung chỗ người xưa không để lại, cầu mong các vị cao minh sửa chữa thêm cho thì thật là may mắn lắm, may mắn lắm! Đơn cử một chứng thương hàn miệng khát để nói. Nhiệt tà nhập vào phủ Vị, tiêu hao tân dịch nên khát, sợ vị trấp cạn (vị trấp là dịch nơi dạ dày, coi là gốc của tân dịch), cho uống gấp để bảo tồn tân dịch. Thứ nữa là thấy nói khát muốn uống chẳng thể không cho, nhưng không thể cho uống nhiều, cuối cùng chẳng có phép trị ổn thoả. Dù có trị thì cũng lại đều lấy Kim Liên, Tri Bá, Mạch Đông, Ngũ vị, Thiên Hoa Phấn, nặng thời dùng Thạch Li, Tri Mẫu để chỉ khát, đây đều là thuỷ hữu hình, để thêm vào hỏa vô hình, lại có thể đủ nhuận chân âm trong thận được sao? Nếu dùng đại tễ Lục Vị Địa Hoàng cho uống, khát này hết ngay. Làm sao đến mức truyền đến Thiếu Âm, mà thành các chứng táo, thực, kiên được. Đã thành các chứng táo, thực, kiên thì Trọng Cảnh bất đắc dĩ dùng Thừa Khí thang để hạ đi. Đó là bá thuật, quyền nghi mà thôi. Nhưng cứ khăng khăng có sự cấm kỵ với người hư, già, yếu, nên lấy Đại Sài hồ mà phạt. Đào Thị lấy Lục Ất Thuận Khí thang mà phạt. Sao lại dùng hai thang này dễ dàng quá vậy? Phạt rồi mà bớt chứng, làm chết người cũng nhiều lắm, huống là không đỡ lại đến 8,9 phần mười. Lúc đó nên dùng đại tễ Lục Vị Địa Hoàng cho uống, kết quả tuy chậm nhưng lợi ích vô cùng. Huống hồ âm hư phát nhiệt, tiểu tiện tất ít, đại tiện tất thực (táo rắn). Chứng như trước, miệng khát, phiền táo, so cùng thương hàn không khác. Thừa Khí thang kia bất quá như nhân hầm hố bị hoạ mà thôi, cái hạ kia là theo cái khí của chân âm. Tôi nay xét thẳng vào nguồn của chân âm mà bổ, như cho cam lộ vào hố hạn khô, thổ mộc đều đang cần, trong khoảnh khắc làm thanh lương cả thế giới vậy, có gì mà không được vậy! Huống hồ thận thuỷ vốn hư, lại qua sau một lần tả hạ, vạn phần không có một phần lý sống, phải cẩn thận, cẩn thận. Tôi vì sợ có điều này, cho nên nói ra rõ trong “Bổ Thiên Yếu Luận”.
Đào Tiết Am cũng hiểu chân lý này nên có nói từ khí mà đến huyết, huyết quay lại khí, dùng Đại Thừa Khí thang để hạ. Còn từ huyết mà đến khí, khí quay lại huyết, thì dùng Sinh Địa Hoàng, Hoàng liên thang làm chủ. Hai thang này đều không thật đúng. Đây là ngược với Thừa Khí thang, lại cùng với Tam Hoàng Thạch Ly thang làm biểu lý với nhau. Cái này là dùng cho hư hoả cả tam tiêu bào lạc vậy. Bệnh đã nguy cấp, chỉ lấy thang này để giáng hoả trong huyết thôi. Họ Đào lấy huyết làm “âm”, nên mới nói vậy. Tiếc ở chỗ không biết chỗ chí lý của chân âm, chân dương vậy.
Tóm lại biết đúng là dương hư tất dùng Bổ Trung Ích Khí thang, biết đúng là dương hư trực trúng tất dùng Phụ tử Lý Trung thang. Biết đúng vì âm hư tất dùng Lục Vị Thận Khí thang, biết đúng vì âm hư vô hoả, tất dùng Bát Vị Thận Khí thang. Trong đó còn có loại giả chứng tựa âm, tựa dương, tất dùng phép tòng trị. Dùng hàn nhân nhiệt không thể hiểu sai chút ít nào, dùng lấy bổ chính khí làm chủ, không thể công tả. Chính khí đắc lực tự sẽ đuổi hàn tà ra. Mồ hôi ra mà đỡ, một chút “công” người Nhân không ưa vậy. Bách chiến bách thắng, người giỏi đánh, không đánh mà khuất phục quân của người, là khéo trong khéo vậy. Cho nên nói “Thiện chiến giả phục, thượng dã” (Người thiện chiến lấy thu phục làm đầu – Lão Tử).