- ÂM DƯƠNG LUẬN
Cái lý của âm dương biến hoá vô cùng, chẳng thể kể hết, vì vậy chỉ đưa ra những điều cốt yếu để nói mà thôi. Thân người ta nói về âm dương, hoặc là chỉ thiên địa, hoặc chỉ khí huyết, hoặc chỉ càn khôn. Đây là cái thể của sự tương đối vậy. Kỳ thực thì dương thống nhiếp âm, trời bao bọc đất, huyết theo khí, cho nên thánh nhân làm dịch, ở càn tất nói lớn thay càn nguyên (lớn thay gốc thiên càn), thống nhiếp cả trời. Ở khôn tất nói “chí tai khôn nguyên” (khôn nguyên cực hay) có thể thuận theo trời. Cổ nhân khéo theo nghĩa kinh dịch nên trị bệnh huyết, trước cần lý khí, mất huyết phải ích khí, cho nên mới có luận: “bổ huyết không dùng tứ vật thang”. Như chứng hư phát nhiệt, lập phương bổ huyết thang lấy: Địa hoàng 1 lạng làm quân, Đương quy 4 tiền làm thần. Khí được nhiều mà huyết được ít làm cho dương sinh âm trưởng. Lại như mất huyết cực nặng, thế muốn thoát, lấy độc sâm thang đun nhanh cho uống. Độc dùng khí dược là lúc này vậy. Cái huyết hữu hình chẳng thể sinh ngay, một chút khí thôi có thể đảm đương việc cấp, làm cho vô hình sinh ra hữu hình. Đó là cái diệu của âm dương, nguồn gốc đều ở vô vậy. Cho nên mới nói: Vô danh là cái mở đầu của trời đất. Sự sinh tử, tiêu trưởng, âm dương cần điều độ. Sao người ta có thể dám làm tổn hại nó đây. Thánh nhân tài bồi cho sự sinh hoá của trời đất, phụ cùng cơ nghi của trời đất, mỗi gắng làm việc nhỏ, phù dương, ức âm, mới có việc lo trước 7 ngày tới còn chưa xong việc mà chuẩn bị đủ quần áo. Phòng lúc chưa xảy ra, trị lúc chưa bị bệnh vậy. Đương nhiên có sinh, có già, có bệnh, có bệnh mà chết, người ta chẳng thể miễn trừ. Nhưng thời gian này có thọ, yểu, dài ngắn khác nhau. Đạo y của Hoàng Đế, Kỳ Bá do đó mà mở ra. Thần Y nếm thuốc, chiếu theo âm dương mà phân ra hàn, nhiệt, ôn, lương, toan, khổ, hàm (mặn). Phân cái cay, ngọt (tân, cam) thuộc dương, cái ôn, nhiệt thuộc dương, thứ hàn, lương thuộc âm, toan, khổ (chua, đắng) thuộc âm. Dương chủ sinh, âm chủ sát. Nên có thể nói muốn xa cái “sát” mà được “sinh”, thứ ngọt, ấm nên dùng, thứ cay nóng nên dùng, làm cho cùng bước tới chỗ gió xuân sinh trưởng. Cần tránh dùng các vị khổ hàn. Chẳng những chỉ không dùng thứ đắng, lạnh mà đến thứ mát (lương) cũng dùng ít thôi. Vì những thứ mát đó là khí của mùa thu, mà vạn vật gặp gió thu đều không lớn nữa. Hoặc thời đương mùa hạ, thử tà nhập vào hoặc ăn uống sai, dùng thứ cay, nóng sẽ thành tật (nhiễm trùng), thì tạm thời lấy đắng, lạnh (khổ, hàn) mà dùng, đúng bệnh tất dừng, nhưng cuối cùng cũng không phải là vật phẩm Tố sinh (giúp sự sinh tồn). Ở đời, người quen dùng các vị hàn, lương, nghe lời tôi tất thấy quái lạ. Hãy thử nghĩ mà xem, cái lợi này lớn lắm. Phàm nếu là kẻ sĩ tôn trọng sự sinh, chẳng cần ép ăn, chẳng cần đạo dẫn, chẳng cần thể nạp. Có thể hiểu rõ chuyện sinh tử, có mấy lời này: cửa sinh, cổng tử; bất sinh tất bất tử. Người thượng căn đốn ngộ vô sinh, cái ta thiếu chẳng gì bằng quả dục (cắt ham muốn). Chưa chắc chắn trường sinh, nhưng có thể lui bệnh. Trái lại mà cầu, người ta chết, do cầu sống người ta bị bệnh (do ở dục). Công thật cao là trị khi chưa có bệnh, công thấp là trị khi đã bị bệnh. Đã bị bệnh rồi tìm cho ra gốc của bệnh, do ở bất cẩn, phải gấp phòng xa, tuyệt hẳn thị dục. Ngăn được mấy điều này là được. Người đời muốn lấy “ăn” để cầu trường sinh là mê hoặc vậy. Thậm chí hàng ngày dùng thuốc bổ, lấy sức thoả dục, tất là sai càng nặng vậy.
Trên trời. dưới đất, âm dương đã định vị. Nhưng khí đất mỗi giao với trên, khí trời mỗi giao với dưới, cho nên thiên địa được thái. Khi thiên địa bĩ, thánh nhân tham xét trời đất, có cái chỉ dẫn chuyển bĩ thành thái. Thí như khí dương bị hạ hãm, dùng thuốc vị bạc khí khinh. Nếu như dùng loại Thăng ma, Sài hồ dùng nâng lên, làm cho địa đạo dâng lên theo bên trái, mà sẽ thăng thẳng lên tới chín tầng trời. Nếu âm khí không xuống được dùng các thứ bẩm thu khí, túc sát làm chủ, như loài cù mạch, biển bức, để đè mà xuống thì làm cho đường thiên đạo vòng bên phải, nhập vào chín tầng đất. Nên dùng bổ trung ích khí thang, mãi mãi lợi vô cùng. Chẳng cần phải giáng, làm khí trong thăng lên, thì khí trọc tự giáng xuống vậy.
Xuân thu, sớm tối là cửa ngõ âm dương. Một năm xuân, hạ là dương, thu, đông là âm. Trong tháng thì sau ngày mồng 1 là dương, sau ngày rằm là âm. Một ngày, ban ngày là dương, ban đêm là âm. Lại chiếu theo 12 thời mà phân vào âm dương của ngũ tạng. Thầy thuốc tất cả đều dựa vào đó để hiểu rõ căn nguyên của bệnh mà trị bệnh.
Xuân, hạ, thu, đông, chẳng cứ hôm nay còn đang mùa hạ, cần lấy căn cứ vòng chính mà lập (vòng mặt trời). Lúc đông chí, nhất dương sinh, hạ chí nhất âm sinh. Hai ngày chí này là tối quan yếu. Cái đến cùng cực, âm cực sinh dương, tuyệt xứ phùng sinh, từ không mà có. Dương cực sinh âm, theo có mà không. Dương biến, âm hoá chẳng giống nhau. Như xuân phân, thu phân, chẳng qua là theo mức trung bình mà chia ra mà thôi. Đương nhiên cái quan trọng nhất riêng tại đông chí, cho nên Kinh Dịch nói: Tiên vương lấy ngày chí mà bế quan(đóng cửa). Hai chữ “bế quan” nên nhìn cho rộng. Quán Nguyệt Lệnh nói: Nguyệt trai (ngày trai trong tháng) giữ giới hộ thân, để định âm dương chia định rõ ràng, tất không dừng lệnh đóng cổng chợ vậy.
Hoặc lại hỏi: Đông chí nhất dương sinh, đang dần đến ấm hoà, vì sao tháng chạp tiết đại hàn? Trái lại băng tuyết rất nhiều. Hạ chí nhất âm sinh nên hướng dần về thời tiết mát mẻ, vì sao tiết tam phục nóng nhừ, cái nóng dữ càng thịnh? Nhưng cũng có nói rằng cái tương lai sẽ tiến, cái thành công rồi sẽ lui, ẩn vào mé bờ nhỏ nhoi, chưa dễ mà sáng ra vậy. Như là khí dương quay về dưới, bức khí âm ở trên. Nước giếng khí chưng lên mà băng cứng như vậy. Khí âm thịnh ở dưới, bức khí dương lên trên, nước giếng bị lạnh mà sấm chớp hợp lại. Nay người bị bệnh, mặt hồng, miệng khát, phiền nhiệt, hen ho, ai chả nói hoả thịnh cực rồi. Nào ai hay là vì trong thận hàn âm bức bách. Mà lấy thuốc hàn lương cho dùng mà chết, tôi không biết đã thấy bao nhiều trường hợp như thế rồi. Oan thay! Oan thay!
Lấy ngày sóc, ngày vọng mà chia âm dương trong tháng. Ngày mồng 1 là tử phách, ngày âm cực dương sinh. Ngày 13 vào kỳ vọng, 15 tất đầy tròn, dần đến ngày 20 về sau, vành trăng hư trống, nước biển chảy về đông. Khí huyết con người cũng theo như thế. Nước kinh của người nữ như thời trăng mà đầy, đầy tất tràn. Âm tới cực mà thiếu dương sinh, mới có thể làm mẹ, cho nên ngày vọng về trước thuộc dương.
Dương bệnh tất ban ngày nặng mà đêm nhẹ , dương khí và bệnh khí theo nhau mà vượng. Âm bệnh tất ngày nhẹ mà đêm nặng, âm khí cùng bệnh khí cùng vượng. Nếu như bệnh dương hư tất ban ngày nhẹ, bệnh âm hư tất ban đêm cũng nhẹ đi. Âm dương đều về phận của mình nên người trị bệnh nên định được thời, nhận được bệnh, nếu là lúc chưa phát bệnh, đón trước mới là hay. Như Tôn Tử dùng binh, ở nơi hang núi tất lấy suối sâu, ở nơi đất sông tất giữ cửa bến. Nếu đúng vào lúc phát mạnh, cần tránh cái sắc nhọn của nó, lựa thế mà giết, nên đánh khi nó mỏi mệt, sợ ngày rộng giữ lâu. Trái lại ở cái bệnh khác, đến độ khi ngày khi đêm, lúc bệnh lúc dừng, vậy là chẳng theo thời là chứng thuần hư, lại phải chẳng câu lệ vào ngày hay đêm, nên dùng thuốc bổ để nuôi chính khí, như tại sông bằng đất rộng, chỗ đồng trống ngàn dặm. Lại lấy 12 thời phân phát cho ngũ tạng lục phủ, từ tý đến ngọ hành ở dương phận, từ ngọ đến hợi hành ở âm phận. Trọng Cảnh nói: Lúc muốn giải bệnh của kinh Túc Thiếu Dương là từ tý đến dần, thừa lúc dương đạo mới hanh thông ấy mà đưa vào, thuốc dễ nhập. Cho nên Trọng Cảnh trong Thương Hàn Luận, theo thời chia ra để trị, không thể không khảo cứu.
Năm, tháng, ngày, giờ đều nên chia âm dương, cái này chỉ là một đại lược thôi. Riêng vận khí năm Giáp Tý, Nội Kinh tuy có nói nhưng mãi mãi không nghiệm. Thời đó Đại Náo (Đại Nghiêu) làm giáp tý, tức là lấy năm ấy, tháng ấy, ngày ấy, giờ ấy để mở đầu, thống ký là đều từ đó, như thế, chưa chắc có thể suy thẳng tới thượng cổ giáp tý, năm, tháng, ngày, giờ để làm gốc lịch. Nội Kinh đặc biệt rõ vận khí cho nhiều khác biệt, bệnh của dân cũng cho thấy có nhiều khác biệt. Người đọc Nội Kinh cũng chẳng thể chập lệ vậy. Chữa bệnh như Thống Lịch của Đại Minh, sự tuyển chọn đã định vậy, có thể tin sao? Không thể tin sao?
Dương có một mà thực, âm có hai mà hư. Cái âm hai (- -) ấy là từ nhất dương (─) mà chia ra, cho nên mặt trời thì toàn vẹn, còn mặt trăng thì khi vơi khi đầy. Người ta mới sinh, thuần dương vô âm, nhờ Quyết âm của mẹ bú mớm mà âm mới sinh. Đối với con trai tới 16 thì tinh mới thông, tới 64 thì tinh đã tuyệt. Con gái thì 14 kinh nguyệt mới hành, 49 tuổi thì kinh sẽ tắt. Cái âm của thân người chỉ cho 30 năm thụ dụng, nên có thể thấy “dương thường có dư, âm thường không đủ”, huống chi thị dục thì nhiều, tiết dục thời ít, cho nên từ trẻ đến già, bỏ công sức bổ âm một ngày cũng không thể thiếu. Cái chữ âm này là chỉ “âm tinh” mà nói, chẳng phải nói âm huyết. Ngày nay lấy thang Tứ Vật bổ âm là nhầm vậy. Vương Tiết Trai nói: người thuỷ hư mà thành bệnh chiếm 8, 9 phần mười, hoả hư thành bệnh chỉ 1, 2 phần mười. Ý này cực kỳ hay vậy. Chử Thị Trung nói: Nam tử âm đã hao, mà nghĩ tới sắc dục để giáng tinh, tất tinh chẳng xuất mà bại trong người, đường tiểu tiện sẽ bị són như bệnh lậu. Dương đã liệt mà lại kiệt tất đại, tiểu tiện dắt đau, càng đau càng tiện, càng tiện càng đau. Xem lời của hai ông Vương, Chử, trong âm có thuỷ, có hoả, người thuỷ hư rất nhiều, người hoả hư cũng không ít. Chưa có tinh để chảy đã hư, mà nguyên dương lại có thể một mình bảo toàn, huống là âm dương cùng làm gốc này. Vì vậy phàm bổ âm nên lấy dương làm chủ, đã là vô dương thì âm cũng không sinh ra vậy.
Nam tử ôm dương mà đèo âm, nữ tử ôm âm mà đèo dương. Thân người chẻ giữa chia âm dương, phải trái. Con trai bên phải thuộc hoả mà cũng là khí, trái là thuỷ mà cũng là huyết. Phụ nữ trái thuộc hoả, phải thuộc thuỷ. Phàm người bị phong liệt một nửa, đàn ông đa phần bị bên trái, đàn bà bị bên phải. Há chẳng phải thuỷ không thể thiếu sao?
Đây là lời bàn rộng về cái lý của âm dương, có cái diệu của âm gốc và dương gốc, gốc này sâu xa không cùng tận. Cái lẽ âm dương cơ hồ sắp mất. Người ta bàn về âm dương đều nói khí huyết thật vậy. Cần phải biết rõ hoả là gốc của dương khí, thuỷ là gốc của âm huyết. Hay xem xét trong khoảng trời đất, mặt trời là tinh của hoả. Vì vậy khí (gió) theo nó. Mặt trăng là tinh của nước nên thuỷ triều theo nó. Tuy nhiên cái âm dương, thuỷ hoả này lại cùng ra từ một gốc, sớm sớm theo lệnh mà hành, đêm đêm quay về chờ mệnh (phục mệnh), quay vòng chẳng hề ngưng nghỉ. Chúng cùng đi chẳng rời xa nhau, chỉ vì ra cùng một gốc nên chẳng rời xa nhau. Bởi vì âm, dương lại là gốc của nhau, gốc dương ở âm, gốc âm ở dương. Không dương tất âm không thể được sinh, không âm, tất dương không thể hoá đạo. Từ dương mà dẫn âm, từ âm mà dẫn dương, đều là cầu cái cùng thuộc tính mà cầu đến cùng một cái gốc sâu vậy. Người đời thì chỉ biết khí huyết là âm dương, mà không biết thuỷ, hoả là gốc của âm dương. Có thể biết thuỷ hỏa là gốc của âm dương lại ngộ nhận tâm thận là chân thuỷ, chân hoả. Cho nên, đạo này vì thế mà chẳng sáng, chẳng hành được vậy. Thử quan sát trên trời, Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ, 5 sao hiện đủ, mà mặt trời, mặt trăng, hai thứ chiếu sáng, chiếu rõ không gian, khắp trong trời đất chẳng là chân âm, chân dương sao? Như thân người, Tâm, Can,Tỳ, Phế, Thận, ngũ hành đều có, mà còn có cái chuyển vận đầy khoảng ngũ tạng, lục phủ, đó là vật gì? Có tướng hoả vô hình hành 25 vòng dương phận, thận thuỷ vô hình hành 25 vòng nơi âm phận, mà gốc của chúng vốn ở tiên thiên thái cực. Điều này nói là chân thực. Cái đã thực hữu hình, đều là hậu thiên, đều không phải là chân thực, không phải là gốc. Nói như cái cây vậy, gốc là chỗ cành lá sinh ra vậy.
Đã có chân âm, chân dương sao lại nói giả âm, giả dương? Nói như vậy tựa như đúng mà lại sai, đa số làm cho người ta hiểu lầm, chẳng thể không biết. Như người đại nhiệt phát táo, miệng khát, lưỡi táo, chẳng phải dương chứng ư? Tôi thấy sắc mặt đỏ, rõ chứng dương nhưng khi bắt mạch, thì xích nhược, vô lực, thốn quan lớn rõ mà không có trật tự. Đây là chứng âm hư ở dưới, bức dương ở trên, là chứng giả dương. Tôi lấy thuốc giả hàn, theo tính nó mà đánh, khoảnh khắc thời bình. Như người sợ lạnh, thân không thể rời chăn, áo, chân tay quyết lạnh, chẳng phải âm chứng ư? Tôi thấy sắc mặt trệ, bắt mạch thấy … sáp, rít, xem thấy chậm mà có lực, đây thuộc chứng giả hàn, hàn nơi da thịt mà nhiệt nơi xương tuỷ. Tôi dùng tễ tân lương, khí ấm chuyển vận ra nhiều mồ hôi là khỏi. Đây là do chân khí không vững, cho nên cái giả được thế làm loạn chân. Cái giả dương là thực chẳng đủ, mà biểu hiện có đủ. Cái giả âm là có dư, mà thị hiện không đủ, vì thế mà biết là giả vậy. Nếu không có thuật dựa vào thuộc tính của bệnh, bệnh đó có thuốc phòng, thuốc đánh cũng không thể vào được.
Kinh nói: nương theo cái chủ của nó, trước phải rõ nguyên nhân, mới đầu tất dị mà sau cùng lại đồng, có thể đuổi tà mà quy về chính vậy. Có những người thiên lệch về âm hay về dương, đây là bẩm khí vốn có. Người quá dương (thái dương), tuy mùa đông chẳng cần áo ấm, miệng thường uống nước, sắc dục vô độ, mấy ngày mới đi đại tiện. Cầm, Linh, Tri Bá, Đại Hoàng, Mang tiêu uống cũng chẳng sợ. Người thái âm, tuy nóng mà cũng không rời áo ấm, ăn uống hơi lạnh đã đau bụng đi ngoài. Sâm, Truật, Khương, Quế chẳng muốn rời miệng. Có muốn “làm việc”, loay hoay mãi chẳng nổi. Hai loại người này đều bẩm thụ âm dương thiên lệch.
Với việc bàn chữa bệnh, đều thường chấp vào thiên tính này mà nhìn lệch lạc xem là toàn thể, thường làm uổng công, tuy có loại đó, chớ có toàn tin nó, là cái hại của thiên lệch, làm hại người nhiều lắm. Nay vì người chữa bệnh, xét cái tệ của thiên lệch, mà chế một phương không hàn, không nhiệt cho đời làm giường mối (làm tông), lấy làm vương đạo trong việc chữa bệnh. Há chẳng biết, người ta khi thụ bệnh, do thiên lệch mà bị: cảm với hàn tất thiên về hàn, cảm với nhiệt tất thiên về nhiệt. Cho uống tễ chẳng hàn, chẳng nhiệt, thì sao chẳng bổ sung được chỗ thiên lệch để cứu cái tệ đây. Bởi vì lấy hàn trị nhiệt, lấy nhiệt trị hàn, cái hay tốt của phương này chính là mực thước vậy. Nhưng mà lại nói, khổ hàn đưa nhiều, mà nhiệt được chứa cháy hết, cái cay nóng dùng lâu thì cái trầm hàn ích cho tư dương biết làm sao đây? Nói thế là không biết cái tính phụ thuộc của âm dương vậy. Kinh nói: những cái hàn mà nhiệt được thu bởi âm, những cái nhiệt mà hàn được thu bởi dương. Cho nên nói là cầu tìm theo cùng thuộc tính vậy (cùng tính tìm nhau). Cái lý này duy có Vương Thái Phó có thể hiểu đến cùng cực. Sách Chú nói: hàn mà không hàn là vô thuỷ, nhiệt mà không nhiệt là vô hoả vậy. Khi vô thuỷ cần làm mạnh chủ của thuỷ (tráng thuỷ chi chủ) để nén dương quang. Khi vô hoả, làm lợi nguồn của hoả để tiêu cái âm tệ, mở cái huyền diệu, đạt đến cái lý ở ngoài mực thước, để mở cái nguồn cho vạn đời y học vậy.
Cái âm, dương đều là hư danh, thuỷ, hoả là cái lý của vật (tính lý), hàn nhiệt là dâm khí (tà khí) trong tự nhiên. Thuỷ hoả là chân nguyên của người ta. Dâm khí vào gây tật (bệnh nhiễm), có thể dùng thuốc hàn, nhiệt. Còn chân nguyên đến lúc bệnh, tất phải lấy thực thuỷ, thực hoả (chân thuỷ, chân hoả) mà điều chỉnh. Đương nhiên, chẳng tìm theo cái thuộc tính (cầu kỳ thuộc), thì đưa cũng không vào. Tiên thiên thuỷ hoả vốn cùng thuộc một cung (cung mệnh môn). Hoả lấy thuỷ làm chủ, thuỷ lấy hoả làm nguồn. Cho nên muốn thu được âm phải tìm thuỷ ở trong hoả (chân âm, gốc âm) sẽ không bao giờ kiệt. Muốn thu được dương, phải tìm hoả ở trong thuỷ, sẽ sáng mãi không tắt. Bệnh đại hàn, đại nhiệt cũng được bình vậy. Thầy thuốc thiên lệch hàn, nhiệt kia chẳng thể nói cùng vậy. Đến mức Cao Sĩ trên đời làm sách còn ngộ nhận thuỷ hoả là tâm thận, thì chẳng lạ chi bọn hậu nhân bàn nói lao xao vậy.