- HUYẾT CHỨNG LUẬN
Khách có hỏi, tôi nói: Chứng thất huyết, nguy cấp kinh người, chạy chữa ít có hiệu quả. Hoặc là đột ngột đến mà khoảnh khắc là đi, hoặc tạm dừng, mà chung cuộc đều chết. Dám hỏi có một phương nhất định có thể thu được lợi ích vạn toàn hay không? Tôi nói: chưa thể chấp nhất mà luận vậy, xin nói cho đầy đủ.
Phàm là huyết chứng, nên phân âm, dương, có âm hư, có dương hư. Dương hư bổ dương, âm hư bổ âm, đây là phép trực trị người ta đều biết vậy. Lại có chân âm, chân dương, gốc dương ở âm, gốc âm ở dương. Chân dương hư theo âm mà dẫn dương, chân âm hư theo dương mà dẫn âm. Lại có giả âm, giả dương, tựa đúng mà sai, làm người ta sai lầm nhiều lắm. Hai chữ chân, giả này, đời xưa chưa giảng rõ, khắp đời nay cũng chưa được nghe. Nhưng nói tạp bệnh thì không thể không biết, mà tại “huyết chứng” lại càng hệ trọng, các vị có biết hay không?
Đã phân âm, dương lại nên chia ba nguyên nhân, phong, hàn, thử, thấp, táo,hỏa là ngoại nhân vậy (ăn quá sinh lãnh, phát sốt, no say vô độ là ngoài mà là trong vậy). Hỷ, nộ, ưu, tư, khủng là nội nhân (lao tâm, háo sắc là trong của trong vậy). Trượt ngã, trọng thương… không nội nhân, không ngoại nhân vậy. Đã chia ba nguyên nhân, nhưng tất lấy âm dương của thân thể làm chủ yếu. Hoặc âm hư mà hợp với ngoại nhân, hoặc dương hư mà hợp với nội ngoại nhân. Phàm âm dương hư là ở chính khí của ta bị hư. Ba nguyên nhân là ở nơi tà khí bên ngoài có dư, tà có thể lăng loạn, tất là do khí của ta đã có hư. Chẳng trị cái hư này, lại hỏi cái dư ấy sao?
Khách hỏi rằng: Hỏa từ dưới nóng lên, hỏa táo của thử nhiệt, chắc là có vậy sao lại có các chứng của phong hàn? Trả lời rằng: Khí của lục dâm, đều có thể hại người,thì thử, nhiệt chỉ chiếm 1, 2 phần mười thôi, táo hỏa chiếm một nửa, phong hàn chiếm một nửa, mà sau khí hỏa táo thốt nhiên lại quay về hư hàn được. Sách Nội Kinh nói: Hỏa mà thái quá, viêm thử lưu hành, phế kim bị hại dẫn đến bị huyết dật (thừa xung), huyết tiết (chảy máu). Lại nói kinh Thủ Thiếu Dương, hỏa khí phát ở trong, huyết dật, huyết tiết là khí hỏa có thể làm người ta thất huyết. Mà cũng nói, kinh Thái Dương là trên trời mà hàn dâm lại quá mạnh, huyết sẽ biến loạn ở trong, dân bị bệnh thổ huyết, huyết tiết nhiều thật là đáng thương. Lại Thái Dương ở dưới suối hang (tại tuyền), hàn dâm quá mạnh, dân bệnh huyết hiện ra, là hàn khí có thể làm cho người ta bị thất huyết vậy. Lại nói Thái Âm (dương) tại tuyền bị thấp dâm đánh bại, dân bệnh huyết hiện là khí thấp có thể làm cho người ta thất huyết vậy. Lại nói Thiếu Âm chính đính như trời, thủy hỏa, hàn nhiệt giữ cho các khí giao hòa. Bệnh nhiệt sinh ở trên, bệnh lạnh sinh ở dưới, hàn nhiệt lăng phạm cũng làm cho người ta bị thất huyết. Thái Âm chính đính như trời, khí mới đầu phong, thấp tranh nhau, dân bị bệnh huyết dật, là phong thấp đánh nhau mà huyết dật vậy. Lại nói khi kim thái quá, táo khí lưu hành, dân bệnh đột ngột ho nghịch, nặng thì huyết dật, là táo khí cũng có thể làm người bị huyết dật vậy. Sáu khí dâm đều có thể làm cho người ta bị huyết dật, có riêng gì hỏa đâu. Huống hồ lại có âm hỏa, dương hỏa bất đồng. Hỏa của nhật nguyệt chẳng giống hỏa của đèn, đuốc. Hỏa của lò với hỏa của Long Lôi lại cũng bất đồng. Lại có hỏa của năm chí quá cực, Kinh mà động huyết là hỏa khởi ở Tâm, Nộ mà động huyết là hỏa khởi ở Can, Ưu mà động huyết là hỏa khởi ở Phế, quá nghĩ nhớ mà động huyết là hỏa khởi ở Tỳ, lao nhọc mà động huyết là hỏa khởi ở Thận. Nếu có thể hiểu rõ một chữ hỏa thì cái lý của huyết đã nghĩ được quá bán rồi vậy.
Tiên sinh Lưu Hà Gian riêng lấy thử hỏa của lục khí, ngũ vận để lập luận, cho nên chuyên dùng hàn, lương để trị hỏa, mà người sau đua theo. Họ chẳng biết rằng, luận của Hà Gian là muốn đối giảng với thương hàn luận của Trọng Cảnh, đều là ý phát minh điều người xưa chưa phát đó thôi, chứ chẳng phải là thông luận cho tất cả các hỏa bất đồng vô cùng, vô tận vậy. Từ tiên sinh Đông Viên đưa ra luận hỏa của tỳ vị tất nên ôn dưỡng, mới cấm dùng thuốc hàn, lương. Từ khi tiên sinh Đan Khê đưa ra lập luận “âm hư hỏa động” cũng là đưa ra điều người xưa chưa nói. Đáng tiếc là hai thứ hoàn “Đại Bổ Âm” và “Bổ Âm Hoàn” của ông đều lấy Hoàng Bá, Tri Mẫu làm quân mà cái tệ dùng thuốc hàn lương lại lưu hành. Than ôi! Sách của Đan Khê chẳng dừng, thì Đạo của Hiên Viên, Kỳ Bá không sáng. Tôi đặc biệt soạn “Âm Dương Ngũ Hành Luận” để cố nói rõ hỏa không thể lấy thủy diệt đi, thuốc không thể lấy hàn để công vậy.
Tuy rằng lục dâm đều có thể gây bệnh huyết, nhưng trong đó riêng khí hàn gây bệnh rất nhiều, tại sao vậy? Vốn hàn thương vinh, phong thương vệ là lẽ tự nhiên. Lại hàn thủy của Thái Dương, thận thủy của Thiếu Âm đều dễ cảm hàn. Khi có cảm, trước nhập vào bì mao, phế của bì mao, thủy lạnh, kim hàn, phế kim bị trước. Huyết cũng là thủy, cho nên thủy và huyết trong kinh gặp hàn khí đều ngưng trệ, bất hành. Ho, suyễn đem đờm mà xuất ra, hỏi người này tất ghét lạnh, bắt mạch tất “khẩn”, nhìn vào vùng huyết (lưỡi, trong môi, trong mí mắt…) tất có các điểm tím hoặc đen. Đây đều là nghiệm chứng hàn nổi rõ vậy. Thầy thuốc không rõ chứng này, lại cho là âm hư, hỏa động, mà dùng bừa tễ Tư Âm Giáng Hỏa, thì bệnh càng nặng mà ngày chết càng gần. Tôi thường dùng thang Ma hoàng Quế chi cứu được nhiều người. Đều là uống vào, ra một chút mồ hôi là đỡ. Vốn mồ hôi và huyết cùng là một vật (thủy). Đoạt huyết sẽ không có mồ hôi, đoạt mồ hôi sẽ không đổ huyết (đoạt huyết giả vô hãn, đoạt hãn giả vô huyết). Tôi đọc “Lan Thất Bí Tàng” mà có được ý này nên ghi đủ để mong truyền rộng ra vậy.
Một người nghèo, ngày đông ở trong phòng rộng, nằm lò sưởi lớn, bị thổ huyết, xin tôi chữa. Tôi liệu người này đại hư nhược mà có hỏa, nhiệt ở trong. Trên khí bất túc, dương khí hư ở ngoài, nên bổ dương khí nơi biểu, nên tả hư nhiệt ở lý (trong), đó là phép trị. Ngày đông ở trong phòng rộng, áo chăn đơn mỏng, là hư nặng ở dương, biểu có đại hàn đánh át, trong thì tà của nhiệt hỏa chẳng được giải tỏa nên máu xuất ra miệng. Nhớ trước tác Thương Hàn Luận của Trọng Cảnh có đưa một chứng, Thái Dương bị thương hàn cần lấy Ma hoàng Quế chi thang phát hãn mà không dùng thành ra đổ máu cam (nục huyết). Lại liền dùng thang Ma hoàng liền khỏi. Độc có thương thử thổ huyết, đổ máu cam là có thể dùng cách của Lưu Hà Gian. Tất phải rõ chứng, mặt xám (diện cấu), miệng khát, thích uống, nôn khan, đau bụng hoặc không đau bụng, phát nhiệt hoặc không phát nhiệt (phát sốt), xem mạch tất hư, ra mồ hôi rất mạnh. Dùng Hoàng liên Giải Độc thang, nặng thì Bạch Hổ thang.
Kim Quỹ Phương nói: Tâm khí bất túc, thổ huyết, nục huyết, Tả Tâm thang làm chủ, Đại Hoàng 2 lạng, Hoàng liên, Hoàng cầm đều 1 lạng, nước ba thăng, sắc còn một thăng cho uống ngay. Đây chính là nói âm khí của Thủ Thiếu Âm kinh không đủ, dương hỏa của kinh này quá mức không có chỗ để thu vào. Phế và Can đều chịu cái hỏa này mà bị bệnh. Đến mức âm huyết đi càn, bay vượt qua, cho nên dùng Đại Hoàng để tiết đi cái hỏa quá mức, Hoàng cầm cứu Phế, Hoàng liên cứu can, làm cho hòa bình tất âm huyết tự quay về kinh.
Cứ ngu mà theo thử thương tâm, tâm khí đã hư cho nên thử khí thừa hư mà vào. Tâm chủ huyết cho nên thổ huyết, nục huyết. Tâm đã hư nên chẳng thể chủ huyết. Sợ chẳng nên quá dùng hàn lương để tả tâm, nên lấy thang Thanh Thử Ích Khí, gia Đơn Bì, Sinh Địa, Tê giác, Đại Hoàng mà trị. Đã là thử thương tâm, cũng lại thương khí, người này tất không có khí để động, mạch tất hư. Lấy Sâm trợ khí, làm cho khí có thể nhiếp huyết, điều này tất không sai vậy.
Khách lại hỏi: Đã nói nên phân âm dương, tất thổ, nục huyết là âm huyết bị bệnh, lấy Tứ Vật thang bổ huyết là đúng chứ? Sâm bổ khí thật, nên dùng, mà lại có lời là dương hư bổ dương là làm sao? Trả lời là: Ông đúng là bị chìm đắm vào thiển kiến của thế tục. Từ Vương Tiết Trai chế ra “Bản Thảo Tập Yếu”, có nói rõ âm hư thổ huyết, kỵ Nhân Sâm. Nếu dùng thì dương càng vượng mà âm càng tiêu. Người uống quá Nhân Sâm tất tử. Từ lúc Tiết Trai nói mà người đời từ người bị bệnh, đến người trị bệnh chẳng hỏi dương hư, âm hư mà đều tránh xa Nhân Sâm như tỳ độc vậy. Oan uổng làm sao! Cái lý ở trong trời đất, dương bao bọc âm, huyết đi theo khí, cho nên trị huyết tất trước cần lý khí. Thoát huyết trước tất ích khí, đó là sự diệu dụng của người xưa. Phàm bị nội thương thổ huyết không ngừng, hoặc do lao lực quá độ mà huyết hành, chảy như suối sóng, miệng mũi đều trào chảy. Không cứu trong khoảnh khắc tất chết. Dùng ngay 1 hoặc 2 lạng Nhân Sâm, cắt nhỏ, đun với một ít nước sạch thật đặc cho uống ngay, hoặc dùng độc sâm thang cũng được. Cổ phương thuần dùng bổ khí, không đưa huyết dược vào là vì sao? Bởi vốn thứ huyết hữu hình không thể sinh nhanh, còn cái khí vô hình là đang cần gấp. Vô hình tự có thể sinh hữu hình. Nếu có chân âm thất thủ, hư dương tràn ở trên cũng thổ huyết nhiều, nên dùng Bát Vị Địa Hoàng thang làm chắc chân âm để dẫn hỏa về nguồn. Đúng là không nên dùng Nhân Sâm. Đến khi hỏa đã dẫn về rồi, thì Nhân Sâm không còn bị cấm nữa. Âm dương không thể không biện rõ, mà trước sau cần phân minh cho thật sáng suốt, để cứu được người.
Phàm là sau khi thất huyết, tất đại phát nhiệt, gọi là huyết hư phát nhiệt. Cổ phương lập Đương quy Bổ Huyết thang dùng Hoàng Kỳ 1 lạng, Đương quy 6 tiền, tên gọi bổ huyết mà lấy Hoàng Kỳ làm chủ, là dương vượng có thể sinh âm huyết vậy. Như Đan Khê ở bệnh Sản hậu phát nhiệt, dùng sâm, quy, khung, hắc khương làm tá. Hoặc hỏi rằng Can khương cay nóng, cớ sao lại dùng? Trả lời: Khương vị cay, có thể dẫn huyết dược vào khí phận mà sinh được huyết mới, thật là tài tình. Nếu chẳng rõ lý này, thấy đại nhiệt 6 mạch hồng đại mà dùng sai tễ để phát tán, hoặc lấy giống chứng thang Bạch Hổ mà dùng nhầm Bạch Hổ thang, lập tức nguy kịch, phải cực cẩn thận.
Khách lại hỏi rằng, dương có thể bao âm, đã vâng nghe, thương hàn thổ huyết cũng vâng nghe rồi. Nhưng trừ thương hàn ra, hoặc ghé thuốc hàn lương chẳng thể gia 1, 2 chút ít để sát cái hỏa khí. Đến mức như các thứ cay nóng lấy hỏa đưa hỏa, sợ vừa uống vào mà xung thẳng lên không dừng được thì làm sao? Nên hòa bình mà giữ trung dung để tránh báng oán thì sao? Nếu như Đan Khê, sản hậu dùng Can khương là vì có sương bẩn ngưng lưu, cho nên dùng Can khương để hóa cái ứ này đi, chưa chắc đã là điển yếu. Tôi thấy tiên sinh trị huyết chứng, chẳng riêng không dùng hàn lương mà trái lại thường dùng thuốc đại cay nóng, thành công lớn rất nhiều, chẳng phải vương bá sao? Nói lời của ông, là do không đọc sách cổ, chưa tới chí lý, chẳng thể mong cứu sống mạng người. Hãy kiểm các danh ngôn mà cổ nhân đã nghiệm tất sẽ thấy rõ vậy.
Kim Quỹ Phương nói: Thổ huyết không dừng, Bách Diệp thang làm chủ. Bách Diệp, Can khương đều 2 lạng, ngải 3 nắm, lấy nước 5 thăng, lấy nước giải ngựa (Mã Thông) 1 thăng, hợp lại nấu lấy 1 thăng mà uống.
Phàm thổ huyết không ngừng là khí huyết đều hư, hư tất sinh hàn cho nên dùng Bách Diệp sống ở hướng tây, lại bẩm thụ cái khí sắc của Kim mà sinh nên có thể khống chế được can mộc. Mộc chủ thăng lên, kim chủ giáng xuống. Lấy thăng, giáng tương phối, thì đạo phu phụ sẽ hòa, tất huyết sẽ về tàng ở can vậy, cho nên dùng Bách Diệp làm quân. Can khương tính nhiệt, sao đen dừng mà không chạy, dùng để bổ cho huyết bị hư hàn. Cái ấm của lá Ngải có thể vào trong mà không làm nóng ở trên, có thể làm các khí âm, dương quay về trong để bổ cho cái hàn ấy, dùng hai vị này làm tá. Lấy Mã Thông là vì huyết sinh ở tâm, tâm thuộc dương Ngọ, nên dùng nước tiểu giống Ngọ chủ để giáng hỏa, tiêu huyết bị đình trệ, dẫn lĩnh việc đi (hành) là sứ. Chuẩn mực trị thổ huyết của Trọng Cảnh, vì thế mọi phương đáng được lưu tồn dài mãi.
Nhân Trai Trực Chỉ nói: Huyết gặp nhiệt tất tuyên lưu, cho nên cầm máu cần nhiều lương dược (thuốc mát). Tuy nhiên cũng có khí hư gặp hàn, âm dương chẳng giữ gìn nhau, vinh khí hư tán, huyết cũng đi sai.
Như lời “dương hư, tất âm chạy”, ngoài tất có cái trạng hư lạnh, phép nên ôn trung, làm cho huyết tự quay về kinh lạc. Có thể dùng Lý Trung thang gia Nam Mộc Hương, hoặc dùng Can khương, Cam thảo thang, hiệu quả rất rõ. Lại có ăn uống tổn thương vị hoặc vị hư không thể chuyển hoá, khí của nó ngược lên, cũng có thể thổ huyết, nục huyết. Mộc Hương Lý Trung thang, Can khương Cam thảo thang, các chứng xuất huyết chỉ mỗi thuốc chữa vị mà nên công.
Tào Thị Tất Dụng phương: thổ huyết nên nấu Can khương, Cam thảo làm thang để uống, hoặc Tứ Vật Lý Trung thang cũng được, chẳng gì không khỏi. Nếu dùng Sinh Địa, Hoàng Bá, nước Tinh Tre, đường sống càng xa. “Tam Nhân Phương” nói: Lý Trung thang có thể cầm được thương vị thổ huyết, lấy phương này cực đúng cho khoang dạ dày. Cần phân biệt âm dương, an định khí huyết. Nắm được người bệnh quả là thân chịu hàn khí, miệng chịu vật lạnh, tà nhập vào huyết phận, huyết bị lạnh mà ngưng, không về kinh lạc mà đi càn, huyết này tất hắc ám. Người sắc tất trắng yếu, mạch tất vi, trì, thân tất mát lạnh, không dùng Khương, Quế mà dùng lương huyết thì nguy. Vào công việc trị bệnh nên nắm cho chắc.
“Chử Thị Di Thư” nói: “Hầu có khiếu khái huyết làm thương người. Ruột có khiếu tiện huyết giết người. Tiện huyết có thể trị, khái huyết thì không dễ chữa”. Uống nước tiểu thì trăm người không chết một người. Phục thuốc hàn lương thì trăm người không sống được một người. Huyết tuy là loại âm, nhưng khi vận động là dương hoà phải không. Xem hai chữ “dương hoà” thì biết họ Chử đã đạt sâu cái diệu của âm dương vậy.
Hài Tàng nói: Trong ngực tụ tập cái tàn hoả, trong ruột tích Thái Dương đã lâu, trên dưới cách hẳn, mạch lạc đều chia, âm dương không thông. Dùng đắng nhiệt để định ở trong, cho cay nhiệt hành ở ngoài, thăng lấy ngọt, ấm, giáng lấy cay, nhuận. hoá nghiêm túc thành xuân ôn, biến lãm liệt thành hòa khí, ra mồ hôi là đỡ. Nhưng cái độc thừa như hạt vừng vẫn còn tồn tại, khắp thân dương hoà, mà còn chưa thật thư thái. Trong ngực còn hơi táo, nên muốn uống thứ mát. Do ăn phải thứ lạnh, uống tễ thuốc mát, dương khí lại tiêu, cái âm còn đó tái phát tác, mạch lui về nhỏ, huyển tế mà trì, kích lên mà làm thổ huyết, nục huyết là có thể. Tâm, phế bị tà, nên phía dưới đại tiện, tiểu tiện có huyết là có thể có. Thận, can bị tà, tam tiêu xuất huyết, sắc tím không tươi. Đây là mắc nặng hàn, thấp hoá độc, ngưng lấp đường thuỷ cốc, thấm, đổ mà thành. Nếu thấy chứng huyết không rõ gốc ngọn, lạm dụng lương dược, sẽ khó sống vậy.
Khách lại hỏi: Thổ huyết dùng tân, nhiệt là phù dương, ức âm, mới nghe là tin vậy. Nhưng lại có thuyết chân âm, chân dương, có thể xin nghe được không? Đáp rằng: Người đời nói về âm dương, thường quy về khí huyết là hết! Sao không biết hoả là gốc của dương khí, thuỷ là gốc của âm huyết. Tôi nói thuỷ và hoả lại không phải là nói tâm với thận. Thân người ngoài ngũ hành ra còn có cái hoả vô hình và thuỷ vô hình, lưu hành khắp lục phủ, ngũ tạng. Duy vì vô hình cho nên người đời mới không thấy biết. Thử ngắm trên trời, mặt trời là tinh của hoả cho nên khí , gió theo nó. Mặt trăng là tinh của thuỷ nên nước triều theo nó. Như nhà chiêm tinh xem xét ngũ hành, tất lấy Thái Dương, Thái Âm làm chủ. Nhưng cái thuỷ hoả vô hình mà lại có một thái cực làm chủ tể, cái vi ở trong vi vậy. Đây là chính khí của trời đất, người ta có được nó mà sinh ra, nên là cửa lập mệnh (mệnh môn). Gọi là Nguyên Thần, hoả vô hình, gọi là nguyên khí. Thuỷ vô hình gọi là nguyên tinh, đều gửi ở giữa hai thận. Cho nên nói trong năm tạng, duy có Thận là “chân” (chân thực). Chân thuỷ, chân hoả, chân âm, chân dương là nói điều này vậy.
Khách lại hỏi: Chân âm, chân dương với huyết có can hệ gì? Nói ngài đã biết huyết là huyết, mà chưa biết huyết còn là thủy nữa. Thân người ta, nước mắt, nước miếng, tân dịch, đờm, mồ hôi, nước tiểu, đều là thủy cả. Độc có huyết thủy, theo hỏa mà hành, cho nên sắc của nó đỏ. Chân thủy ở trong thận cạn, tất chân hỏa nóng (viêm), huyết cũng theo hỏa mà sôi bay. Chân hỏa trong thận mà suy tất chân thủy thịnh, huyết cũng không dựa vào được (hỏa sợ hàn) mà lên bừa. Duy có thủy, hỏa đặt đúng vị trí của nó mà khí huyết đều thuận khắp, cho nên lấy chân âm, chân dương làm chủ yếu.
Lại hỏi rằng: Đã là hỏa làm hại, chính nên lấy thủy trị nó, thế mà Tiên sinh độc nói không thể lấy thủy diệt hỏa. Trái lại, lại dùng thuốc cay nóng là sao đây? Ngài từng biết hỏa là hỏa mà chưa biết hỏa không phải đều giống nhau. Có hỏa ở trên trời. Như tháng nóng bị thương thử, mới có thể lấy nước giếng mà tưới gội, có thể lấy cái lạnh mát mà trừ đi. Như hỏa ở trong lò, gặp nước tất diệt. Trên thân người thì như hỏa của tỳ vị, tỳ vị không có hỏa lây gì để nấu nhừ thức ăn, để nuôi khắp cơ thể? Đến như tướng hỏa, hỏa long lôi là hỏa ở trong thủy. Long lôi hỏa được mưa thì càng mạnh mẽ, duy có mặt trời đã chiếu thì long lôi tự yên. Tới thu, đông, khí dương phục tàng, mà sấm mới im tiếng, rồng về biển lớn. Hỏa này không thể dùng nước để diệt, là nghĩa dùng tân nhiệt vậy. Ngày nay sách thuốc đều biết hỏa long lôi này không thể dùng thủy để diệt, không thể bẻ trực tiếp. Nhưng trừ nó đều nói, các loại Hoàng Bá, Tri Mẫu, thì cũng vẫn như cũ thôi! Thực là lấy thủy bẻ thẳng đó, làm khổ thương sinh trong thiên hạ nhiều lắm. Khổ thay!
Lại hỏi rằng: Hoàng Bá, Tri Mẫu đã cấm dùng, muốn trị hỏa ấy thì làm sao? Nếu theo luận ở trên, Lý Trung, Ôn Trung không khác, thì phép trị hà tất phải phân chân âm, chân dương ư? Trả lời: Ôn trung là lý trung tiêu, chẳng phải hạ tiêu, ở đây liên quan đến chân khí tiên thiên ở giữa hai quả thận nơi hạ tiêu, với thể hữu hình hậu thiên tâm, phế, tỳ thận, can chẳng chút tương can gì. Huống hồ các thuốc Can khương, Cam thảo, Đương quy đều không vào được thận kinh. Duy có Bát Vị Thận Khí hoàn của Trọng Cảnh mới là đúng chứng. Một thủy, một hỏa trong thận, Địa Hoàng là tráng chủ của thủy, Quế, Phụ làm ích nguồn của hỏa. Làm cho thủy hỏa ký tế (thủy hỏa giao hòa, nâng đỡ nhau). Như âm hư hỏa động mà nói, nếu trong thận giá lạnh, cung của rồng không thể yên ổn, nên rồng tất bất đắc dĩ du hành ở trên, cho nên huyết cũng theo hỏa mà đi càn. Nay dùng hai vị Quế, Phụ là hỏa thuần dương thêm vào Lục Vị thuần âm ở trong thủy, làm cho trong thận được ấm áp, như tháng đông mặt trời đến phủ chiếu vào đất, nước. Hỏa long lôi tự nhiên quay về nhà gốc (mệnh môn).
Không dùng hàn lương mà hỏa tự giáng, chẳng cần cầm máu mà huyết tự yên. Còn nếu như thủy trong âm (mệnh môn thủy) cạn mà hỏa nung nóng thì khử Quế, Phụ mà thuần dùng Lục Vị, là lấy bổ thủy cho phối với hỏa mà huyết tự an, cũng chẳng cần phải khử hỏa vậy. Tất cả là giữ hỏa làm chủ. Cái huyền bí của Trọng Cảnh suốt hơn ngàn năm đây, há có thể để hậu nhân dùng bút xóa đi một chữ sao?
Khách lại hỏi rằng: Nói giả hàn, giả nhiệt là như thế nào? Trả lời: Đây là trạng thái của thực bệnh (chân bệnh), hoặc là nhầm mà coi là giả. Kinh nói: Kinh Thiếu Dương đúng theo lẽ trời (tư thiên), thủy hỏa, hàn nhiệt ở khoảng khí giao nhau thì bệnh nhiệt sinh ra ở trên, bệnh hàn sinh ra ở dưới. Hàn, nhiệt lăng phạm mà tranh nhau ở giữa, người ta sẽ bị bệnh huyết dật, huyết tiết. Nội Kinh chỉ tạng phủ mà nói. Nói Thiếu Âm tư thiên là nói thận kinh vậy, phàm thận kinh thổ huyết đều là hạ hàn, thượng nhiệt. Âm thịnh ở dưới, bức dương có thể giả chứng ở trên. Người đời không biết mà làm sai lầm nhiều lắm. Tôi độc nhìn vào chỗ nhỏ bé này mà lấy giả hàn để trị, là nói giả đối giả vậy. Nhưng chứng này có hai thứ, có một loại là chứng Thiếu Âm kinh bị thương hàn, khí hàn tự xuống thận kinh, mà cảm thấy đau bụng dưới, hoặc không đau, hoặc ọe, hoặc không, mặt đỏ, miệng khát mà không thể uống nước, trong ngực buồn bực. Đây là Thiếu Âm kinh bị ngoại cảm thương hàn, nên dùng phép trị của Trọng Cảnh – Bạch Thông thang, uống liền đỡ ngay, không cần uống lại. Lại có một loại chứng là, chân dương thất thủ, mệnh môn hỏa suy, hỏa không về nguồn. Thủy thịnh mà bức hỏa này trôi nổi ở trên. Thượng tiêu ho suyễn, khí suyễn, ghét nóng, mặt đỏ, ọe nôn, đờm dãi lẫn máu, đây là do chứng giả dương. Nên dùng Bát Vị Địa Hoàng, dẫn hỏa về nguồn. Hai phương đây đều dùng thuốc đại nhiệt. Thảng hoặc có phương vô pháp, khí thượng tiêu phiền nhiệt rất nặng, lại lấy thuốc nhiệt cho uống, uống vào nôn ngay. Nên lấy nước để thăm dò lạnh. Nên lấy giả hàn để giữ, vậy thì sau khi uống, tính lạnh đã trừ, tính nhiệt bắt đầu phát, nhân đó mà nôn ọe đều trừ hết. Ở đây nên gia nước tiểu người, dịch mật lợn vào thang Bạch Thông. Dưới để thông cái ngăn cách của hàn. Dùng thang Bát Vị cũng lại như thế, thảng hoặc cho uống thuốc hàn, lương, khoảnh khắc chết ngay, phải thực cẩn thận.
Khách nói: Nói chân, giả thật quá tinh vi, tôi biết lấy gì để biện là giả mà biết đây? Lại làm sao để biết là thương hàn với thận hư mà chia biện? Nói rằng, ở đây chẳng thể dễ nói. Nếu muốn nhìn mà biết, là đã có thể thần ngộ, mà chẳng phải là mục (mắt) ngộ nữa. Nếu muốn nghe mà biết, là đã “nghe cái khí” mà chẳng phải lấy tâm cảm hợp nữa. Nếu muốn hỏi mà biết, là đã lấy ý mà hội, mà không thể tuyên truyền bằng lời. Nếu muốn bắt mạch mà biết, là đắc nơi tâm mà ứng nơi tay. Khó tất tại người, cha không thể truyền cho con vậy. Nếu tất muốn nói, nói lời bừa bãi sao?! Tôi biện theo lưỡi. Phàm có thực nhiệt, rêu lưỡi tất khô mà nám đen, thật nặng thì đen. Nếu là giả nhiệt lưỡi tuy có rêu trắng mà tất ướt. Miệng tuy khát mà không thể uống, uống nước bất quá một hay hai hớp, thật nặng uống vào nôn ra ngay. Mặt tuy đỏ mà sắc tất non đẹp. Thân thì buồn bực mà muốn ngồi trong bùn nước. Lấy đây mà biện rõ. Nếu là bị thương hàn, hàn bị từ dưới, phụ nữ bị chứng này nhiều, bí đại tiện, tiểu tiện, uống một tễ là đỡ, đây là bạo bệnh. Còn âm hư thì đại tiểu tiện đều lợi, thổ đờm nhiều, đây là âm hư, hỏa suy nặng, chẳng thể lấy một hai lần thuốc mà khỏi, nam, nữ đều bị cả. Nếu có thể dẫn được hỏa về, lại lấy Nhân Sâm… bổ dương, kiêm bổ âm, năm tháng điều lý, nếu như không tiết dục, cuối cùng tất cũng chết mà thôi. Tôi truyền như thế, cũng chỉ là cám bã mà thôi, chỉ mong con mình thu lấy ý mà bỏ lời, thế là được rồi.
Phàm trị huyết chứng, cần điều lý trước, sau. Nên chiếu theo ba kinh mà dùng thuốc. Tâm chủ huyết, Tỳ lý huyết, Can tàng huyết. Một thang Quy Tỳ là phương của ba kinh này. Viễn chí, Hạnh nhân bổ can để sinh tâm hỏa, Phục thần bổ tâm để sinh tỳ thổ, Nhân Sâm, Cam thảo bổ tỳ để vững phế khí. Mộc Hương, trước thuốc vào tỳ, tất cả làm huyết quy vào tỳ, cho nên gọi Quy Tỳ thang vậy. Có uất nộ thương tỳ, có tư lự thương tỳ càng nên dùng. Nếu hỏa vượng gia Sơn Ngùy, đơn bì, hỏa suy thì gia Đơn Bì, Nhục Quế. Lại có Bát Vị hoàn để bồi gốc của tiên thiên. Ngoài ra không có phép trị gì khác cả.
Tiết Lập Trai gặp tinh sĩ Trương Đông Cốc đàm đạo về Thời Mệnh. Ra sân giữa, bị thổ huyết một, hai ngụm, nói có chứng này đã lâu, gặp lúc vất vả là phát. Tôi cho là sự vất vả này thương tổn phế khí, huyết tất tán. Xem thì quả nhiên là vậy. Cho thang Bổ Trung Ích Khí gia Môn Đông, Ngũ vị, Sơn Dược, Thục địa, Phục thần, Viễn Chí, uống vào là khỏi. Sớm dậy xin gặp nói, uống Tứ Vật loại Hoàng liên, Sơn Ngùy, ra huyết thêm nhiều mà mệt thêm nặng. Được ông cho một chén, thổ huyết dừng ngay, tinh thần như cũ. Tại sao vậy? Họ Tiết nói: Tỳ thống huyết, Phế chủ khí,, đây là lao thương Tỳ, Phế đến mức huyết đi càn, cho nên dùng thuốc nói trước (Bổ trung ích khí thang), làm mạnh khí của Tỳ, Phế mà đưa huyết về nguồn.
Có người con trai phát ho, thổ huyết, nhiệt khát, đờm thịnh, ra mồ hôi trộm, di tinh… Dùng Lục Vị Địa Hoàng gia Môn Đông, Ngũ vị trị khỏi. Sau đó, do lao nộ, hốt nhiên nôn một cục huyết tím. Trước dùng Hoa Nhung Thạch tán, hóa huyết tím đi, lại dùng Độc Sâm thang, khỏi dần. Sau vất vả lại ho ra máu một, hai ngụm, ba mạch Tỳ, Phế, Thận đều hồng, sác. Dùng Quy Tỳ thang và Lục Vị hoàn mà khỏi hoàn toàn.
Có đồng tử tuổi 14, phát sốt thổ huyết, tôi nói nên bổ trung, ích khí, để tư hóa nguyên, không tin dùng. Dùng hàn lương giáng hỏa, chứng càng nặng. Mới nói với tôi rằng:”Đồng tử chưa có “lao thất” sao có thận hư?”. Tôi thuật lời của Đan Khê, thận chủ bế tàng, can chủ sơ tiết, hai tạng đều có tướng hỏa, mà nối với trên thì thuộc ở tâm, là vật để cảm, rất dễ động. Tâm động tất tướng hỏa hợp nhiên mà khởi lên. Tuy chẳng giao hội, tinh ấy cũng hao ngầm. Lại thiên Tinh Huyết của họ Chử nói: Nam tử tinh chưa đầy mà gặp nữ nhân, để thông tinh ấy tất ngũ tạng có chỗ bất mãn, ngày kia tất có tật dạng khó trị. Tất nên lấy bổ trung ích khí , lục vị địa hoàng mà chữa chạy.
Ngu ý mà nói rằng, chứng của đồng tử, nên xem khí phụ, mẫu tiên thiên, mà khí của mẹ làm trọng. Phàm kinh, phong, đậu, chẩn, thận hư phát nhiệt đều nên lấy mẫu khí làm chủ. Như mẫu có hỏa tất con có hỏa, mẫu tỳ hư, con tất nhiều bệnh tỳ. Mẹ hỏa suy, con tất từ nhỏ có chứng thận hư. Như là các chứng chậm mọc răng, chậm nói, chậm đi, thóp hở, thận cam, đều là tiên thiên bất túc. Từ thơ ấu mà điều bổ thì cũng có thể được. Bất tất phải nói như ở trên có âm tiết mới có huyết chứng. Thổ huyết, nục huyết cũng là huyết nóng ở trên, một cái xuất ra ở miệng, một cái xuất ra ở mũi là vì sao? Đông Viên nói: Nục huyết xuất ở phế, theo trong mũi mà ra, thổ huyết xuất ở vị, nôn ra thành bát, thành chậu. Khạc nhổ huyết, là huyết ra từ thận, huyết như chỉ hồng, trong đờm, trong dãi, ho khạc mà ra. Đờm, dãi ra huyết là xuất ở tỳ, trong dãi nhổ có ít huyết tán mạn lẫn vào. Đông Viên tuy là luận như thế nhưng chẳng riêng vì phế mà đổ máu cam, cũng có thể có ho huyêt, nhổ huyết, không riêng vị thổ huyết, can cũng thổ huyết. Vốn phế chủ khí, can tàng huyết, can không tàng được huyết, khí loạn từ trong hai sườn ngược lên mà ra. Nhưng tất cả là do thận thủy theo tướng hỏa đun nóng ở trên mà huyết ra vậy. Thận chủ thủy, hóa dịch của thủy làm đờm, làm nước bọt, làm huyết. Mạch thận trên vào phế, quanh hầu hợp vào gốc lưỡi, nhánh của nó theo phế đi ra bọc tâm bào lạc, đổ vào trong ngực. Cho nên đã bị bệnh, đều bị bệnh cả. Nhưng nục huyết là xuất ở kinh, nục đi theo đường thanh khí (khí nhẹ), thổ huyết xuất ở vị, thổ đi theo đường trọc khí. Hai ống hầu và yết bất đồng. Nói về kinh, huyết đi theo kinh , đi mà không giữ, theo khí mà đi. Hỏa khí nhanh gấp, cho nên theo kinh phạm thẳng vào đường thanh mà ra ở mũi. Cái mà không ra ở mũi, tất là vì ho, khạc. Từ khoang phế thì ra ở yết. Vị là doanh giữ huyết, giữ mà không chạy, tồn ở trong vị. Vị khí hư không thể nhiếp huyết, cho nên người bị ho, thổ, theo hầu mà ra ở miệng. Người ngày nay cứ thấy thổ, nục huyết, đều coi Tê giác, Địa Hoàng là thuốc tất cần dùng. Đúng hay là sai? Tê giác, Địa Hoàng cũng là một phương của nục huyết. Nếu âm hư hỏa động, thổ huyết với ho khạc, có thể tạm dùng có thành công. Còn nếu âm hư lao lực cùng tỳ vị hư thì chẳng nên. Tê giác vốn là thú ở nước. Đốt Tê có thể phân ra nước, có thể thông thiên. Mũi nục huyết, từ mạch Nhâm, mạch Đốc cho đến đỉnh đẩu vào trong mũi, duy có Tê Giác có thể nhập xuống thận thủy, do mạch thận mà dẫn lên. Địa hoàng là thứ tư âm, nên là đúng chứng, trong sách thuốc ngày nay đều có nói. Nếu không có Tê giác, lấy Thăng ma để thay. Tê giác, Thăng ma, khí, vị, hình, tính lại khác xa nhau, sao lại có thể thay được? Đây cũng có thuyết: Do hai mạch Nhâm và Xung là mạch thuộc Dương Minh Vị cũng vào trong mũi. Hỏa uất ở Dương Minh mà không được tiết ra, nhân đó thành huyết nục, cho Thăng ma có thể thay thế. Thăng ma là thuốc của kinh Dương Minh, nếu chẳng phải kinh Dương Minh nục huyết thì chẳng thể thay thế. Nục huyết cũng có do âm hư, hỏa suy, huyết này tất nhỏ điểm không thành dòng, nên dùng tễ tráng hỏa, không thể ẩu dùng Tê giác. Có khi bị thương hàn năm, sáu ngày, đẩu ra mồ hôi, thân thể không mồ hôi, mà lại cứng, tiểu tiện tự lợi, thích uống nước. Đây là chứng ứ huyết. Nên dùng Tê giác, Địa Hoàng thang, Đào Nhân Thừa Khí thang để trị ở giữa, Để Đương Thang hoàn trị ở dưới.
Có bệnh máu từ tủy răng, chân răng ra gọi chung là xỉ nục, cũng là chứng của hai kinh Dương Minh, Thiếu Dương. Thận cũng là chủ của xương, mà răng là ngọn của xương, chân của nó tất thuộc vị thổ. Lại răng trên đứng im bất động thuộc thổ, răng dưới động không dừng thuộc thủy. Phàm là bệnh của Dương Minh, miệng hôi không thể gần, gốc thịt thối rữa, đau không thể nhẫn chịu, hoặc máu chảy như suối mà răng không lung lay. Người tất rất háo nước, hoặc nhiều nóng bức… Trong cho uống Thanh Vị Thang, ngoài dùng Thạch Ly tán, nếu thật nặng thì uống Điều Vị Thừa Khí thang, đi ngoài phân đen là khỏi. Hoặc có ngực hư nhiệt dùng Bổ Trung Ích Khí gia Đan bì, Hoàng liên cũng được. Bệnh Thiếu Âm miệng không hôi nhưng phù động ( nổi động), hoặc thoát lạc xuất huyết, hoặc khe răng đau xuất huyết, hoặc không đau. Đây là hỏa thừa thủy hư mà xuất, uống An Thận Hoàn là xong. Tôi từng lấy Lục Vị Hoàn gia Cốt Toái Bổ chữa thủy hư có hỏa. Nếu vô hỏa thì dùng Bát Vị hoàn gia Cốt Toái Bổ, theo tay khỏi ngay. Ngoài lấy Hùng Thử Cốt tán mà bôi, răng lung lay lại chắc. Lại có đau răng thông lên tận óc, do Thiếu Âm thương hàn, dùng Ma hoàng, Phụ tử Tế Tân thang. Không thể không biết chứng cam trẻ em, ra máu miệng hôi, thịt ruỗng, dùng Lô Hội hoàn là chính.
Có khí nộ thương can, mà thổ, nục huyết, người này tất môi, mặt tái, mạch huyền, nên dùng Sài hồ Chi Tử Thanh Can tán. Có uất khí thương Tỳ, nên dùng Quy Tỳ thang gia Đơn Bì, Sơn chi. Suy rộng ra thì người đời nhân uất mà bị bệnh huyết rất nhiều. Phàm là uất đều gây bệnh cho Can. “ Mộc trung hữu hỏa”. Uất nặng tất hỏa không được thư thái, huyết không được tàng mà vọng hành (đi bừa). Nhưng một chữ “Úc”(uất), chẳng những nộ làm uất, ưu làm uất, nộ và ưu chắc là như một. Nếu người này hay có chứng hỏa của âm hư, ngoài vì phong, hàn, thử, thấp làm cảm, bì mao bế tắc, tức là úc. Úc thì hỏa không tiết được, huyết theo hỏa mà vọng hành, uất ở kinh lạc, tất theo mũi mà ra. Uất ở khoang dạ dày, tất theo nôn mà ra. Phàm có liên quan với uất, mạch tất rít sáp, người tất ghét gió, ghét lạnh. Người không biết dễ cho là hư mà ôn bổ, lầm vậy. Nên nhìn sắc mặt tất trệ, tất hay nhổ, hoặc đắng miệng, hoặc chua miệng. Chắc có các chứng như vậy, tất nên thư tán cái úc này là chính. Mộc uất tất điều đạt đi, hỏa uất tất phạt đi. Phương này lấy Tiêu Dao Tán là thuốc đúng. Ngoài gia Đơn Bì, Thù, Liên, theo tay là khỏi. Sau khi ra huyết dừng, nếu không dùng Lục Vị Địa Hoàng để tư âm, ít lâu sau tất phát lại. Trong Ngũ Úc Luận tôi đã bàn rất rõ. Có uống rượu quá nhiều, tổn thương vị mà thổ huyết. Sau khi nôn, xuất huyết, lấy Kiết Hoa Giải Tỉnh thang, gia Đơn Bì, bội Hoàng liên, làm cho trên dưới chia ra mà tiêu đi. Bệnh rượu hết, bệnh huyết cũng hết. Có quá viêm chưng (bị nóng quá) ăn phải các thứ quá cay nóng, thượng tiêu tắc nhiệt, ngực bụng đau đầy, huyết xuất tím, đen thành khối, có thể dùng Đào Nhân Thừa Khí thang, theo đường đại tiện dẫn đi. Đây la phép “Tìm củi dưới rìu” . Vậy hai chứng trên đây tuy thuộc nội thương, nhưng xem là chứng hữu dư, có thể dùng các phép đã nói trước đó.
Có phụ nữ phát nhiệt, đường thủy (tiểu tiện) chợt xả, chợt dừng, lời nói thất thường như thấy ma. Tiểu tiện nhiều hoặc không hãm được, đây gọi là nhiệt nhập vào “phòng huyết” (huyết thất). Nên dùng Tiểu Sài hồ thang, gia Hồng Hoa, Sinh Địa, Đơn Bì, Quy Vĩ phá huyết. Xem kỹ môn thương hàn. Có đội quân mã, ngã đột ngột, quỵ rất nhiều, thất huyết, ứ, thũng, đau, phát nhiệt. Trước lấy Đào Nhân, Đại Hoàng, Xuyên khung, Đương quy, Xích Thược, Đan bì, Hồng Hoa làm tễ hành huyết, phá ứ, bẻ cái khí nhọn ban đầu của bệnh. Sau đó trị riêng các chứng bằng thuốc hòa huyết, tiêu độc. Trương Tử Hòa thường dùng Thông Kinh Tán Thần hoàn, khoảng dưới mươi lần, bệnh đi như quét. Lại thường dùng phép này trị chứng đòn trượng trọng thương phát cực nhiệt, hơn mười lần là xưng thoải, nhiệt tiêu, thực chẳng sai lời.
Lại có sản hậu, dịch bẩn không hết, nên dùng Đào Nhân, Hồng Hoa, Xuyên khung, Đương quy, Xích Thược, Đan bì, là thuốc hành huyết, phá huyết, gia Khương, Quế cay nóng để hành cái ứ ấy. Lại có đau hư, không có ứ huyết, nên dùng riêng ôn bổ, không thể dùng tễ phá huyết. Huống ngày nay thường có lời rằng: Phàm người thổ, nục huyết không âm hư tất dương hư. Tôi xin lược nói: Người ngày nay hễ thấy huyết chứng, cho là âm hư, huyết hư, bỏ Tứ Vật thang, còn có phương nào? Hỏa động là nhiệt rồi, không dùng Cầm, Liên, Tri, Bá thì còn thuốc nào? Ho suyễn là hỏa, phi Sài, Uyển, Bách Bộ, Tri, Mẫu, Bối Mẫu thì vật nào? Đan Khê, Tiết Trai đều có minh huấn, lại có khác sao? Duy biết chứng âm hư, đại để thượng nhiệt, hạ hàn là nhiều. Bắt đầu là lấy thuốc hàn lương cho dùng, thượng tiêu sao chẳng sảng khoái! Thầy thuốc, người bệnh ai cũng cho là đúng thuốc. Ít lâu sau ăn giảm, lại cho là ăn không tiêu, gia Thần Khúc, Sơn Tra, lâu nữa thì nhiệt lại tăng, đờm suyễn càng tăng, phiền bực càng nặng. Lại cho là thuốc thiếu chưa đủ tới, tăng thêm thuốc hàn, lương, mà các chứng bụng trướng, tiết tả hoành hành. Lại lấy Chỉ xác, Đại Phúc Bì, khuy trung khoái khí, các thứ cho dùng. Đến đó chẳng chết còn đợi đến lúc nào? Là do ho suyễn thổ huyết, luôn luôn phát nhiệt, chưa chắc thành bệnh nặng. Cho uống Tứ Vật loại Hoàng Bá, Tri Mẫu chẳng khỏi, tất bệnh nặng sẽ thành, ngực đầy bành trướng, buồn rầu không vui. Chưa chắc đã thành bệnh trướng, nhưng cho uống Sơn Tra, Thần Khúc không khỏi tất thành bệnh trướng, mặt phù thũng, tiểu tiện bí, sáp. Chưa chắc đã thành bệnh thủy. Cho uống các loại thấm lợi không xong, tất bệnh thủy úng sẽ thành. Khí trệ ách tắc, thuốc nọ gây thành bệnh kia càng ngày càng nặng. Sau cùng chẳng thể cho uống được thuốc lúc nguy cấp, thì nói rằng bệnh phạm vào điều “chậm”, tuy thuốc đúng chứng, cũng chẳng làm sao được.