- NỘI KINH THẬP NHỊ CUNG LUẬN
“Tâm” là cung của “quân chủ”, nơi “thần minh” sinh ra vậy.
“Phế” là cung của “Tướng truyền”, từ đây có sự điều tiết.
“Can” là cung của “tướng quân”, mưu lược từ đây sinh ra vậy.
“Đởm” là cung của “trung chính”, tính quyết đoán sinh ra từ đây vậy.
“Đản trung” là cung của “sứ thần”, nơi sinh ra hỷ lạc vậy.
“Tỳ vị” là cung của “thương khố (kho lương)”, nơi ra của Ngũ vị.
“Đại tràng” là cung của “truyền đạo (đường truyền)”, biến hoá ra từ đây.
“Tiểu tràng” là cung của “thụ thịnh”, hoá vật từ đây mà ra vậy.
“Thận” là cung của “tác cường”, kỹ xảo từ đây ra vậy.
“Tam tiêu” là cung “khơi thông”, nơi ra của “thuỷ đạo” vậy.
“Bàng quang” là cung “châu đô”, nơi tàng “tân dịch” vậy, khí hoá có thể xuất ra vậy.
Phàm 12 cung này phải không được sai lệch vì chủ sáng thì hạ yên, lấy đó dưỡng sinh tất thọ, suốt đời không nguy (mỏi mệt), coi như thiên hạ đại xương (hưng vượng) vậy. Chủ bất minh tất 12 cung nguy, sứ đạo bế tắc bất thông, hình bị tổn thương nặng, như thế là đạo dưỡng sinh bị nạn (ương). Xét tổng thể là đại nguy. Phải giữ gìn! Phải giữ gìn!. Đạo ở chỗ tinh diệu, biến hoá vô cùng, ai biết được gốc này, khốn thay! Để mất sẽ mắc nạn, ai biết yếu lĩnh này hãy nên lo thương xót, ai là người hay, mệnh số trong lúc hoảng hốt, sống ở hào ly, số ở hào ly, khởi từ mảy may, thành ngàn thành vạn, được đại lợi ích, hãy suy xét kỹ từ đó mà chế ứng vậy.
Đây là văn của Nội Kinh.
Xem chú văn của Nội Kinh, tức lấy tâm làm chủ. Ngu si mà nói thân người chẳng có một chủ khác không phải là quả tâm, gọi là cung của quân chủ. Cùng với của 12 cung là bình đẳng, chẳng thể độc tôn cung “tâm” làm chủ. Nếu lấy cung của “quả tâm” làm chủ, thì đoạn văn sau đó “chủ bất minh tắc thập nhị cung nguy” phải nói là “thập nhất cung nguy” chứ. Lý này rất rõ, chẳng nhẽ lời chú của Nội Kinh lại mê muội vậy sao? Cho nên (khuyết thiếu) vì đây chính là gốc của khí huyết, là cửa của sinh tử, là giường mối của 12 kinh. Làm thầy thuốc không thông đạt điều này biết nói sao đây? Hoặc giả hỏi “tâm” đó không phải là chủ mà quân chủ là khẩn yếu của thần, như vậy chủ là vật nào? Là kinh nào? ở chỗ nào vậy? Tất có lời hỏi như vậy! Nếu có vật có thể chỉ, có hình có thể thấy thì người ta đã đều được biết. Duy có là vô hình, vô vật cho nên thánh hiền cổ kim nhân lấy “tâm” lập luận, mà chẳng thể chỉ thẳng ra được.
Xét kỳ thực, điều nhất quán của Khổng Giáo, điều tinh tuý là cái lẽ “chấp trung”, duy có Tăng Tử và Tử Cống là được truyền, mà đương nhiên cả hai ngài đều lấy tâm mà “ngộ”, chứ chẳng phải ngôn truyền. Nếu lấy ngôn truyền, thì bấy giờ mọi người đều cùng được nghe, thì đã chẳng có lời hỏi vì sao chỉ có Tử Tư khéo truyền mà làm sách “Trung Dung”, là “tính” của thiên mệnh, lấy trung(trúng) làm gốc lớn, mà kết cục đều là không tiếng, không mùi. Mạnh Tử “bất động tâm hữu đạo”, mà gốc ở khí hạo nhiên. Mà hỏi đến khí Hạo Nhiên, cũng lại nói là “khó nói lên được”. Đạo đức kinh của họ Lão nói: Hang Thần bất tử là cái cửa nhiệm màu là gốc của tạo hoá. Lại có lời “hoảng hoảng, hốt hốt trong nó có vật”, “Tâm Kinh” nhà Phật nói: “Không trung vô sắc, vô thụ, tưởng, hình, thức, vô nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý”. Lại nói “Vạn pháp quy nhất”, vậy nhất quy về chỗ nào? Ta phù cái nhất ấy cũng là “trung”, cũng là “tính”, là “hạo nhiên”, là “huyền tẫn”, là “không trung”, đều là cái “hư danh” vậy. Bất đắc dĩ mà gượng gọi đó thôi. Chỗ lập ngôn, đều có thể lấy hư danh mà luận. Chí ư, hành nghề y giúp đời, lấy vị nào là vị thuốc quân chủ, mà có thể làm giường mối trị bệnh cả thân người đây.
Tôi một ngày kia gặp một vị cao Tăng mà hỏi thì: “Tự tâm là Phật, vậy Phật ở trong ngực sao?. Tăng đáp không phải, trong ngực chỉ là “cục thịt” tâm. Có một “chân như” (bất biến) tâm là Phật. Lại hỏi Tăng “chân như tâm có hình trạng thế nào? Tăng nói “vô hình”. Tôi lại hỏi, nó giữ ở chỗ nào? Tăng nói ở bên dưới cái “tưởng”. Tôi nói như thế là có thể nói rõ vậy. Nhân bàn về các sách Nội Kinh, cùng đồ hình người, hoát nhiên siêu ngộ, lẳng lặng mà lui. Nay đưa 12 kinh hình cảnh đồ theo thân mà thị hiện ra khiến cho người học theo đồ hình mà khảo sát. Căn cứ vào chỗ hữu hình để cầu cái diệu ảo của vô hình thế là được rồi vậy. Đặc biệt truyền nói rõ đồ hình ở phía sau.
Tạng phủ nội cảnh: Đều có khu biệt: yết, hầu hai khiếu đều ra từ khoang dạ dày, trên đường biến hoá. Hầu ở phía trước chủ xuất ra, yết ở phía sau chủ nuốt vào. Hầu gắn với khoảng cứng liền với cuống phế, là đường khí thở, hô hấp ra vào. Phía dưới thông với khiếu của tâm, can, lấy kích các mạch mà hành, là đường quan yếu của khí. Yết gắn với hàm mềm, dưới tiếp gốc của yết là đường ăn uống, nước, thức ăn đều xuống đó rồi vào dạ dày, là cửa biển vận lương vậy. Hai đường vận hành chẳng chướng ngại nhau. Thức ăn uống tất qua khí khẩu mà xuống. Khí khẩu có một lá chắn. Khi ăn, uống qua yết lá chắn buông xuống, lỗ khuyết đóng kín, nên thức ăn vào yết chẳng phạm vào hầu. Khi nói hoặc hô hấp, tất lá chắn mở rộng (lá chắn gọi tiểu thiệt). Đương ăn mà nói, thức ăn theo khí rơi vào khiếu hầu, sẽ bị ho sặc. Dưới hầu là phế, hai lá sạch trong, gọi là hoa cái, cũng gọi là cái tạng, rỗng như lỗ tổ ong. Phía dưới không có khiếu cho nên hít được đầy, thở ra sẽ rỗng không. Một hít, một thở, có gốc, có nguồn không cùng tận vậy. Vận chuyển khí trong, khí trọc, là ống bễ của thân người vậy.
Dưới phổi là tâm, tâm có hệ vây bọc (bào lạc), trên nối với phổi, phổi nhận thanh khí dưới như chảy giọt, kéo dài mà tròn, sắc đỏ, trong đó có các khiếu (lỗ) nhiều ít khác nhau. Trên phổi thông với lưỡi, dưới không có khiếu thông. Dưới tim có tâm bào lạc, tức là đản trung, giống như cái chén ngửa, tim ở trong đó, “chín tầng đoan cung, tịch nhiên bất động”. Phàm các tạng phủ tỳ, vị, can, đởm, hai thận, bàng quang đều có một hệ nối, nối với bào lạc ở bên để thông vào tim. Khoảng này có một bể khí, tích ở trong ngực, đi ra ở hầu họng, nó theo mạch tâm mà làm việc hô hấp (vùng trung thất), tức như sương mù vậy. Nếu ngoại tà can phạm, sẽ phạm vào bào lạc, không thể phạm đến tâm. Tâm bị phạm tắc tử.
Phía dưới đây có cách mô (cơ hoành cách) cùng với cơ sườn, nách bao quanh, ngăn khí trọc, không cho xông lên tim, phổi, phía dưới cách mô có gan, có cái một lá, có cái 2, 3 lá, bên trên nó cũng nối với tâm bào, là bể của huyết. Can trên thông với mắt, dưới cùng không có khiếu. Ở lá ngắn của gan có mật (đởm) gắn vào. Đởm có dịch (trấp) được giữ lại, không đổ ra. Hầu là một khiểu của đởm, cho khí vận hoá, nung nấu lưu hành mà thành mạch lạc như thế. Từ yết đến vị dài một thước 6 thốn, thông từ dạ dày đến yết môn. Dưới yết là hoành cách, dưới hoành cách là dạ dày để nhận thức ăn, để nấu nhừ. Bên trái nó có tỳ, ở cùng một màng với dạ dày nhưng phủ ở trên, màu như gan ngựa (đỏ tím) hình như lưỡi liềm. Nghe có tiếng động, động xoa vào dạ dày, tiêu hoá thức ăn. Bên trái của dạ dày có tiểu trường (ruột non), sau giáp xương sống, vòng vèo qua lại, đổ vào hồi trường, bên ngoài gắn với rốn, cộng cả là 16 khúc. Ruột rộng (ruột già, đại trường) gắn vào da (bẹo), nhận của hồi trường, vòng trái nhiều vòng, nối vào đường thải tiện uế. Bên trái quảng trường là bàng quang, là phủ của tân dịch. Thức ăn vào dạ dày, tân dịch đi lên, phần tinh tuý hoà vào huyết mạch, để thành cốt tuỷ. Phần thừa của tân dịch chảy vào phần dưới, được khí của tam tiêu (mệnh môn hoả) biến hoá, tiểu trường thấm ra, bàng quang thấm lấy, mà nước tiểu xuống vậy.
Phàm là dạ dày làm chín thức ăn, tinh khí của nó từ cửa trên của dạ dày, gọi là tư môn truyền vào phế, phế phân vào các mạch, cặn bã từ cực dưới của dạ dày gọi là u môn, truyền vào tiểu trường, đến cửa dưới của tiểu trường gọi là lan môn, rồi lại chia ra, thanh khí ra khỏi tiểu trường, rồi vào bàng quang. Vật cặn bã truyền vào đại trường. Bàng quang đỏ trắng trong suốt, trên không có cửa nhập, chỉ có cửa dưới, đều dựa vào khí hoá của tam tiêu mà thi hành (làm việc). Khí không thể khí hoá tất bế cách, bất thông mà làm bệnh vậy. Một khiếu yết này, là tài nguyên để sinh khí huyết, chuyển hoá tao phách (cặn và tinh phách) xuất nhập như vậy.
Tam tiêu, thượng tiêu như sương mù, trung tiêu như bong bóng nước, hạ tiêu như kênh rạch, hữu danh mà vô hình, chủ trì các khí, lấy tượng là tam tài. Cho nên hô hấp lên xuống, thức ăn tiêu nhừ đều nhờ nó mà thông đạt, làm biểu lý với mệnh môn. Thượng tiêu ra ở cửa vị, theo yết môn, từ trên hoành cách phân bố vào trong ngực đến nách, theo phần của thái âm (kinh), mà truyền tinh khí của ngũ cốc vào phế, rồi phế chia đi các mạch, tức đản trung là bể khí vậy. Trung tiêu tại dạ dày, không trên không dưới, chủ yếu làm chín thức ăn, chia tinh thô tao phách nấu tân dịch, biến hoá cái tinh vi của nó đổ vào phế mạch, lại hoá thành huyết dịch, để nuôi thân, chẳng gì quý hơn. Tức là phần khí động ở trong thận, phi hữu phi vô, như ảnh trên bóng nước, như hoa trên sóng vậy. Hạ tiêu như kênh rạch, khí của nó khởi ở khoang dạ dày (hạ của vị), rồi qua hồi trường, chảy vào bàng quang. Bàng quang chủ xuất mà không nạp vào, tức là cung của châu đô, khí hoá tất có thể xuất ra tức là hạ tiêu vận hoá vậy.
Thận có hai quả, là nhà của tinh, ở dưới đốt sống thứ 14, hai bên đều cách 1 thốn 5 phân, hình như viên đậu hồng, cùng như ẩn dưới lớp mô, có mỡ vàng trong. Thận trong trắng, ngoài đen, đều có đeo hai nhánh liên hệ, nhánh trên nối với tâm bào, nhánh dưới qua huyệt Bình hướng đến da thịt phía sau. Hai thận đều thuộc thuỷ, nhưng một bên thuộc âm, một bên thuộc dương. Người Việt nói bên tả là thận, bên hữu là mệnh môn là không phải. Mệnh môn ở giữa hai thận, cách mỗi thận 1 thốn 5 phân, là trung tâm của thân người. Kinh dịch nói một dương bị hãm trong hai âm. Nội kinh nói: bên cạnh đốt sống số 7 có một tâm nhỏ tên gọi mệnh môn, là chân Quân, chân Chủ, cũng là thái cực của thân người. Nó không có hình để thấy, giữa hai thận là chỗ ở yên của nó. Bên hữu nó có một khiếu nhỏ tức tam tiêu. Tam tiêu là cung sứ thần của nó (mệnh môn), theo lệnh mà làm việc, đi khắp ngũ tạng, lục phủ không ngừng, gọi là tướng hoả. Nói như vua trời vô vi mà trị, tể tướng thay trời hành hoá. Cái hoả tiên thiên vô hình này, khác tâm hoả hữu hình hậu thiên. Bên tả của mệnh môn có một khiếu nhỏ là chân âm, chân thuỷ khí vậy, cũng là vô hình. Trên nó đi đến da, đến tuỷ não làm bể tuỷ, tiết ra tân dịch, đổ vào mạch làm vinh, nhuận tứ chi, trong tưới cho ngũ tạng, lục phủ. Nó cũng theo tướng hoả (tam tiêu) mà lưu hành khắp thân. Chân âm, chân thuỷ khí, khác với thuỷ hậu thiên, hữu hình do hai thận làm chủ. Nhưng hoả vô hình của mệnh môn ở trong khoảng hai thận hữu hình, làm hoàng đình (như trung ương). Cho nên với cái chân của ngũ tạng, duy lấy thận làm gốc.
Chử Tề Hiền nói: Người ta khi mới thụ thai, cái đầu tiên thấy duy có mệnh môn, có mệnh môn rồi sau sinh tâm, tâm sinh huyết. Có tâm rồi mới sinh phổi, phổi sinh da lông. Có phế sau mới sinh ra thận, thận sinh xương tuỷ. Có thận, tất cùng với mệnh môn hợp lại mà hai số (âm dương cơ ngẫu) đã đầy đủ, là lấy thận có hai đường nhánh (hai thận). Vậy như thế có thể thấy mệnh môn là chủ của 12 kinh. Không có nó thận không thể tác cường, nên kỹ xảo chẳng sinh được. Bàng quang không có nó, khí tam tiêu chẳng hành hoá được mà thuỷ đạo cũng sẽ không thông. Không có nó tỳ vị không thể nấu nhừ thức ăn, nên Ngũ vị chẳng thể sinh ra. Can, đởm không có nó thì tướng quân không quyết đoán mà mưu lược cũng chẳng sinh ra. Đại, tiểu tràng không có nó cũng chẳng thể biến hoá mà đại, tiểu tiện sẽ bế tắc. Tâm không có nó tất thần minh sẽ hôn mê chẳng thể ứng với vạn sự được. Chính vì thế mới nói: “Chủ bất minh tất 12 cung nguy vậy”. Ta có bệnh, bệnh ấy xem như đèn lồng kéo quân vậy, người lậy, người múa, cái bay, cái chạy, không gì không đủ. Trong đó duy chỉ có một ngọn đèn. Lửa to tất quay nhanh, lửa nhỏ tất quay chậm. Lửa tắt tất im lìm bất động, lạy kia, múa kia, bay kia, chạy kia tựa như chưa từng có vậy. Cho nên nói thân anh chẳng phải sở hữu của anh, là cái hình trời đất cho mượn vậy. Tôi sở dĩ nói đi nói lại tất muốn làm rõ cái lập luận này. Ở đời dưỡng sinh trị bệnh nhất định phải lấy mệnh môn làm quân chủ mà thêm chú ý vào một chữ “hoả”. Phàm đã nói đến cái cửa để lập mệnh (mệnh môn) thì “hoả” lại càng phải xem là chí bảo (cực báu) của thân người. Đời nào mà dưỡng sinh lại không biết bảo dưỡng, tiết dục mà ngày đêm làm tổn thương “hoả” này. Trị bệnh không biết ôn dưỡng cái “hoả” này mà lại dùng hàn, lương để diệt thẳng “chân hoả” mà mong có sinh khí hay sao? Kinh nói: “Chủ không sáng tất 12 cung bị nguy”. Nên làm thế mà dưỡng sinh tất gặp tai hoạ. Cẩn thận! Cẩn thận!. Tôi nay chỉ thẳng con đường về nguồn mà nêu rõ. Hoả của quân chủ (mệnh môn) là hoả ở trong thuỷ, làm căn cứ chứ chẳng thể rời xa. Khi thấy hoả có dư, duyên do chân thuỷ không đủ, một chút cũng không dám khử hoả, chỉ được bổ thuỷ để phối hợp với hoả, làm mạnh chủ của thuỷ để đè sức sáng của chân dương. Khi hoả không đủ nhân đó mà thấy thuỷ có dư, cũng chẳng cần tả thuỷ mà cần bổ hoả trong thuỷ, làm lớn gốc của hoả (ích hoả chi nguyên) để tiêu âm tễ. Cái gọi là gốc và chủ, đều thuộc cái huyền diệu của tiên thiên vô hình, chứ chẳng phải nói tâm là hoả mà gốc ở can, nói thận là thuỷ mà chủ nó thuộc phế, chúng đều là vật hữu hình hậu thiên mà thôi. Cần có hoả vô hình phối hợp với thuỷ vô hình, cần xét tìm sào huyệt của quân chủ mà cầu, đó là vì đồng khí tương cầu nên dễ được vậy. Nên nói biết yếu quyết này, một lời là xong, cho nên phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả nhập vào thân ta đấy đều là khí khách mà thôi, chứ chẳng phải chủ khí. Chủ khí vững, khách khí chẳng thể vào. Nay bàn về chữa bệnh đều biết khách mà trừ đi, mà chẳng chú ý đến chủ khí ra làm sao. Thấy hoặc có nói làm bền chủ khí thì lại lấy tỳ, vị làm chủ của thân. Nên biết: Khôn thổ do Ly hoả sỉnh ra, còn Cấn thổ lại thuộc Khảm thuỷ sinh ra. Rõ chỗ này thì chẳng riêng biết thứ tự nguồn sâu của y học, mà cái đạo thống của Thánh hiền lại cũng từ đây mà không bị mê muội vậy. Nên có thể nói nhất quán rằng: Hạo nhiên ư, minh đức ư, huyền tẫn ư, khổng trung ư, thái cực ư, đều là một “hoả” này mà thôi. Là thánh, là hiền, là Phật, là tiên bất quá đều là trở về được toàn vẹn cái “hoả” này vậy. Tiêu Tử Tư luận: Muốn nói rõ cái chưa tỏ từ thiên cổ cần cẩn thận chớ có nói quanh co. Hệ từ (thuộc chú giải Kinh dịch) nói: Dịch có Thái cực, sinh ra lưỡng nghi. Chu công sợ người ta không rõ mà chế ra thái cực đồ (hình đồ thái cực), vô cực mà là thái cực. Vô cực là thái cực chưa phân ra. Thái cực chính là âm dương đã phân chia rồi vậy. Một chữ trung chia ra thành thái cực. Chữ trung là tượng hình là hình của thái cực. Nhất nét là cái kỳ diệu của Phục Hy, một nét mà tròn, tức là vô cực, được gọi là tiên thiên thái cực, tức thiên còn chưa sinh, đều thuộc vô hình. Vì sao Phục Hy vẽ một nét, mà Chu Công lại hoạ thành đồ hình , lại đi vào hình tích vậy? Nói như vậy là bất đắc dĩ mà có khai thị cho người sau. Phàm là người ta do nhận chỗ giữa trời đất mà sinh, cũng là gốc có đủ hình thái cực ở trong thân người. Nếu chẳng chiếu nơi hình mà khảo sát, sợ chẳng thấu triệt sự ảo diệu này. (Sách thiếu hình tượng đồ).
Hai thận đều thuộc thuỷ, trái là âm thuỷ, phải là dương thuỷ. Lấy thận bên phải là mệnh môn là không đúng, mệnh môn ở giữa hai thận. Bên trái mệnh môn có một vòng đen nhỏ là huyệt của chân thuỷ, bên phải mệnh môn có một khuyên nhỏ trắng là huyệt của tướng hoả. Một thuỷ, một hoả này đều vô hình, đêm ngày đi ngầm không nghỉ. Hai thận ở trong thân người hợp thành đồ hình thái cực. Từ trên đếm xuống là đốt sống thứ 14, từ dưới lên là đốt sống thứ 7. Tôi nhân dựa vào đồ hình người cổ bằng đồng, vẽ một hình tượng mà cái diệu của thái cực trên thân người hiển nhiên có thể thấy được. Có phải là “hiểu sự” chăng? Cũng là bất đắc dĩ thôi. Hãy thử nói về mệnh môn. Mệnh môn ở trong thân người đối xứng với rốn, gắn trên da xương. Từ trên đếm xuống ở đốt sống thứ 14, từ dưới đếm lên ở đốt thứ 7. Sách Nội Kinh nói: Cạnh đốt sống thứ 7 có một tâm nhỏ, chỗ này có gửi hai thận, bên trái có một thận thuộc âm thuỷ, bên phải có một thận thuộc dương thuỷ, đều cách một thốn năm phân. Khoảng giữa là cung trụ của mệnh môn tức khuyên trắng trong thái cực đồ. Bên phải của nó có một khiếu trắng nhỏ đó là tướng hoả, bên trái của nó có một khiếu đen nhỏ là chân thuỷ của thiên nhất (thuỷ trong nhất dương). Một thuỷ, một hoả này đều thuộc khí vô hình. Tướng hoả phụng mệnh của mệnh môn, chân thuỷ lại tuỳ theo tướng hoả. Từ giờ dần đến giờ thân đi ở dương phận 25 vòng (25 độ), từ giờ dậu đến giờ sửu hành nơi âm phận 25 vòng. Chúng ngày đêm đi vòng trong khoảng ngũ tạng, lục phủ, trệ tất sinh bệnh, dừng tất chết. Ở đời, nam, nữ lúc giao cấu, trước có hoả hội về, sau rồi tinh tụ lại nên nói hoả đến trước thuỷ. Đời người, trước sinh hoả mệnh môn, đây là lời của Chử Tề Hiền, nói điều này đầu tiên. Người đời nói do tinh cha, huyết mẹ là sai. Nam, nữ lấy hoả làm đầu, nam nữ đều có tinh. Nhưng con trai là trong dương có âm, lấy hoả làm chủ. Con gái là trong âm có dương, lấy tinh làm chủ. Nói âm tinh, dương khí thì được. Nam nữ giao hợp, hai khí này giao tụ, về sau mới thành hình. Thành hình đều thuộc hậu thiên vậy.Trăm hình hài của hậu thiên dù đầy đủ, nếu không có một điểm hoả khí tiên thiên, tất cả sẽ bị tiêu diệt hết. Vì vậy mới nói: “chủ không sáng tất 12 cung nguy khốn”. Hoặc lại hỏi rằng: Như lời nói trên đây, thì tâm là vật vô dụng sao? Thánh hiền đời xưa đều lấy chính tâm, dưỡng tâm, tận tâm để giáo huấn, mà tiên sinh chỉ muốn lấy ngoài tâm để nói đạo. Sợ rằng cái đạo ở ngoài tâm kia chẳng phải là chí đạo vậy. Tôi nói: Xem thật kỹ kinh văn, thì sẽ tự hiểu được thôi. Kinh nói: Chỗ xuất ra thần minh có quan hệ rất trọng yếu, há lại là vô dụng ư? Sao lại chẳng quan sát, như nơi triều đình kia, điện Hoàng cực là nơi bậc quân vương theo đường sáng ban ra phép trị vậy. Cung Càn Thanh là chỗ quân chủ nghỉ ngơi khi đêm khuya vậy. Nói đến điện Hoàng Cực cũng có thể như nói về thân của quân chủ. Bởi vì, nguyên dương quân chủ có thể dùng để ứng xử, tiếp vật, đều theo nơi tâm mà khởi kinh luân. Vì vậy lấy tâm làm chủ, chỉ cực ở chỗ “thê thân dưỡng tức” (gìn giữ sự chân tĩnh), mà làm gốc rễ cho sự sinh sinh, hoá hoá. Chỉ tàng giữ ở nơi hai thận, cho nên xem trọng thận, kỳ thực chẳng phải thận, mà cũng chẳng phải tâm vậy.